Thứ sáu,  20/09/2024

Chuyện người nối những bờ vui

LSO- Bỏ ra hàng chục cây vàng để xây cây cầu bê tông cốt thép 3 nhịp, dài 120m vượt sông Kỳ Cùng, biến con đường cụt thành đường huyết mạch nối liền 2 huyện Văn Lãng- Văn Quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm lượt học sinh, giáo viên, công chức nhà nước, nông dân qua lại mỗi ngày để mở mang kiến thức, giao thương, trao đổi hàng hóa. Đó chính là ông Chu Văn Thi, người thôn Lương Thác, xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng.  

LSO- Bỏ ra hàng chục cây vàng để xây cây cầu bê tông cốt thép 3 nhịp, dài 120m vượt sông Kỳ Cùng, biến con đường cụt thành đường huyết mạch nối liền 2 huyện Văn Lãng- Văn Quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm lượt học sinh, giáo viên, công chức nhà nước, nông dân qua lại mỗi ngày để mở mang kiến thức, giao thương, trao đổi hàng hóa. Đó chính là ông Chu Văn Thi, người thôn Lương Thác, xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng.

Từ nghề cha truyền con nối

Sinh năm 1962, khi còn lẫm chẫm bước đi, ông Thi đã thấy ông nội mình, rồi đến cha mình làm nghề chở đò, đưa người qua sông. Năm 1979, khi vừa tròn 17 tuổi, ông đã theo nghề cha truyền, lựa chiều chìm nổi của dòng nước tiếp tục đưa người qua sông. Theo ông Thi, khi mùa cạn, dòng sông Kỳ Cùng rất hiền hòa, trong xanh, mực nước cũng vừa phải, gặp chỗ cạn chỉ cần vài thanh tre bắc qua là vượt được sông. Tuy nhiên, cũng như bao con sông khác ở miền Bắc, sông Kỳ Cùng cũng có độ dốc cao nên chỉ cần vài cơn mưa nặng hạt, nước dâng lên rất nhanh và chảy xiết. Vì vậy, làm nghề chèo đò không chỉ dựa vào sức mạnh của đôi tay rắn chắc mà cần phải có đầu óc nhanh nhạy, biết lựa theo con nước và đặc biệt là phải giỏi phán đoán và xử lý tình huống. Ông Thi tâm sự rất thật: Trong suốt quãng đời gần 30 năm làm nghề đưa đò, chở khách qua sông, cũng không ít lần ông cũng phải đứng tim khi dòng nước xiết đẩy con thuyền tròng trành, nước tràn cả vào khoang, nhưng cuối cùng, sự can đảm, khéo léo và kinh nghiệm cha truyền con nối đã giúp ông đưa khách sang sông an toàn, chưa một lần sơ xảy.

Chiếc cầu do ông Thi xây

Mơ một cây cầu

Tại khúc sông nơi ông Thi chèo đò, hầu như năm nào cũng xảy ra một vài vụ đuối nước rất thương tâm. Riêng ông đã cứu được hàng chục người đuối nước, được họ nhận làm cha nuôi như trường hợp chị Hoàng Thị Tươi ở thôn Pá Đa. Vì vậy, theo nhìn nhận của ông, để thực sự an toàn cho hành khách qua lại, cần phải có một cây cầu, một cây cầu thực sự bằng bê tông cốt thép, chống chọi được khi những cơn lũ đổ về. Tuy nhiên để xây một chiếc cầu hoàn hảo thì chi phí phải lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Với suy nghĩ: “trong khi đợi chờ kinh phí của Nhà nước, mình cứ mạnh dạn đầu tư xây một chiếc cầu, nhỏ thôi, nhưng đủ để người và phương tiện qua lại, và nhất là phải đủ vững vàng để chống chọi lại tính đỏng đảnh của thời tiết, sự hung dữ của dòng sông khi mùa lũ đến”. Biết bao đêm ông đã nằm trăn trở, và sau đó, ông đem nỗi niềm ra chia sẻ với gia đình, làng xóm, chính quyền. Được mọi người ủng hộ, nhất là từ phía gia đình, ông đã bỏ hàng tháng trời đi khắp nơi để tìm hiểu. Chỉ cần nghe nói đến nơi nào có người dân tự bỏ tiền ra xây cầu, dù là vượt sông hay vượt suối là ông khăn gói quả mướp đến để tham quan học hỏi. Ông đã đi từ Văn Quan, đến Tràng Định rồi lại xuôi Đồng Mỏ- Chi Lăng. Sau những tháng ngày lặn lội, ông đã hiểu thế nào là bê tông cốt thép, thế nào là mác vữa chuẩn, thế nào đá dăm, đá hộc, cát xây. Vừa đi học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm, ông vừa chỉ đạo vợ con, gia đình, người thân ở nhà chuẩn bị sẵn đá hộc, cát, sỏi… Sau khi đã gom đủ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, ông đã đánh liều rút hết vốn liếng suốt cả đời ki cóp kèm theo 2 con trâu đực để mua về hàng chục tấn xi măng, sắt thép. Cuối năm 2008, khi con nước đã cạn, dòng sông trở nên hiền hòa, được sự giúp sức của một số người thợ làng có kinh nghiệm trong xây dựng, ông đã tự tay đo, vẽ, tính toán để rồi sau đó bắt tay vào xây cây cầu ước mơ.

Nối những bờ vui

Anh Lô Văn Tú, thôn Còn Tâử, người đã tham gia từ ngày cây cầu khởi công đến khi hoàn thành nói như tâm sự: Cây cầu này được xây bằng sự tâm huyết bởi nếu tính ngày công thì không biết tính bao nhiêu cho vừa. Bởi vì hơn chục con người suốt gần nửa năm trời ròng rã, cả ngày lẫn đêm đều hỳ hục dưới lòng sông. Từ những công việc như: trộn vữa, xây trát đến khai thác, vận chuyển cát, đá hộc, uốn bẻ sắt đổ trụ…đều là do anh em, làng xóm ông Thi giúp đỡ. Vậy mà tính ra, tổng chi phí cho cây cầu từ khi khởi công đến khi hoàn thành đã lên đến trên 300 triệu đồng. Nếu thời điểm này mới xây dựng, phải cầm chắc tiền tỉ trong tay mới dám làm. Ông Lô Vĩnh Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Chiếc cầu này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội không chỉ riêng đối với xã Nhạc Kỳ mà còn đối với cả khu vực. Bởi đây là tuyến giao thông đặc biệt quan trọng nối liền cụm xã Hồng Thái- Hoàng Văn Thụ- Nhạc Kỳ (Văn Lãng) với thị tứ Điềm He (Văn Quan). Ngoài ra, hàng ngày, có rất nhiều học sinh ở các xã nói trên đều vượt sông để sang đó học THPT. Có thể nói, tỉ lệ học sinh trong xã tốt nghiệp THPT cao hơn cũng nhờ có cây cầu thuận lợi cho học sinh đến trường. Ông Nông Trần Huyên, Chủ tịch UBND xã Nhạc Kỳ cho biết: Trước đây, con đường vào xã Nhạc Kỳ là con đường cụt, tuy nhiên, từ ngày có chiếc cầu, con đường cụt đã trở thành đường liên huyện và hiện nay, con đường đã được phê duyệt, nằm trong quy hoạch giao thông của tỉnh giai đoạn 2010- 2020. Cuối năm 2012, ông Thi đã được đi Hà Nội dự lễ tuyên dương và được đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào làm đường giao thông nông thôn.

Lời kết

Chúng tôi xin được lấy những trăn trở của ông Thi để thay cho lời kết: “Do bờ sông quá dốc, phương tiện qua lại tương đối nguy hiểm, chúng tôi đã cố gắng đầu tư hạ độ cao để tạo thuận lợi cho hành khách. Tuy nhiên, chỉ được phía bờ bên này (thuộc thôn Lương Thác), còn phía bên kia (thuộc xã Văn An, huyện Văn Quan) thì không được do bị một số gia đình bên đó tìm mọi cách để ngăn trở, mặc dù chúng tôi đã có thiện ý đền bù giải phóng mặt bằng, trả họ tiền theo giá thị trường, rất mong các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện để chúng tôi hạ được độ cao phía bờ sông bên kia nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho người qua lại”.

Bài, ảnh: HOÀNG HUY