Thứ sáu,  20/09/2024

Người chăn nuôi chưa vội tái đàn lợn

(LSO) – Tính đến ngày 10/9/2019, toàn tỉnh có 179 xã có bệnh dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Tuy vậy, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, người chăn nuôi chưa vội tái đàn thời điểm này. Bởi thực tế có những hộ tái đàn lợn, ngay sau đó, lợn lại nhiễm bệnh và chết; một số xã đã công bố hết dịch nhưng sau đó tái phát ổ dịch.

Cuối tháng 6/2019, đàn lợn của gia đình ông Hứa Văn Nam, thôn Quyết Tiến, xã Thiện Kỵ (Hữu Lũng) bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sau đó, gia đình ông Nam vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng và đến đầu tháng 8/2019, ông Nam sang huyện Yên Thế (Bắc Giang) mua 10 con lợn con về nuôi. Sau khi nuôi được khoảng 15 ngày, đàn lợn bị ốm, chết với các triệu chứng điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Nam cho biết: Mặc dù được chính quyền xã, thôn, thú y viên khuyến cáo chưa nên tái đàn lợn nhưng do chủ quan nghĩ rằng đã phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột sau hơn một tháng là tiêu diệt được mầm bệnh nên tôi mua lợn về nuôi, sau đó lợn bị ốm, chết. Thời gian tới, tôi sẽ chuyển chăn nuôi gà, đến khi có khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, tôi mới dám nuôi tái đàn lợn.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định kiểm tra đàn lợn của người dân xã Đại Đồng

Cũng như gia đình ông Nam, trước đó, đàn lợn của gia đình ông Hoàng Văn Sang (cùng thôn với ông Nam) bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi và chết. Đến tháng 8/2019, ông Khang cũng mua 10 con lợn về nuôi và sau đó, đàn lợn bị ốm, chết với các triệu chứng điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Đỗ Văn Cường, thú y viên xã Thiện Kỵ cho biết: Bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn xã và ảnh hưởng đến gần 100% hộ chăn nuôi lợn của xã. Đến nay, số lợn của toàn xã bị ốm chết, tiêu hủy trên 110 tấn, hiện xã vẫn xảy ra tình trạng lợn ốm, chết nhưng chỉ lác đác do số lợn trên địa bàn gần như không còn. Thời gian qua, mặc dù thú y viên, cấp chính quyền, đoàn thể xã đã tuyên truyền, khuyến cáo về việc chưa nên tái đàn lợn nhưng một số hộ (3 hộ) vẫn mua lợn về nuôi, sau đó, lợn bị ốm, chết với các triệu chứng điển hình của bệnh dịch tả châu Phi. Các hộ tái đàn chủ yếu là các hộ trước đây chăn nuôi lợn với số lượng lớn từ 40 con/lứa trở lên nên chủ quan cho rằng mình đã rắc vôi bột và phun tiêu độc khử trùng chuồng nuôi thì sẽ tiêu diệt hoàn toàn mầm bệnh.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 26/26 xã, thị trấn của huyện Hữu Lũng. Mặc dù được cơ quan chuyên môn khuyến cáo song vẫn có một số hộ chăn nuôi tái đàn lợn, dẫn đến đàn lợn bị chết, xảy ra tại xã Thiện Kỵ (3 hộ) và xã Minh Sơn (1 hộ ở thôn Hố Mười). Theo bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, trên địa bàn có một số xã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, tuy nhiên, vẫn không đảm bảo là không xảy ra bệnh dịch. Bởi thực tế vẫn  có 3 xã đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch nhưng sau đó lại phát sinh ổ dịch trở lại. Vì vậy, người chăn nuôi không nên tái đàn lợn thời điểm hiện nay mà nên chuyển hướng chăn nuôi khác.

Tình trạng các xã công bố hết dịch nhưng sau đó lại tái phát ổ dịch xảy ra không chỉ ở Hữu Lũng. Tại huyện Tràng Định, đến ngày 11/9 có 16 xã công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trước đó, huyện đã có 18 xã công bố hết dịch, 2 xã (Cao Minh, Quốc Việt) tái phát ổ dịch.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Hiện toàn tỉnh có 179 xã đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi, trong đó có gần 100 xã công bố hết dịch. Tuy vậy, nguy cơ tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi còn cao, người chăn nuôi không nên tái đàn thời điểm này. Quan điểm là không hỗ trợ 2 lần/hộ – tức là các hộ trước đây có lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được hỗ trợ, nay nuôi tái đàn và lợn lại bị bệnh dịch chết sẽ không được hỗ trợ theo quy định.

ĐỖ HOẠT