Thứ tư,  18/09/2024

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử

– Những năm qua, tại Lạng Sơn, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh, nhất là khi dịch COVID-19 xảy ra, hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook… ngày càng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thì hoạt động TMĐT còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi hàng giả, hàng nhái xuất hiện khiến người tiêu dùng hoang mang. Do đó, các cơ quan chức năng đã và đang tăng cường công tác quản lý, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Không phải mất thời gian đi đến các cửa hàng, không phải chờ đợi thanh toán… người tiêu dùng chỉ cần ở nhà, truy cập internet, với vài thao tác đơn giản là có thể đặt mua cho mình món đồ mong muốn. Sau đó, sản phẩm được giao đến tận nơi theo yêu cầu. Tuy nhiên, mua hàng qua mạng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho người tiêu dùng. Cụ thể, có không ít những tổ chức, cá nhân, người bán hàng online đã quảng cáo quá mức về chất lượng, kiểu dáng, công dụng của hàng hóa; một số trường hợp bán hàng nhái, hàng kém chất lượng, lợi dụng sự cả tin, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để bán hàng.

Cán bộ Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn lập biên bản hộ kinh doanh vi phạm nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ tại Việt Nam

Chị Lưu Thị Luyến, thôn Na Hình, xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng cho biết: Do công việc bận rộn, nên tôi thường xuyên mua hàng qua mạng. Vào dịp trước Tết Nguyên đán 2023, tôi có xem quảng cáo bán quần áo tại một fanpage trên mạng xã hội Facebook. Theo như thông tin giới thiệu thì tài khoản có địa chỉ tại thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình. Sau khi liên hệ và được tư vấn, tôi đã quyết định đặt mua 1 chiếc áo với giá 200.000 đồng. Thế nhưng khi hàng được giao đến nhà, tôi hoàn toàn thất vọng vì màu sắc, mẫu mã và chất lượng đều không giống với quảng cáo. Tôi đã liên hệ lại nơi bán để đổi, trả hàng nhưng không thể liên hệ được với cửa hàng do số điện thoại của tôi đã bị chặn.

Tương tự  chị Luyến, anh Lưu Chung Hiếu, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cũng từng mua phải hàng kém chất lượng trên mạng. Anh Hiếu cho biết: Tôi có đặt mua một chiếc tông đơ cắt tóc qua Facebook với mức giá trên 500.000 đồng. Dù tài khoản facebook đó không nêu địa chỉ cụ thể mà chỉ ghi chung chung là tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, nhưng vì cả tin tôi đã quyết định đặt hàng. Đến khi nhận hàng và dùng thử, tôi mới phát hiện ra là tông đơ cắm sạc nhưng không vào điện. Tôi đã ngay lập tức liên hệ với người bán để phản ánh nhưng không thể liên lạc lại.

Không chỉ riêng 2 trường hợp trên mà thời gian qua, rất nhiều người đã gặp phải tình trạng mua hàng không đúng với quảng cáo, hàng giả, hàng kém chất lượng trên các trang mạng xã hội. Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã vào cuộc và tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp bán hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Đơn cử, ngày 1/12/2022, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6, Cục QLTT tỉnh kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh do bà L.T.T.Trang làm chủ hộ kinh doanh có địa chỉ tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn trùng khớp với địa chỉ của tài khoản Facebook mang tên “Zulu H h x k”. Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại đây bán 24 áo sơ mi dài tay nhãn hiệu “BURBERRY” có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam. Hay như ngày 13/10/2022, Đội QLTT số 7 tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh D.V.T tại huyện Bắc Sơn, phát hiện đang buôn bán 3 loại hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp gồm: 650 đôi tất sợi trẻ em nhãn hiệu ADIDAS; 480 đôi tất sợi người lớn nhãn hiệu NIKE; 560 đôi tất sợi trẻ em nhãn hiệu GUCCI… Tất cả số hàng hoá nêu trên đều giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Lực lượng chức năng đã xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, qua công tác nắm địa bàn và tố giác của người dân, các đơn vị chức năng của cục đã phát hiện, xử lý 702 vụ buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (chủ yếu là hàng quần áo, mỹ phẩm, giày dép…) thông qua các trang mạng xã hội zalo, facebook… Thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục tăng cường công tác nghiệp vụ nhằm phát hiện các đầu mối, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử. Từ đó, xây dựng kế hoạch, phối hợp với các lực lượng khác để kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Qua tìm hiểu của phóng viên, mặc dù hiện nay chính sách đồng kiểm (được kiểm tra hàng trước khi thanh toán) khi mua hàng online đã được nhiều đơn vị áp dụng, song vẫn có những người tiêu dùng do chủ quan nên đã mua phải hàng kém chất lượng, hàng không đúng như quảng cáo trên mạng. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm hoạt động kinh doanh trong thương mại điện tử ngày càng tinh vi. Để tránh bị phát hiện, người bán thường không để địa chỉ rõ ràng, sử dụng hình ảnh thật của các nhãn hàng để đăng trên mạng khiến nhiều khách hàng lầm tưởng. Đáng nói là khi gặp phải tình trạng mua hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái đa số người mua đều có tâm lý e ngại, chấp nhận “mất tiền oan” chứ không phản ánh đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền hay đơn vị bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Lương Đăng Ninh, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh cho biết: Trong năm 2022, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh tiếp nhận 17 ý kiến phản ánh của người tiêu dùng đề nghị tư vấn, giải quyết khiếu nại liên quan đến quyền lợi của họ. Trong số đó có 2 ý kiến về việc người tiêu dùng mua hàng online nhưng sản phẩm nhận được không đúng như chất lượng khi quảng cáo. Hội đã tiếp nhận thông tin về sản phẩm và phối hợp cùng các cơ quan chức năng như: Cục QLTT, Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng tỉnh để tiến hành xác minh, làm rõ. Đồng thời, để thuận tiện cho quá trình xác minh, hội cũng khuyến cáo, hướng dẫn người tiêu dùng giữ nguyên bao bì sản phẩm, hóa đơn, thông tin sai lệch…

Bên cạnh đó, để người tiêu dùng tránh gặp phải những trường hợp không mong muốn khi mua hàng online và nhận thức rõ hơn về quyền lợi của mình, Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn những sàn TMĐT, những tài khoản bán hàng trên mạng xã hội uy tín,  có chính sách đổi trả, bảo hành rõ ràng. Đồng thời, hội cũng khuyến cáo người tiêu dùng khi gặp vấn đề trong giao dịch, mua bán hàng hóa ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân cần có ý kiến, liên hệ đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh để được hỗ trợ ngay, kể cả khi giá trị tranh chấp không lớn.

Từ sự phát triển của thời đại công nghệ 4.0, có thể thấy hoạt động TMĐT mang đến nhiều ưu điểm về sự tiện lợi, song mặt hạn chế của nó cũng không ít. Vì vậy, thời gian tới, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia các hoạt động TMĐT, các cơ quan chức năng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng; hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm về TMĐT; đồng thời công khai các trang TMĐT vi phạm để cảnh báo cho người tiêu dùng…

Bà Chu Thị Hồng Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Phó Chánh Văn phòng Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn

“Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (diễn ra từ ngày 20/10/2022 đến hết ngày 15/11/2022) đã tiến hành thảo luận, lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 5, vào tháng 5/2023.

Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi nhận thấy rằng, việc sửa đổi, bổ sung và đưa ra cơ chế, chính sách về hoạt động TMĐT là rất cần thiết. Hiện nay hoạt động TMĐT đang phát triển rất mạnh, trong khi đó, cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động này còn tồn tại nhiều lỗ hổng như: không có quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của các bên khi thực hiện giao dịch trên không gian mạng; quy định về nộp thuế; quy định về tổ chức bộ máy, hoạt động, điều hành của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn chưa rõ ràng… Chính vì vậy, việc đưa ra các quy định cụ thể nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách là yếu tố quan trọng để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả vận hành của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tại địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm. Qua đó, đảm bảo tính răn đe, phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”.

HOÀNG CƯỜNG - KIM CHI