Thứ hai,  08/07/2024

Đồng bộ giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thanh niên huyện Lộc Bình trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp tại Ngày hội Khởi nghiệp năm 2023 do Tỉnh đoàn Lạng Sơn tổ chức

– Trong quá trình khởi nghiệp, các cá nhân, nhóm khởi nghiệp rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST). Do vậy, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tăng cường nâng cao năng lực hệ sinh thái KNĐMST nhằm hỗ trợ thiết thực cho chủ thể khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Để hỗ trợ khởi nghiệp cũng như thúc đẩy phong trào KNĐMST trên địa bàn tỉnh, ngày 10/12/2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13 quy định về nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh; hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST với những nội dung, nhiệm vụ cụ thể.

Là đơn vị chủ công trong phát triển hệ sinh thái KNĐMST, thời gian qua Sở KH&CN đã kết nối, vận động sự tham gia của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng trang thông tin điện tử về KNĐMST, khu làm việc chung; tổ chức các khóa đào tạo về KNĐMST… Theo bà Đặng Thị Nguyệt Ánh, Chuyên viên phụ trách công tác KNĐMST Phòng Quản lý công nghệ và đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN: Trong năm 2023, chúng tôi tập trung tham mưu nâng cao năng lực hệ sinh thái KNĐMST bằng các hoạt động như xây dựng mạng lưới cố vấn KNĐMST; kết nối huy động nguồn lực hỗ trợ KNĐMST từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; trực tiếp tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho từng mô hình… nhằm hỗ trợ thiết thực cho các cá nhân, nhóm khởi nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2023, Sở KH&CN triển khai xây dựng mạng lưới cố vấn KNĐMST từ tỉnh đến huyện và có sự kết nối các chuyên gia. Mạng lưới cố vấn KNĐMST được xây dựng với các thành viên là đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… Tại cấp huyện, cố vấn viên KNĐMST là cán bộ chuyên trách tại các phòng, ban chuyên môn của huyện… Đồng thời, sở phối hợp tổ chức đào tạo kỹ năng tư vấn, hướng dẫn cho đội ngũ cố vấn khởi nghiệp nhằm khẩn trương ứng dụng vào thực tiễn, phát huy hiệu quả tích cực trong việc tư vấn, hướng dẫn các cá nhân, nhóm khởi nghiệp.

Trong năm 2023, Sở KH&CN đã tổ chức 7 lớp tập huấn về KNĐMST cho hơn 400 người là các tư vấn viên, cá nhân, nhóm khởi nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; kết nối với chuyên gia hỗ trợ 5 dự án về chương trình đào tạo thương mại điện tử; vận động các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ 5 dự án về trang thiết bị, máy chế biến, truyền thông, quảng bá sản phẩm với tổng trị giá 290 triệu đồng; tư vấn các nội dung về sở hữu trí tuệ như: đăng ký nhãn hiệu, in nhãn, mác, bao bì, hoàn thành các thủ tục về đăng ký, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm cho 5 dự án…

Cùng với đó, tháng 5/2023, Sở KH&CN đã phối hợp với chuyên gia Làng Nông nghiệp Techfest Quốc gia tiến hành khảo sát 11 chủ thể là hộ kinh doanh, hợp tác xã sản xuất sản xuất các sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Tại đây, chuyên gia đã đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh; xác định khó khăn, mức độ ảnh hưởng của vấn đề cũng như tìm hiểu mong muốn của hộ kinh doanh, hợp tác xã. Trên cơ sở thông tin khảo sát, chuyên gia xác định những nội dung cần hỗ trợ, từ đó, tìm kiếm nguồn lực và kết nối với doanh nghiệp để hỗ trợ cá nhân, đơn vị sản xuất giải quyết vấn đề khó khăn, vướng mắc… Sở cũng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức tập huấn hướng dẫn hoàn thiện sản phẩm cho 15 cá nhân, nhóm khởi nghiệp tham gia cuộc thi KNĐMST tỉnh Lạng Sơn năm 2023 nhằm giúp các cá nhân, nhóm khởi nghiệp tiếp tục triển khai phát triển sản phẩm và đưa ra thị trường.

Chị Lăng Thị Thơ, thôn Bản Lếch, xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng cho biết: Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ tháng 3/2023 với sản phẩm heo dẻo mác mật ăn liền. Sau khi tham gia cuộc thi KNĐMST năm 2023 tôi đã được tiếp xúc với đại diện một số doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực KNĐMST. Nhờ đó, tôi đã được các chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp chỉ ra những vấn đề mà tôi cần khắc phục, hướng dẫn cách giải quyết cũng như phát triển thị trường cho sản phẩm. Thông qua hệ sinh thái KNĐMST tôi đã được Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Xúc tiến thương mại Thu Minh hỗ trợ gói thiết kế, in ấn bao bì. Đây là sự hỗ trợ rất ý nghĩa giúp tôi xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm.

Các cá nhân, nhóm khởi nghiệp được Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch hỗ trợ nghiên cứu bảo quản và chế biến sản phẩm

Không riêng chị Lăng Thị Thơ được hỗ trợ khởi nghiệp thành công với sản phẩm heo dẻo mác mật, chỉ tính từ năm 2022 đến nay đã có 9 dự án khởi nghiệp được hỗ trợ khởi nghiệp thành công, xây dựng được thương hiệu sản phẩm trên thị trường, tiêu biểu như:  Dự án Hồng treo gió, Hồng sấy dẻo (Hợp tác xã Toàn Thương, huyện Văn Lãng); Dự án Sản xuất Thạch đen Chu Hạnh (hộ sản xuất và kinh doanh Thạch đen Chu Hạnh, huyện Văn Lãng; Dự án Xây dựng chuỗi giá trị hoa hồi, dược liệu dưới tán hồi từ tài nguyên bản địa gắn với sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số (Hợp tác xã thôn Nà Pái, huyện Bình Gia);  Dự án Ẩm thực thịt lợn hun khói và sấy khô; Dự án Sản xuất dầu gội và dầu xả tóc từ thảo mộc thiên nhiên… Sản phẩm từ những dự án này tuy mới có mặt trên thị trường song đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận và mang lại những hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội. Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao hệ sinh thái KNĐMST, hỗ trợ thiết thực cho các cá nhân, nhóm khởi nghiệp hiện thực hóa ý tưởng, dự án KNĐMST.

HOÀNG VƯƠNG - ĐĂNG THÙY