Thứ sáu,  20/09/2024

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp: Nâng giá trị sản phẩm

– Những năm gần đây, một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.

Thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, giai đoạn 2012 – 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan triển khai lồng ghép với các chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn như: chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới… Trong đó, xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là điều kiện tiên quyết, tạo đột phá giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông, lâm sản của tỉnh.

Mô hình trồng măng tây trong nhà lưới cho năng suất cao tại xã Đình Lập, huyện Đình Lập

Theo đó, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được các HTX và người dân đẩy mạnh với các mô hình như: sản xuất trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm (tưới phun sương hoặc tưới nhỏ giọt tự động và bán tự động)… Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 230 ha diện tích đất trồng trọt được trang bị hệ thống tưới tiết kiệm giúp tăng năng suất cây trồng từ 10% đến 30%, tiết kiệm nước so với truyền thống từ 20% đến 40%, giảm lượng phân bón từ 5% đến 30%; đã có 2,5 ha nhà lưới, nhà kính gieo ươm và trồng rau, nấm an toàn; 3 nhà nuôi cấy mô tế bào đạt tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất cây giống lâm nghiệp từ mô tế bào theo công nghệ cao…

Đơn cử như HTX Rau củ quả sạch Gia Cát, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc – một trong những HTX tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Anh Hoàng Văn Thuận, Giám đốc HTX cho biết: Với diện tích 5.500 m2 trong nhà lưới, HTX trồng dưa chuột baby, dưa lưới trên giá thể sử dụng sơ dừa, phân trùn quế ủ với chế phẩm sinh học nhằm loại bỏ vi sinh vật gây hại. Ngoài ra, HTX lắp đặt hệ thống quạt thông gió và tưới nhỏ giọt, phun sương theo quy trình hiện đại; toàn bộ mặt đất phủ kín ni lông; phân bón được sử dụng là dạng hòa tan, bón trực tiếp cho cây qua hệ thống tưới nhỏ giọt.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giúp HTX tiết kiệm chi phí nhân công từ 40% đến 50%; năng suất tăng từ 30% đến 40%/sào; chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn… Nếu như năm 2019, doanh thu của HTX chỉ đạt hơn 100 triệu đồng thì năm 2020, HTX đạt doanh thu trên 500 triệu đồng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các hộ cũng đã áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để giảm bớt sức lao động như: sử dụng thiết bị cho ăn, uống nước tự động trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; hệ thống làm mát, thông gió… Qua đó, đã hình thành một số gia trại, trang trại chăn nuôi trâu, bò, lợn sinh sản hoặc lấy thịt cho hiệu quả kinh tế bình quân hơn 1 tỷ đồng/năm.

Cùng đó, việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao được tích cực thực hiện. Bà Đỗ Thu Hạnh, Trưởng Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Giai đoạn 2012 – 2020, sở triển khai 31 đề tài dự án ứng dụng công nghệ cao với tổng kinh phí 38,493 tỷ đồng. Trong đó, một số đề tài dự án về nông nghiệp công nghệ cao đã được người dân áp dụng vào thực tế như: công nghệ nuôi cấy mô tế bào; công nghệ vi sinh; công nghệ nhà kính, nhà lưới, tưới nhỏ giọt…

Những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần để sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Năm 2020, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh đạt 13.591 tỷ đồng, tăng 1,37 lần so với năm 2015. Qua đó, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

“Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nghị quyết, văn bản chỉ đạo, định hướng của Trung ương, của tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, trong đó lồng ghép vào các chương trình để hỗ trợ, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao mới, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiện có; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến công nghệ cao…”

Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

HIỂU LAM - MAI LINH