Thứ năm,  18/07/2024

Tràng Định: Chú trọng xây dựng mô hình sản xuất lúa bao thai theo quy trình VietGAP

– Trong hơn 2 năm qua, huyện Tràng Định đã khuyến khích và hỗ trợ bà con trên địa bàn xây dựng mô hình sản xuất lúa bao thai theo quy trình VietGAP. Qua đó, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra những sản phẩm an toàn đưa đến tay người tiêu dùng.

Bao thai là giống lúa bản địa được người dân huyện Tràng Định gieo trồng nhiều vào vụ mùa hằng năm. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, vụ mùa hằng năm, toàn huyện gieo cấy hơn 2.000 ha lúa, trong đó, trên 80% là giống lúa bao thai. Do đây là giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, chất lượng gạo thơm, ngon nên bà con gieo cấy nhiều. Tuy nhiên, thời gian qua, bà con chỉ chăm sóc theo kiểu truyền thống, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cũng như giá trị của sản phẩm đem lại chưa cao.

Người dân thôn Nà Cà, xã Hùng Sơn ghi chép nhật ký chăm sóc lúa bao thai theo quy trình VietGAP

Nhằm giúp bà con nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năm 2020, huyện Tràng Định đã triển khai mô hình sản xuất lúa bao thai theo quy trình VietGAP với diện tích 72 ha vào vụ mùa tại các xã: Tri Phương, Đề Thám và Chi Lăng. Qua tổng kết mô hình cho thấy, năng suất lúa đạt 43 tạ/ha, tăng từ 4,3 tạ đến 6,4 tạ/ha, cao hơn khoảng 10% so với canh tác lúa bao thai theo phương pháp truyền thống. Do vậy, từ kết quả của mô hình năm 2020, vụ mùa năm 2021, huyện Tràng Định tiếp tục triển khai mô hình với 69,83 ha tại các xã: Hùng Sơn và Quốc Khánh, với gần 600 hộ tham gia.

Vụ mùa năm 2021, ông Ma Văn Nin, thôn Nà Cà, xã Hùng Sơn  sản xuất 7 sào lúa bao thai theo quy trình VietGAP. Ông được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ hơn 80 kg phân bón hữu cơ vi sinh, được tham gia lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo quy trình VietGAP. Ông Nin cho biết: Tôi đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ chuyên môn hướng dẫn và có nhật ký ghi chép rõ ràng. Do vậy, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Sau khi thu hoạch, mỗi sào, tôi thu về 2,5 tạ thóc, sản lượng đạt hơn 1,7 tấn thóc. Tôi thấy năng suất lúa đạt cao hơn 10% so với sản xuất lúa theo kiểu truyền thống. Giá bán thóc cũng cao hơn, đạt 9.000 đồng/kg, nhờ đó, đã đem lại thu nhập hơn 15 triệu đồng cho gia đình. Với kết quả đó, trong những vụ mùa tới, dù không có sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi vẫn sẽ tiếp tục duy trì trồng lúa bao thai theo quy trình VietGAP.

Không chỉ ông Nin, vụ mùa năm 2021, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Hùng Sơn đã tham gia mô hình và đem lại hiệu quả cao. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Nhã, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn cho biết: Bao thai là giống lúa bản địa có chất lượng thơm ngon, ngọt dẻo, vị đậm, rất được người dân trong và ngoài xã ưa chuộng. Trong năm 2021, xã đã triển khai sản xuất lúa bao thai theo quy trình VietGAP được trên 34ha, với 409 hộ tham gia. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, năng suất lúa sản xuất theo quy trình        VietGAp đạt cao hơn so với năng suất lúa sản xuất theo kiểu truyền thống. Trong vụ mùa năm 2022, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân duy trì và mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa bao thai theo quy trình VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Được biết, để triển khai mô hình đạt hiệu quả, trong năm 2020 và năm 2021, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với chính quyền xã tổ chức được 16 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cho trên 7.000 lượt người tham gia. Cùng đó, phòng hỗ trợ cho bà con trên 3.000 tấm biển chỉ dẫn; trên 140 tấn phân bón hữu cơ vi sinh.

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, qua 2 năm triển khai mô hình, đối với giống lúa bao thai có khả năng chống đổ tốt, chống sâu bệnh tốt, năng suất đạt cao. Riêng vụ mùa năm 2021, năng suất đạt 43 tạ thóc tươi/ha, sản lượng đạt hơn 2.900 tấn, tăng từ 290 đến 435 tấn, tương đương tăng từ 10 đến 15% so với lúa bao thai được bà con sản xuất theo phương pháp truyền thống. Không chỉ năng suất tăng, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng sản phẩm tốt, thóc bao thai được các thương lái thu mua với giá từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg, cao hơn từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg so với trước đây.

Bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tràng Định cho biết: Với năng suất, chất lượng như vậy, huyện có cơ sở để tiếp tục nhân rộng và hướng tới phát triển thành vùng sản xuất lúa bao thai theo quy trình VietGAP. Thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã tuyên truyền, định hướng cho bà con phát triển mô hình trồng lúa bao thai theo tiêu chuẩn VietGAP. Vụ mùa năm 2022, huyện sẽ triển khai nhân rộng thêm 70 ha lúa bao thai theo quy trình này tại các xã: Quốc Việt và Đại Đồng.

Có thể thấy sản xuất lúa theo quy trình VietGAP đã và đang góp phần giúp người dân trên địa bàn huyện Tràng Định thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ, từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con.

MAI LINH