Thứ tư,  18/09/2024

Hữu Lũng: Nâng cao giá trị kinh tế từ cây mít bản địa

– Với mục đích nhân rộng, nâng cao giá trị kinh tế từ cây mít bản địa, năm 2018, huyện Hữu Lũng phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) thực hiện ứng dụng kỹ thuật phục tráng và phát triển giống mít bản địa. Qua đó, góp phần mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, mang lại thu nhập cho người dân.

Mít là loại cây đặc sản đã được trồng lâu năm trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Tuy nhiên, trước đây người dân không có sự chọn lọc giống, không đầu tư chăm sóc nên cây ra quả bé, nhiều sâu bệnh. Đặc biệt, cây trồng bằng hạt, sau 6 đến 7 năm mới ra quả, quả nhiều xơ, ít múi.

Từ thực tế trên, tháng 11/2018, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (đơn vị thực hiện) phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật phục tráng và phát triển giống mít bản địa huyện Hữu Lũng”. Qua đó, tạo ra giống cây chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng để mở rộng diện tích, nâng cao giá trị kinh tế.

Người dân thôn Ao Đẫu, xã Sơn Hà chăm sóc vườn mít bản địa

Ông Lê Tất Khang, chủ nhiệm đề tài cho biết: Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát diện tích, năng suất, kỹ thuật canh tác tại các vườn mít bản địa trên địa bàn. Kết quả, đã tuyển chọn được 10 cây mít bản địa ưu tú, khai thác cành, nhân giống bằng phương pháp ghép tạo ra cây giống chất lượng tốt để trồng mới 10 ha (3.300 cây) tại 12 xã trên địa bàn. Hiện cây sinh trưởng phát triển tốt, dự kiến cho thu hoạch quả vào năm sau.

Cùng đó, nhóm thực hiện chăm sóc thâm canh 5 ha (750 cây) mít bản địa tại các xã: Minh Sơn, Sơn Hà… với 35 hộ dân tham gia thực hiện được Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng hỗ trợ kỹ thuật canh tác, phân bón nên vườn mít phát triển tốt, năng suất, chất lượng quả đều tăng hơn so với trước khi thâm canh. Kết quả, sau khi được  thâm canh, chăm sóc trọng lượng quả mít tăng từ 2 đến 2,6 kg/quả, năng suất tăng từ 41,6 đến 51,2 kg/cây; tỉ lệ sâu đục thân giảm 3,3 đến 6,7% so với cây đối chứng (10%); tỉ lệ sâu đục quả giảm 4,8 đến 8,3% so với cây đối chứng (14,7%)…

Bà Ngô Thị Tâm, thôn Ao Đẫu, xã Sơn Hà cho biết: Năm 2018, tôi tham gia mô hình trồng mới và thâm canh cây mít bản địa do Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng hướng dẫn thực hiện, đến nay, gia đình có trên 250 gốc mít bản địa. Theo đó, tôi được hỗ trợ phân bón, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa khi cây ra quả. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, từ năm 2019 đến nay, sản lượng mít của gia đình đạt 4 đến 5 tấn quả (tăng 5 đến 6 tạ quả so với trước khi thực hiện thâm canh). Với giá trung bình 10 đến 20 nghìn đồng/kg, mỗi năm, gia đình thu về từ 80 đến 100 triệu đồng.

Cùng với phục tráng và phát triển, từ tháng 6/2021, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng cũng nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế biến, sấy dẻo mít bản địa; nghiên cứu quy trình, công nghệ sản xuất phân bón vi sinh từ phụ phẩm quả mít. Toàn bộ công nghệ và quy trình sau khi hoàn thiện sẽ được chuyển giao cho người dân để áp dụng vào sản xuất (dự kiến tháng 7/2022). Qua đó, người dân vừa có đầu ra ổn định, vừa tận dụng được các phụ phẩm quả mít, góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ cây mít.

Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng cho biết: Việc triển khai thực hiện ứng dụng kỹ thuật phục tráng và phát triển giống mít bản địa góp phần bảo vệ được nguồn gen quý, từ đó nhân giống tạo ra cây giống có chất lượng tốt để mở rộng diện tích trồng. Đồng thời, thâm canh, áp dụng kỹ thuật cải thiện giống mít đặc sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng thu nhập cho người dân.

Thời gian tới, phòng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích áp dụng kỹ thuật vào thâm canh chăm sóc; khuyến cáo người dân lựa chọn giống chất lượng tốt, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Cùng đó, hỗ trợ người dân tìm kiếm, liên kết tiêu thụ, phát triển chế biến các sản phẩm từ mít; tích cực phát triển thương hiệu những sản phẩm hoa quả đặc sản của huyện trong đó có quả mít bản địa…

Việc chú trọng phục tráng, nhân giống và thâm canh, chăm sóc đã giúp lưu giữ, phát triển nguồn quỹ gen phục vụ mở rộng diện tích, qua đó góp phần tăng năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây mít đặc sản huyện Hữu Lũng.

LIỄU CHANG