Thứ sáu,  20/09/2024
Thành phố Lạng Sơn:

Chung tay xây dựng nông thôn mới

LSO-Trong giai đoạn 2011-2015, nguồn lực huy động để triển khai chương trình nông thôn mới trên địa bàn thành phố đạt gần 200 tỷ đồng, trong đó nguồn lực từ nhân dân đóng góp đạt gần 30 tỷ đồng. Từ sự chung tay góp sức của người dân, sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp, đến tháng 10/2016, 3 xã ngoại thành thành phố Lạng Sơn đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cứng hóa đường giao thông nông thôn tại xã Hoàng Đồng

Ông Đặng Văn Tiến, trú tại thôn Nà Lượt, xã Hoàng Đồng cho biết: Từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đoạn đường trục thôn với chiều dài 300 m trước đây vốn là đường đất khó đi, nay đã được bê tông hóa sạch sẽ đi lại thuận tiện. Để có kinh phí làm đường, các hộ dân trong thôn đã thống nhất mỗi hộ góp 800 nghìn đồng mua vật liệu và góp ngày công cộng với nguồn xi măng thành phố hỗ trợ để cứng hóa từng tuyến đường.

Không chỉ thôn Nà Lượt, hàng trăm tuyến đường trục xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm trên địa bàn các xã Hoàng Đồng, Quảng Lạc, Mai Pha đến nay đã cơ bản được đầu tư chuẩn hóa theo phương thức nhà nước hỗ trợ nhân dân góp nguồn lực tự làm.

Ông Hoàng Văn Hiệp, Trưởng thôn Quảng Hồng 2, xã Quảng Lạc cho biết: Khi thôn triển khai chương trình liên quan đến xây dựng nông thôn mới, tất cả các hộ dân của thôn đều đồng thuận ủng hộ, nhưng việc đóng góp nguồn lực thì không được cào bằng. Ông Hiệp ví dụ: khi thôn xin được xi măng để làm đường bê tông tại một xóm nào đó, thì những người dân hằng ngày đi trên con đường đó phải có nghĩa vụ, trách nhiệm chính trong việc đóng góp tiền, nguồn lực để làm đường. Còn những người khác trong thôn có nghĩa vụ góp ngày công hoặc hỗ trợ tiền mặt, vật liệu tùy theo thiện tâm của từng hộ gia đình. Nguyên tắc triển khai này được thực hiện luân phiên tại các xóm trong thôn và trở thành hương ước tại khu dân cư.

Chính từ sự tham gia tích cực của người dân, từ năm 2011 đến tháng 9/2016, 3 xã trên địa bàn thành phố đã làm được trên 30 km đường giao thông nông thôn, giá trị khối lượng thực hiện tương đương 30 tỷ đồng. Trong đó nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng, từ đó đã giúp 3 xã ngoại thành đạt chuẩn tiêu chí về đường giao thông nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới ở thành phố Lạng Sơn không chỉ đơn thuần là đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu mà gắn với đó là phát triển các mô hình sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập ổn định nâng cao đời sống cho người dân. Theo đó, thành phố tập trung triển khai các chương trình phát triển kinh tế, thực hiện tư vấn hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các mô hình sản xuất bền vững.

Giai đoạn 2011-2015 và 9 tháng đầu năm 2016, thành phố đã hỗ trợ thành lập được 9 hợp tác xã nông nghiệp; 15 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện được 32 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong trồng trọt và chăn nuôi, 210 hộ được hỗ trợ kinh phí phát triển kinh tế, tổng kinh phí hỗ trợ đạt trên 7 tỷ đồng.

Nhờ đó thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ngoại thành đạt trên 20 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,75%, hộ cận nghèo còn 0,9%. Hàng loạt mô hình kinh tế đang phát huy hiệu quả như: mô hình trồng nho, gà mía tại thôn Nà Chuông, xã Mai Pha; mô hình trồng cây hạt dẻ tại xã Quảng Lạc…

Những định hướng phát triển mô hình sản xuất cụ thể tại các xã xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Ông Phạm Đình Duy, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: phát triển sản xuất, khai thác, phát huy tối đa thế mạnh của từng địa bàn tạo ra các sản phẩm xã hội cần, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống của người dân khu vực ngoại thành là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới của thành phố trong thời gian qua.

Đầu tháng 10/2016, Hội đồng thẩm định, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh đã nhất trí xã Quảng Lạc đạt chuẩn nông thôn mới với 100% số phiếu đồng ý. Như vậy, đến thời điểm này 3 xã ngoại thành của thành phố đều đã đạt chuẩn xã nông thôn mới. 

CÔNG QUÂN