Thứ sáu,  20/09/2024
Văn Lãng:

Thất thu hồng vành khuyên

LSO-Năm nay, do thời tiết không thuận lợi, hầu hết người dân trồng hồng vành khuyên trên địa bàn huyện Văn Lãng bị mất mùa. Nếu như năm ngoái, các hộ dân thu hoạch từ vài tạ đến cả chục tấn thì năm nay, sản lượng hồng giảm hơn một nửa, thậm chí nhiều hộ mất trắng.


Vườn hồng gia đình anh Vy Văn Điền (xã Hoàng Việt)
với gần 400 gốc bị rụng quả gần hết

Dẫn chúng tôi ra vườn hồng sau nhà, chị Nguyễn Thị Duyên, thôn Nà Phai, xã Hoàng Việt buồn bã: “Chưa năm nào hồng vành khuyên mất mùa như năm nay. Thời tiết mưa nhiều khiến hồng bị rụng quả, có cây chỉ còn lác đác vài trái. Nhà tôi có gần 200 gốc có quả. Vụ hồng năm ngoái cho thu hoạch trên 8 tạ nhưng năm nay chỉ được gần 2 tạ. Vì hiếm nên giá bán hồng năm nay cao, từ 25.000 đến 28.000 đồng/kg, năm ngoái chỉ khoảng 16.000 đến 18.000 đồng/kg”.

Tương tự, năm nay, gia đình anh Hoàng Văn Hậu, thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ cũng thất thu hồng vành khuyên. Vườn hồng nhà anh có 400 cây, ước cả vụ năm nay chỉ được 3 tạ quả, bằng 1/10 sản lượng năm ngoái. Anh Hậu kể: “Khoảng chục năm trở lại đây, đây là vụ hồng mất mùa nhiều nhất. Mặc dù giá bán có cao hơn so với năm ngoái nhưng do mất mùa, thu nhập từ vụ hồng năm nay giảm nhiều. Vụ hồng năm ngoái, nhà tôi thu được 60 triệu đồng thì may ra vụ năm nay mới được khoảng 10 triệu đồng”.

Đây chỉ là hai trong số nhiều hộ dân ở huyện Văn Lãng bị mất mùa hồng vành khuyên. Năm 2019, toàn huyện có 850 ha hồng vành khuyên, tăng 60 ha so với năm 2018, trong đó có khoảng 430 ha cho thu hoạch. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Văn Lãng, năng suất và sản lượng hồng vành khuyên năm nay trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Nếu như năm 2018, năng suất hồng đạt 5,5 tấn/ha với tổng sản lượng 2.200 tấn thì năng suất năm nay chỉ đạt 1,8 tấn/ha, sản lượng ước đạt trên 800 tấn. Ông Đinh Long Xuyên, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Nguyên nhân hồng mất mùa được xác định là do chu kỳ sai quả của cây, thường thì sau khi cây sai trĩu quả (vào các năm: 2016, 2017, 2018), sẽ đến thời kỳ không đậu nhiều quả. Cùng đó thời thiết bất lợi, mưa nhiều (trong tháng 7, tháng 8/2019) làm cho độ ẩm cao hình thành tầng rời giữa cuống quả với cành bị tổn thương dẫn đến quả bị sâu bệnh, chín ép và bị rụng nhiều. Ngoài ra còn do nông dân chưa chú trọng chăm bón khiến cây hồng thiếu chất dinh dưỡng và sức đề kháng nên không cho quả nhiều hoặc nếu cho quả thì dễ bị rụng khi gặp thời tiết bất lợi.

Ở Văn Lãng, diện tích cây hồng vành khuyên tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Mỹ, Hoàng Việt, Hoàng Văn Thụ, Hồng Thái, Thanh Long… Những năm gần đây, hồng vành khuyên trở thành cây ăn quả chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao, trung bình mỗi năm, giá trị kinh tế từ hồng vành khuyên đem lại khoảng 40 tỷ đồng. Từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể thì hồng vành khuyên của huyện được quảng bá rộng rãi và nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến. Tuy nhiên, do những yếu tố chủ quan, khách quan mà hồng mất mùa.

Để việc sản xuất hồng vành khuyên ổn định, đạt năng suất, sản lượng cao, hạn chế thấp nhất việc mất mùa, cơ quan, đơn vị chuyên môn huyện Văn Lãng đang tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn triển khai các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng kinh nghiệm sản xuất và trồng, chăm sóc cây hồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Đinh Long Xuyên cho biết thêm: Sau vụ hồng năm nay, phòng sẽ phối hợp vận động nông dân đẩy mạnh việc chăm sóc, phục hồi cây sau thu hoạch; tiếp tục tăng diện tích sản xuất hồng theo tiêu chuẩn VietGAP từ 214 ha năm 2019 lên gần 300 ha vào năm 2020. Cùng với đó, sẽ phối hợp với các xã sử dụng nguồn vốn chương trình 135 và vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới để tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất hồng vành khuyên.

Tin tưởng rằng với các giải pháp trên, thời gian tới, hồng vành khuyên huyện Văn Lãng sẽ phát triển ổn định, đem lại năng suất, sản lượng và giá trị cao cho người dân trên địa bàn.

 MINH ĐỨC - THÙY DUNG