Thứ hai,  08/07/2024
Thờ ơ với bảo hiểm cháy nổ:

Rủi ro hỏa hoạn cao

LSO-Mặc dù đã quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nhưng thực tế, tại Lạng Sơn vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân thờ ơ không tham gia.


Lực lượng cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Lạng Sơn cứu hỏa tại cơ sở kinh doanh
vật liệu xây dựng Loan Phượng (thị trấn Đồng Đăng, Cao Lộc) ngày 14/11/2018

Mất trắng khi gặp sự cố cháy, nổ

Theo Luật Phòng cháy và Chữa cháy (PCCC), Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 130/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì mua bảo hiểm cháy nổ là quy định bắt buộc.

Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định từ ngày 15/4/2018, các cơ sở như: chợ; chung cư, khách sạn, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên; trường đại học; bệnh viện; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; trụ sở cơ quan hành chính nhà nước… đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Quy định là như vậy nhưng thực tế tại Lạng Sơn có 838 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ nhưng chỉ có 553 cơ sở mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (chiếm 66%), còn 285 cơ sở nguy hiểm về cháy nổ chưa tham gia bảo hiểm (chiếm 34%).

Những năm qua, trong tỉnh đã có một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chịu nhiều thiệt thòi khi hỏa hoạn xảy ra do không mua bảo hiểm cháy, nổ.

Trường hợp vụ cháy chợ Hữu Nghị tại Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (7 giờ 27 phút ngày 10/7/2017) của Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long là một ví dụ. Vụ cháy làm hư hại tài sản của 71 hộ kinh doanh với tổng trị giá thiệt hại gần 29 tỷ đồng. Mặc dù trước đó, công ty đã mua bảo hiểm cháy, nổ, song hết hạn đã không tham gia tiếp nên khi cháy xảy ra, toàn bộ tài sản của công ty và hộ kinh doanh bị mất trắng.

Thiếu tá Nguyễn Thành Đạt, Phó Đội trưởng Đội Hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Ngoài các trường hợp bắt buộc còn nhiều trường hợp thuộc diện khuyến khích mua bảo hiểm cũng không tham gia bảo hiểm nên sau khi cháy không được bảo hiểm đền bù.

Đơn cử sáng ngày 14/11/2018, cháy lớn xảy ra tại cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng Loan Phượng, số 211 đường Nguyễn Đình Lộc, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc làm thiệt hại vài tỷ đồng. Do không tham gia bảo hiểm nên cơ sở này mất trắng toàn bộ tài sản thiệt hại.


Lực lượng cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Lạng Sơn cứu hỏa tại
cơ sở in Thiên Ngân (thành phố Lạng Sơn) ngày 7/11/2018

Cần nâng cao ý thức

Qua tìm hiểu một số cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa tham gia bảo hiểm cháy, nổ cho thấy, nguyên nhân không mua bảo hiểm là do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân còn xem nhẹ công tác PCCC, coi đây là chuyện may rủi. Một số trường hợp thuộc đối tượng bắt buộc mua bảo hiểm nhưng vẫn cố tình không tham gia.

Với người dân, họ còn mơ hồ về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Chị Trần Thị Huyền, sinh sống tại nhà ở xã hội, khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Hơn 2 năm nay kể từ khi vào ở tại tòa nhà này, chúng tôi chưa được nhắc nhở đến việc phải mua bảo hiểm cháy nổ. Do vậy mà không biết để mua”.

Thực tế việc mua bảo hiểm cháy, nổ tương đối dễ và mức phí cũng không quá cao, phụ thuộc vào tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản hoặc căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở.

Không chỉ dừng ở quy định mà thực tế việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ đã đem lại nhiều lợi ích cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Khi xảy ra rủi ro, đơn vị bảo hiểm sẽ là cứu cánh, hỗ trợ về mặt tài chính để chi trả các khoản tiền bồi thường cần thiết cho việc thay thế, sửa chữa, khôi phục tài sản bị thiệt hại.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp tham gia bảo hiểm cháy, nổ được đền bù thỏa đáng như Công ty TNHH Cường Hiền (Cao Lộc), Công ty TNHH Nông Hoàng Thiên (Hữu Lũng) được bảo hiểm bồi thường 2,3 tỷ đồng sau khi gặp hỏa hoạn…

Cháy, nổ nguy hiểm đến tính mạng và gây thiệt hại lớn về tài sản. Do đó việc mua bảo hiểm cháy, nổ là rất cần thiết.

Thiếu tá Nguyễn Thành Đạt cho biết thêm: Để quy định về bảo hiểm cháy nổ được thực hiện hiệu quả, thời gian tới, lực lượng cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ sẽ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các đơn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm cháy, nổ. Đồng thời tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp không mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Bên cạnh biện pháp trên, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền quy định tham gia bảo hiểm cháy, nổ đến người dân, doanh nghiệp. Các tổ chức, cá nhân cần nâng cao nhận thức về việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động tiếp cận khách hàng, cải tiến sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham gia bảo hiểm cháy, nổ của tổ chức, cá nhân.

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định: Trường hợp cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua thì  bị phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với cá nhân và từ 60 đến 100 triệu đồng đối với tổ chức. Ngược lại, nếu doanh nghiệp bảo hiểm không bán bảo hiểm cho cá nhân, tổ chức đủ điều kiện cũng bị phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng.

 

MINH ĐỨC