Thứ sáu,  20/09/2024

Tràng Định: Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm

– Trước tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm đang có xu hướng diễn biến phức tạp tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh, các ngành chức năng của huyện Tràng Định đã và đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nhằm bảo vệ đàn gia cầm trên địa bàn.

Tràng Định là một trong những huyện có tổng đàn gia cầm lớn của tỉnh, với khoảng 424.000 con. Theo báo cáo từ các cơ quan chức năng, trong quý I năm 2021, trên địa bàn huyện đã xuất hiện bệnh cúm gia cầm A/H5N6 tại 2 thôn Bản Mới và Nà Cạn, xã Đại Đồng, tổng số gia cầm chết buộc phải tiêu hủy là 832 con, với tổng trọng lượng 2.166 kg. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng của huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành các kế hoạch để khoanh vùng dập dịch, đồng thời hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định phun tiêu độc, khử trùng tại các hộ kinh doanh gia cầm trên địa bàn thị trấn Thất Khê

Ông Chu Việt Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (NN&PTNT) cho biết: Hiện nay, đang là thời điểm giao mùa, độ ẩm không khí cao, dẫn đến sức đề kháng của gia cầm giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh như cúm gia cầm dễ phát sinh, phát triển. Đặc biệt, chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện vẫn chủ yếu theo nông hộ chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thú y, điều này cũng làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cúm gia cầm.

Để chủ động bảo vệ đàn gia cầm trước những nguy cơ  lây lan và bùng phát bệnh cúm gia cầm, UBND huyện Tràng Định đã ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh với đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền qua loa truyền thanh, tờ rơi; tổ chức tiêm vắc – xin, phun tiêu độc, khử trùng tại khu vực chăn nuôi; tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng thú y viên ở các xã, thị trấn; triển khai công tác giám sát dịch bệnh đến từng thôn, bản, hộ chăn nuôi; tổ chức thường trực nắm bắt thông tin về dịch bệnh để xử lý kịp thời trong mọi tình huống nếu còn xuất hiện dịch bệnh.

Cùng với công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh, trên cơ sở điều kiện chăn nuôi thực tế, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tiêm phòng đợt 1 để phòng, chống một số dịch bệnh cúm gia cầm (A/H5N6) từ đầu tháng 3/ 2021.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Do một số dịch bệnh trên đàn gia cầm đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và đầu năm đã xuất hiện trên địa bàn huyện nên năm nay, chúng tôi có kế hoạch tiêm phòng sớm hơn mọi năm nửa tháng, đồng thời, tăng cường kiểm soát đối với hoạt động vận chuyển gia cầm vào, ra địa bàn để phòng dịch. Đến nay, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tiêm phòng được gần 12.000 con gia cầm trên địa bàn, đồng thời, cấp 36 lít thuốc sát trùng để phun tiêu độc khử trùng tại 2 hộ/2 thôn của xã Đại Đồng (2 hộ phát sinh ổ dịch), ước phun được khoảng 25.000m2. Đến nay, khu vực 2 ổ dịch cúm tại xã Đại Đồng đã qua 21 ngày không ghi nhận thêm hộ gia đình nào có gia cầm mắc bệnh và trên địa bàn huyện không có ổ dịch bệnh nào phát sinh.

Anh Trần Mạnh Hải, ở Khu 4, thị trấn Thất Khê chia sẻ: Gia đình tôi nuôi gà đã lâu và hiện đang gia tăng đàn gà thương phẩm. Nếu dịch bệnh xảy ra thì thiệt hại rất lớn. Vì vậy, gia đình đã chú trọng việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm như: Tiêm đầy đủ các loại vắc xin; bổ sung thức ăn dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn gà; sử dụng chế phẩm sinh học vừa khử mùi hôi vừa hạn chế mầm bệnh…

Qua tìm hiểu được biết, huyện đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành rà soát, đăng ký số lượng đàn vật nuôi thuộc diện phải tiêm phòng. Bên cạnh đó, thường xuyên bám sát cơ sở nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các ổ dịch ngay khi còn ở diện hẹp. Ngoài ra, huyện cũng tuyên truyền, khuyến khích hình thành các cơ sở chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; quản lý chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn… hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người dân

HOÀNG CƯỜNG