Thứ năm,  19/09/2024

Hữu Lũng: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

– Xác định phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, những năm qua, huyện Hữu Lũng đã có nhiều giải pháp để khuyến khích các cơ sở CN-TTCN trên địa bàn phát triển.

Hữu Lũng là huyện nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển CN-TTCN. Theo đó, đây là huyện có số mỏ khai thác khoáng sản lớn nhất tỉnh với 24 mỏ, chiếm trên 40% số mỏ toàn tỉnh. Bên cạnh đó, đây còn là huyện có thế mạnh về phát triển lâm nghiệp với diện tích rừng sản xuất gần 20.000 ha, chiếm trên 50% diện tích đất có rừng. Chính vì vậy, thời gian qua, huyện đã chú trọng phát triển công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là sản xuất, chế biến gỗ.

Công nhân sản xuất, chế biến ván bóc tại thôn Cã Ngoài, xã Minh Sơn

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân tham gia sản xuất CN-TTCN, những năm qua, huyện Hữu Lũng đã triển khai nhiều giải pháp như: cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở đăng ký thành lập; thường xuyên thông tin, phổ biến các chính sách mới liên quan đến CN-TTCN cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; định kỳ hằng năm tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất… Đơn cử như từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã phối hợp tổ chức 1 cuộc gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn, qua đó đã giải đáp kịp thời một số vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất CN-TTCN như: công tác bồi thường, mở rộng phạm vi khai thác mỏ; phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản….

Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền huyện Hữu Lũng, hoạt động sản xuất CN-TTCN trên địa bàn ngày càng được đẩy mạnh, các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Theo đó, hiện nay, trên địa bàn huyện có 44 doanh nghiệp tham gia sản xuất CN. Trong đó,  một số đơn vị có quy mô lớn như: Công ty TNHH Lâm sản Thành An; Công ty Cổ phần Greatwood; Công ty TNHH Thịnh An Bình; Công ty TNHH Nhật Tiến…

Ông Hoàng Văn Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tiến cho biết:  Trong suốt 10 năm hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ các cấp, các ngành. Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm 2021, khi công ty phải tạm dừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huyện đã hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để người lao động được hưởng trợ cấp theo quy định của Nhà nước. Theo đó, đã có trên 30 lao động của công ty được nhận trợ cấp với số tiền 2,7 triệu đồng/tháng. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn và từng bước ổn định, phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 37 lao động với thu nhập trung bình đạt 5,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài các doanh nghiệp sản xuất CN, trên địa bàn huyện Hữu Lũng còn có 106 cơ sở sản xuất TTCN, trong đó chủ yếu là sản xuất, chế biến gỗ. Anh Nguyễn Quốc Huy, chủ cơ sở sản xuất, chế biến ván bóc ở thôn Cã Ngoài, xã Minh Sơn cho biết: Đầu năm 2022, tôi đã làm hồ sơ để vay 1,5 tỷ đồng theo Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2025. Trong quá trình làm hồ sơ, tôi đã được chính quyền huyện hướng dẫn, tạo điều kiện để hoàn tất các thủ tục, giúp cơ sở nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn. Nhờ đó, tôi đã có điều kiện để mở rộng quy mô, phát triển sản xuất. Hiện nay, sản lượng ván bóc của cơ sở đạt gần 1.000 m3/năm, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN đang hoạt động trên địa bàn huyện đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.500 lao động. Sự phát triển của các doanh nghiệp không chỉ giải quyết được việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương mà còn giúp tăng nguồn thu ngân sách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Theo số liệu từ Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện, trong những năm gần đây, tổng giá trị sản xuất CN – TTCN trên địa bàn liên tục tăng. Riêng trong năm 2022, tổng giá trị sản xuất CN toàn huyện đạt hơn 1.286 tỷ đồng, tăng 14,07% so với năm 2021 và trong quý I/2023, tổng giá trị sản xuất CN ước đạt hơn 260 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Bà Trần Hoài Trang, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Hữu Lũng cho biết: Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện xây dựng các kế hoạch phát triển CN-TTCN trên địa bàn theo hướng bền vững; phối hợp với các phòng, ban liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, đặc biệt là những doanh nghiệp mới thành lập; khuyến khích phát triển CN vừa và nhỏ để tận dụng được nguồn nguyên liệu, nhân công tại chỗ.

Năm 2023, huyện Hữu Lũng phấn đấu nâng giá trị sản xuất CN-TTCN lên khoảng 1.345 tỷ đồng và tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng công nghiệp và ưu tiên phát triển các ngành CN tiềm năng, thế mạnh của huyện; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

KIM CHI