Thứ sáu,  20/09/2024

Khó khăn trong thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

(LSO) – Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được tỉnh quan tâm và cụ thể hóa bằng những chính sách ưu đãi cụ thể. Tuy nhiên, việc đưa cơ chế chính sách vào thực tiễn và kết quả đạt được trong gần 2 năm qua rất hạn chế, nảy sinh những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Tháng 12/2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 21 về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020. Để cụ thể hóa Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 02 ngày 9/2/2017 để chỉ đạo tổ chức thực hiện; các sở ngành liên quan đã ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Sản xuất giống cây lâm nghiệp tại huyện Đình Lập

Các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh theo Quyết định 02 là rất rõ với nhiều cơ chế ưu đãi cụ thể, như: chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chế biến, tiêu thụ, môi trường, đào tạo nguồn nhân lực… Các cơ chế này được ban hành nhằm khai thác lợi thế của từng huyện, vùng và nằm trong quy hoạch định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, chủ lực của tỉnh.

Mặc dù vậy, số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này trong gần 2 năm qua còn rất khiêm tốn, trong khi lĩnh vực nông nghiệp của Lạng Sơn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau gần 2 năm thực hiện chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có 5 dự án của doanh nghiệp, hộ gia đình, nhóm hộ thực hiện thủ tục vay vốn ngân hàng thuộc chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay để phát triển trồng rừng và 3 nhà đầu tư (gồm 2 hợp tác xã và 1 hộ gia đình) đề nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư vào 4 dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi. Trong số 4 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chăn nuôi của tổ chức, cá nhân đề nghị tỉnh hỗ trợ chỉ có 1 dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu và được tỉnh hỗ trợ đầu tư.  Kết quả này cho thấy số hợp tác xã tham gia đầu tư quá ít ỏi và chỉ chiếm 1,8% so với số hợp tác xã đang hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.

Chăn nuôi bò sinh sản chất lượng cao tại trang trại bò của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư phát triển Cửa Đông chi nhánh huyện Tràng Định

Kết quả thực hiện cơ chế khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định 02 còn hạn chế do việc tuyên truyền chính sách của tỉnh đến các đối tượng có khả năng đầu tư chưa được cấp ủy, chính quyền cấp huyện quan tâm đúng mức. Đến nay, chỉ có huyện Văn Quan và thành phố Lạng Sơn thành lập ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 21 và Quyết định 02 của UBND tỉnh. Qua thực tế khảo sát tại cơ sở, nhiều cán bộ không biết về chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định 02.

Ngoài ra, một số hợp tác xã, hộ gia đình cá nhân có thông tin về chính sách nhưng khi lập dự án đầu tư việc xác định chiến lược phát triển còn mơ hồ, giản đơn, thiếu bền vững, dẫn đến hồ sơ dự án sơ sài thiếu thuyết phục. Qua nghiên cứu dự án của một số hợp tác xã và hộ gia đình cho thấy: việc thuyết minh báo cáo giải trình kinh tế kỹ thuật trong bộ hồ sơ đều không rõ các căn cứ pháp lý làm cơ sở tính toán, xác định chi phí thực hiện các hạng mục đề nghị hỗ trợ đầu tư, việc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm không rõ ràng, chung chung.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất trong việc lập hồ sơ dự án của cơ quan quản lý nhà nước chưa có sự phối hợp đồng bộ và còn lúng túng. Điều này dẫn đến hồ sơ các dự án của hợp tác xã, hộ gia đình được lập chưa đúng nội dung, đối tượng, định mức đề nghị được hỗ trợ.

Để khắc phục khó khăn, vướng mắc, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đề nghị các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn bằng nhiều hình thức. Tập trung hướng dẫn hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất lập hồ sơ dự án và thẩm định kỹ hồ sơ dự án của tổ chức, cá nhân đề nghị thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, sở cũng tổ chức rà soát lại chính sách để có điều chỉnh, bổ sung cơ chế cho phù hợp với thực tế. Qua đó góp phần để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

TRANG NINH