Thứ sáu,  20/09/2024

“Mục tiêu Không” về an toàn giao thông đường bộ

Tuyên bố Xtốc-khôm nhận định, tai nạn trong giao thông đường bộ là vấn đề cấp bách của thế giới. Hằng năm, số người chết do tai nạn giao thông toàn cầu lên đến 1,35 triệu người, cùng khoảng 50 triệu người bị thương. Hậu quả của tai nạn giao thông không dừng lại trong mỗi gia đình nạn nhân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chung của toàn xã hội.

“Mục tiêu Không” về an toàn giao thông đường bộ

Các đại biểu tham dự hội nghị tại Xtốc-khôm, Thụy Điển.

 

Hội nghị cấp bộ trưởng toàn cầu về An toàn giao thông đường bộ lần thứ ba (Hội nghị) vừa diễn ra tại Xtốc-khôm, Thụy Điển, sự góp mặt của hơn 1.700 đại biểu là các bộ trưởng, quan chức cấp cao, đại diện các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nghiên cứu, chuyên gia đến từ hơn 140 quốc gia. Hội nghị do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp Chính phủ Thụy Điển tổ chức. Sau hai hội nghị trước tại Mát-xcơ-va, Nga (2009) và Bra-xi-li-a, Bra-xin (2015), Hội nghị là cơ hội nhìn lại chương trình “Thập niên hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011-2020” của WHO.

Mục tiêu an toàn giao thông đường bộ được Đại hội đồng Liên hợp quốc ghi trong Nghị quyết tháng 9-2015, thuộc Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030, gồm mục tiêu bảo đảm sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc; và bảo đảm hệ thống giao thông đường bộ an toàn. WHO phối hợp với các ủy ban khu vực và cơ quan của Liên hợp quốc về an toàn đường bộ nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng quốc tế và kết nối các nguồn lực của từng địa phương trong việc thực hiện mục tiêu giảm một nửa số người chết, bị thương do tai nạn giao thông, trong giai đoạn 2011 – 2020.

Theo Báo cáo toàn cầu về an toàn giao thông đường bộ của WHO, mục tiêu nêu trên đã thất bại. Các chuyên gia đánh giá, nguyên nhân là do tốc độ phát triển số lượng phương tiện cá nhân quá nhanh so với mức độ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển khung pháp lý và tuyên truyền về an toàn giao thông. Tuy nhiên, tỷ lệ tai nạn giao thông trên tổng dân số toàn cầu không tăng là một tín hiệu khả quan với cộng đồng quốc tế.

Tuyên bố Xtốc-khôm của Hội nghị chỉ ra, tai nạn giao thông là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến cái chết của trẻ em và thanh niên trong độ tuổi 5 đến 29, chủ yếu là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Được dự báo 500 triệu người chết và bị thương trên thế giới trong giai đoạn 2020 – 2030, tai nạn giao thông đường bộ có nguy cơ trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu. Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc WHO A.Ghê-brây-ê-xút đánh giá, chúng ta đang trả giá quá đắt; phần lớn số vụ tai nạn có thể tránh được nếu thế giới chung tay, nghiêm túc và kiên quyết thực hiện các giải pháp an toàn. Nếu không được giải quyết triệt để, về dài hạn, tai nạn giao thông sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, tạo ra sự mất cân bằng trong phát triển giữa các nước, khu vực và các mức thu nhập, đồng thời sẽ là chướng ngại vật lớn nhất đối với tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Trên cơ sở đó, Tuyên bố Xtốc-khôm hối thúc các chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp cùng chung tay hành động để mỗi phương tiện giao thông được sản xuất và bán ra thị trường vào năm 2030 có thể bảo đảm tiêu chuẩn an toàn cao nhất. Hội nghị cũng đề ra mục tiêu giảm một nửa số người chết do tai nạn giao thông trong giai đoạn 2020 – 2030 và hướng tới “Mục tiêu Không” (Vision Zero) – không ai chết do tai nạn giao thông vào năm 2050.

Nhà vua Thụy Điển trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị cho rằng, an toàn giao thông đường bộ, như các phương tiện khi tham gia giao thông, là thách thức xuyên biên giới; mọi tầng lớp trong xã hội, mọi quốc gia vì vậy cần ý thức được tầm quan trọng của an toàn đường bộ. “Mục tiêu Không” của Tuyên bố Xtốc-khôm có thể được hiện thực hóa trước năm 2050 với sự chung tay nghiêm túc của toàn thế giới.

Theo Nhandan