Thứ sáu,  20/09/2024

Hữu Lũng: Phát triển thương mại, dịch vụ

(LSO) – Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân theo đó cũng tăng cao. Tận dụng tiềm năng, thế mạnh của mình, Hữu Lũng đã và đang phát triển mạnh lĩnh vực thương mại, dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân.

Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Hữu Lũng, các cửa hàng, quán ăn, shop quần áo, kinh doanh hàng điện tử, điện thoại, trang trí nội thất, nhà nghỉ… mọc lên san sát, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, trao đổi hàng hóa của người dân. Đặc biệt, dọc tuyến đường quốc lộ 1A hiện có rất nhiều cửa hàng phục vụ được hàng trăm lượt khách cùng một lúc nên nhiều năm nay, Hữu Lũng được lựa chọn là nơi nghỉ chân “hàng đầu” của hành khách khi qua đây.

Ông Nguyễn Khoa Nam, chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống Diệu Thúy, xã Sơn Hà cho biết: Năm 2007, nhận thấy nhu cầu dịch vụ của khách khi lưu thông trên quốc lộ qua địa bàn lớn nên có sẵn mặt bằng, gia đình tôi quyết định mở nhà hàng kinh doanh phục vụ ăn uống. Trung bình mỗi ngày, nhà hàng tiếp đón từ 40 – 50 lượt xe khách các loại, với khoảng 200 – 300 lượng khách/ngày, mang lại doanh thu trên 10 triệu đồng/ngày. Hằng năm, nhà hàng luôn nộp thuế, phí cho nhà nước và đóng góp cho các quỹ từ thiện, phúc lợi xã hội đầy đủ.

Khách du lịch chọn mua đồ tại cửa hàng kinh doanh ăn uống Diệu Thúy, xã Sơn Hà

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hữu Lũng có trên 3.000 cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Trong đó, có gần 500 hộ kinh doanh và doanh nghiệp kinh doanh lớn trong lĩnh vực này. Các hộ kinh doanh và doanh nghiệp đã, đang có sự phát triển về số lượng và chất lượng. Nếu như trong 10 tháng năm 2015, số doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện chỉ là 29 thì trong 10 tháng năm 2018, con số này đã tăng lên 60 doanh nghiệp. Số thuế thu được từ lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng tăng cao. Trong 10 tháng năm 2018, số thuế thu từ các hộ kinh doanh và doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ gần 6,5 tỷ đồng, tăng khoảng 4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015.

Với mục tiêu phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại, đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thời gian qua, huyện Hữu Lũng đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế; tạo điều kiện về thủ tục hành chính, mặt bằng, hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh, tạo đà để thương mại, dịch vụ phát triển.

Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường (trung bình mỗi năm thực hiện từ 14 – 15 cuộc kiểm tra); phối hợp tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại; giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản địa phương… Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn huyện tăng qua từng năm. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ của huyện đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 540 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh việc mở rộng và phát triển các cơ sở kinh doanh, hệ thống chợ cũng được huyện quan tâm đầu tư để phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân. Toàn huyện hiện có 12 chợ xã, chợ cụm xã, 1 chợ thị trấn được duy trì hoạt động, giúp bà con có nơi giao lưu, trao đổi, buôn bán hàng hóa.

Bà Trần Hoài Trang, Phó Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Hữu Lũng cho biết: Để thương mại, dịch vụ phát triển, hằng năm, phòng tham mưu cho UBND huyện phối hợp với các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về vốn cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đầu tư cho hoạt động thương mại, dịch vụ như: sắp xếp, bố trí cho các hộ ổn định kinh doanh tại chợ trung tâm; triển khai, thực hiện việc bình ổn giá… Một số địa bàn diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, huyện hướng dẫn bà con chuyển đổi sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ để nâng cao thu nhập, phát huy hiệu quả quỹ đất. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của huyện ngày càng tăng, hiện đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, tăng 4 triệu đồng so với năm 2015.

NGUYỄN PHƯƠNG - KIM HUYÊN