Thứ sáu,  20/09/2024
Xây dựng nông thôn mới

Tránh đầu tư dàn trải

LSO-Thực tế thời gian qua cho thấy, nguồn vốn cho thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là rất hạn chế. Bởi vậy trong quá trình phân bổ, các cấp, ngành cần có sự chắt chiu, dồn lực vào các xã trọng điểm, tạo nên sức bật hình thành xã nông thôn mới. Còn nếu đầu tư dàn trải, phân bổ nguồn vốn mành mành thì rất khó có những công trình “ra tấm ra món”.
Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra mô hình phát triển sản xuất tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn

Ngày 26/11/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1841 về nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, sân tập thể thao của 35 xã trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh đến hết năm 2015. Theo rà soát của các ngành, thì để triển khai thực hiện trong 35 xã theo mức hỗ trợ mới, nhu cầu sẽ cần khoảng trên 17 tỷ đồng. Đối với tỉnh còn nhiều khó khăn như Lạng Sơn thì đây là con số lớn không thể giải quyết ngay một lúc. Chính bởi nguồn vốn chưa thể đủ đầy ngay, nên chủ trương chỉ đạo của tỉnh là các huyện cần phân bổ nguồn một cách có tập trung, đặc biệt chú ý tới các xã có khả năng về đích sớm.  Ngay từ đầu năm, nguồn vốn từ tỉnh đã được phân bổ cho các huyện, thế nhưng qua quá trình kiểm tra của Ban chỉ đạo tỉnh về xây dựng nông thôn mới, đến cuối tháng 7/2014, việc phân bổ nguồn vốn theo Quyết định 1841 cho các xã còn quá chậm, chưa tập trung, thậm chí có huyện chưa phân bổ. Ví dụ trường hợp của xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia. Đây là xã điểm của tỉnh, được xác định là có khả năng về đích trong năm 2014. Tuy nhiên 5 công trình nhà văn hóa thôn của xã cho tới đầu tháng 8 vẫn chưa được huyện phân bổ kinh phí theo Quyết định 1841, trong khi đó nguồn này đã được phân bổ cho huyện là trên 700 triệu đồng.

Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nghiêm túc phê bình các huyện để xảy ra tình trạng trên và yêu cầu khắc phục ngay. Năm 2014, tổng vốn trực tiếp cho Chương trình xây dựng nông thôn mới là 153 tỷ đồng, trong đó có 128 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ và 25 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Số vốn này đã phân bổ đầu tư cho 238 danh mục công trình. Tuy nhiên qua rà soát, đánh giá, chỉ có 60 danh mục công trình do Văn phòng Điều phối tham mưu phân bổ trực tiếp cho 35 xã điểm giai đoạn 2011-2015 là tương đối tập trung. Còn lại 178 danh mục dự án với tổng vốn 90,5 tỷ đồng do UBND các huyện trực tiếp phê duyệt còn dàn trải. Báo cáo của Văn phòng Điều phối cho thấy nhiều huyện chưa chú trọng đầu tư cho các tiêu chí nông thôn mới theo kế hoạch năm 2014; còn lúng túng trong việc chọn các danh mục để phân bổ vốn đầu tư; thời gian phân bổ chậm… Chẳng hạn như huyện Bình Gia, phân bổ hơn 16 tỷ đồng cho 28 danh mục dự án, thì trong đó có tới 17 danh mục xây dựng bếp ăn trường mầm non và 1 danh mục san ủi mặt bằng; huyện Lộc Bình có 8 danh mục phân bổ cho giáo dục thì có tới 3 danh mục san ủi mặt bằng… Hay như các huyện Tràng Định, Hữu Lũng, Cao Lộc, Văn Lãng, khi phân bổ nguồn vốn lại không giao cho Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã làm chủ đầu tư mà để lại cho huyện làm chủ đầu tư. Việc làm này là chưa đúng theo quy định. Chính vì những yếu kém, hạn chế trên mà tính đến tháng 7/2014, vốn trái phiếu Chính phủ mới chỉ giải ngân được hơn 4,4 tỷ đồng, bằng 3,7% so với kế hoạch và vốn ngân sách tỉnh cũng chỉ giải ngân được 407 triệu đồng, bằng 3,8% kế hoạch.

Trong thời gian qua, Ban chỉ đạo tỉnh đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình tại nhiều xã, huyện trên địa bàn. Ngoài việc đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí cụ thể, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có những chỉ đạo, chấn chỉnh cụ thể đối với việc phân bổ nguồn vốn tại các huyện. Đối với tỉnh nghèo, nguồn vốn hạn hẹp như Lạng Sơn thì việc phân bổ chậm, dàn trải là rất lãng phí và không thể tạo động lực để đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

VŨ NHƯ PHONG