Thứ năm,  19/09/2024

Từng bước gỡ khó chuyển đổi số trong hợp tác xã

– Mặc dù một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuyển đổi số trong một số hoạt động, song trên thực tế, việc chuyển đổi số của các HTX trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các cấp, ngành liên quan đang triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ.

  Kết quả bước đầu

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 453 HTX đăng ký hoạt động. Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của sự phát triển, các HTX không thể đứng ngoài cuộc mà phải thay đổi tư duy từ sản xuất kinh doanh truyền thống sang ứng dụng công nghệ vào hoạt động. Chính vì vậy, một số HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện chuyển đổi số vào một số khâu trong hoạt động của mình.

Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp An Hồng quản lý hoạt động chăn nuôi qua hệ thống camera giám sát

Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX Nông sản Chi Lăng cho biết: HTX đi vào hoạt động từ năm 2018 với ngành nghề chính là sản xuất, kinh doanh nông sản. Trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX chủ yếu được thực hiện bằng cách mua, bán trực tiếp tại vườn hoặc điểm thu mua. Khoảng 3 năm gần đây, HTX đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số như: các sàn thương mại điện tử, trên các mạng xã hội… Từ đó, giúp cho việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của HTX tốt hơn, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, HTX vẫn duy trì được việc tiêu thụ nông sản. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm HTX tiêu thụ từ 150-200 tấn na đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cùng với đó, HTX đã chủ động số hóa trong quy trình quản trị, điều hành như chuyển đổi sử dụng phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử…

Tương tự như tại HTX Nông sản Chi Lăng, việc chuyển đổi số trong khâu quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm đã góp phần giúp HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng, thành phố Lạng Sơn từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ông Hoàng Văn Cương, Phó Giám đốc HTX cho biết: HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó có 2 sản phẩm chính là mật ong và rau an toàn. Những năm gần đây, HTX đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số trong khâu quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội và website riêng của HTX. Qua đó, giúp nhiều người biết đến sản phẩm của HTX, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Năm 2022, doanh thu của HTX ước đạt trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng, tăng  200 triệu đồng so với năm 2021.

Cùng với 2 HTX kể trên, thời gian qua, một số HTX khác trên địa bàn tỉnh cũng đã bước đầu triển khai chuyển đổi số trong một số khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh. Ông Liễu Xuân Du, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số HTX chuyển đổi số trong công tác quản lý; sản xuất, chế biến sản phẩm; xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20% HTX hoạt động hiệu quả đã thực hiện chuyển đổi số, trong đó chủ yếu ứng dụng chuyển đổi số trong khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Còn lại khâu sản xuất, quản trị, điều hành HTX thì số lượng rất ít.

  Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, số lượng HTX chuyển đổi số vẫn còn ít, việc chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, nhiều HTX nguồn lực hạn chế nên chưa đầu tư được trạng thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất, kinh doanh, chưa hiểu rõ cách thức triển khai thực hiện chuyển đổi số trong khâu sản xuất; việc tổ chức sản xuất đa phần vẫn theo phương thức truyền thống, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, hạ tầng công nghệ lạc hậu, trình độ nguồn nhân lực hạn chế…

Đại diện các HTX trên địa bàn tỉnh tham gia tập huấn liên quan đến chuyển đổi số trong HTX

Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX Thủy sản Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn cho biết: HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi cá lồng. Qua tìm hiểu thực tế ở một số nơi cũng như tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, tôi nhận thấy việc chuyển đổi trong các khâu sản xuất, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của HTX. Tuy nhiên, bản thân các thành viên chưa biết cách làm, đồng thời cũng chưa có nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong khâu sản xuất. Việc chăn nuôi cá lồng chủ yếu dùng các trang thiết bị tự chế, người lao động trong HTX vẫn trực tiếp thực hiện tất cả các bước trong sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh nhiều HTX còn hạn chế về nguồn lực để đầu tư hạ tầng phục vụ chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, nhiều HTX còn chưa biết đến, hoặc biết đến rồi nhưng chưa quan tâm đến chuyển đổi số. Ông Bế Văn Kiểu, Giám đốc HTX Cường Thịnh, huyện Bắc Sơn cho biết: Từ nhiều năm nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX mang tính truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm HTX làm ra chủ yếu tiêu thụ tại chỗ. Chính vì vậy, HTX cũng chưa quan tâm đến việc chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Cùng với những khó khăn kể trên, nhiều HTX khác trên địa bàn còn gặp những khó khăn khác như: nhiều HTX chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; sản phẩm làm ra của HTX chủ yếu phục vụ nhu cầu của thành viên và người dân địa phương; chưa phát triển được nhiều vùng nguyên liệu tập trung…

Nguyên nhân dẫn tới việc chuyển đổi số trong các HTX trên địa bàn tỉnh còn hạn chế là do nội lực của các HTX còn yếu; hạ tầng cơ sở nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất công nghệ cao, kỹ thuật số; công tác tổ chức và quản lý của các HTX thiếu chặt chẽ; trình độ quản lý HTX chưa đáp ứng yêu cầu của việc chuyển đổi số; nhiều HTX còn chưa biết đến thông tin, quy trình, vai trò của chuyển đổi số đối với hoạt động của đơn vị mình; sản xuất, tiêu thụ còn manh mún, nhỏ lẻ, đặc biệt ở các HTX nông nghiệp…

  Tập trung tháo gỡ

Từ thực tiễn của các HTX như vậy, để nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số trong HTX, các cấp, ngành liên quan đã và đang triển khai các giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các HTX. Theo đó, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với một số cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho các HTX trên địa bàn. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã tuyên truyền về Luật HTX, trong đó, có lồng ghép nội dung liên quan đến chuyển đổi số được 29 cuộc với gần 3.000 người tham gia; tổ chức 9 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho gần 700 lượt cán bộ quản lý HTX tham gia với các nội dung liên quan đến quản trị, điều hành HTX, nâng cao năng lực, trình độ cho độ ngũ quản lý HTX về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh…

Mô hình chăn nuôi vịt lấy trứng của HTX Quốc Khánh, huyện Tràng Định

Bên cạnh tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng, các cấp, ngành liên quan đã triển khai các giải pháp để hỗ trợ, từng bước tháo gỡ khó khăn cho các HTX như: hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng (hỗ trợ 23 HTX vay vốn, 6 HTX được hỗ trợ lãi suất, tiếp cận các chương trình, dự án từ các nguồn vốn lồng ghép; xây dựng tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, quảng bá giới thiệu sản phẩm cho 22 HTX…; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (hỗ trợ 9 trí thức trẻ về làm việc tại các HTX nông nghiệp) … Từ những hỗ trợ này góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn lực để các HTX đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ cao để tiếp cận công nghệ mới, hiện đại; hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên nền tảng công nghệ số…

Ông Liễu Xuân Du, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Mặc dù đã triển khai một số các giải pháp cụ thể song trên thực tế, việc triển khai chuyển đổi số trong các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, thời gian tới, Liên mình HTX tỉnh cùng các cơ quan liên quan tiếp tục có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các HTX tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số nhanh chóng, hiệu quả. Trong đó, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ HTX về hạ tầng kết nối thông tin, hạ tầng dữ liệu để áp dụng công nghệ số vào sản xuất; sử dụng công nghệ số trong việc kết nối thông tin, giao dịch thương mại điện tử, bán hàng điện tử, truy xuất nguồn gốc hàng hóa; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý HTX; tăng cường lồng ghép các chương trình, đề án, dự án để triển khai thực hiện chủ trương về quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chuỗi giá trị hàng hóa; hỗ trợ HTX tham gia hội chợ, triển lãm, diễn đàn kinh tế hợp tác… Qua đó, góp phần quan trọng vào việc đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với thực tiễn và hướng đến nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

TÂN AN