Thứ sáu,  20/09/2024

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Mỹ

Theo tin nước ngoài và TTXVN, các số liệu cập nhật tính đến ngày 7-4 cho thấy, toàn thế giới đã có hơn 1,32 triệu người mắc dịch Covid-19, trong đó hơn 74.000 người chết.

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Mỹ

Một con phố ở Niu Oóc (Mỹ), trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành. 

Cùng ngày, tại Mỹ, nước này xác nhận có hơn 1.150 người chết trong vòng một ngày do dịch Covid-19, nâng tổng số người chết tại Mỹ lên tới 10.819. Đến nay, tại Mỹ đã có hơn 366.000 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 30.000 ca mắc mới được ghi nhận trong một ngày. Mỹ hiện là nước có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất trên thế giới. Số người chết tăng với tốc độ rất nhanh trong vài ngày qua với ít nhất 1.000 ca mỗi ngày và dần tiến tới con số người chết tại I-ta-li-a là 16.523 ca và Tây Ban Nha là 13.055 ca.

* Ngày 6-4, Tổng thống Đ.Trăm thông báo, chính phủ Mỹ đã đạt thỏa thuận với Công ty 3M có trụ sở tại bang Min-nê-xô-ta về việc cung cấp hàng triệu khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, mỗi tháng Công ty 3M sẽ cung cấp thêm 55,5 triệu khẩu trang chất lượng cao. Như vậy, trong mấy tháng tới, Mỹ sẽ có 166,5 triệu khẩu trang cung cấp cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.

* Giới chức Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) cho biết, tính đến nay, trong số 915 ca nhiễm Covid-19 ở đặc khu này có 150 ca không có triệu chứng bệnh, chiếm 16%. Các chuyên gia y tế cho rằng, mặc dù không có triệu chứng mắc Covid-19, song lượng vi-rút ở những người này vẫn rất cao, rủi ro lây lan trong cộng đồng rất mạnh. Vì vậy những người đã hoàn thành cách ly tại nhà 14 ngày vẫn cần tự theo dõi sức khỏe thêm từ 7 đến 14 ngày.

* Cơ quan Hàng không dân dụng Thái-lan (CAAT) đã quyết định gia hạn lệnh cấm các chuyến bay chở khách đến nước này kể từ ngày 7-4 đến ngày 18-4 tới. Trước đó, CAAT đã cấm tất cả các chuyến bay tới Thái-lan từ ngày 4 đến 6-4 nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Ngày 7-4, Bộ Y tế Thái-lan công bố thêm 38 ca mới nhiễm Covid-19 và một người chết, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 2.258 và tổng số người chết lên 27.

* Ngày 7-4, Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp ở bảy tỉnh, thành phố tại Nhật Bản, gồm thủ đô Tô-ki-ô cùng với các tỉnh Ca-na-ga-oa, Xai-ta-ma, Chi-ba, Ô-xa-ca, Hi-ô-gô và Phư-cư-ô-ca. Đây là lần đầu tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh được ban bố ở Nhật Bản. Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng A-bê nêu rõ, dịch Covid-19 đã “lây lan nhanh hơn và khắp trên cả nước, và có nguy cơ tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế”. Theo kế hoạch, tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực đến ngày 6-5 tới.

* Đến nay, tại Nhật Bản có 104 người chết do dịch Covid-19, trong đó có 11 người trên du thuyền Diamond Princess và 93 người trong nội địa Nhật Bản; và 4.563 ca mắc, trong đó có 712 người trên du thuyền Diamond Princess và 3.851 người trong nội địa.

* Tại Đức, số người chết do Covid-19 tiếp tục tăng trong ngày 7-4. Theo đó, trong vòng một ngày, nước này ghi nhận thêm 3.864 ca nhiễm mới và 173 người chết. Tổng số người nhiễm ở Đức hiện là 99.225 và 1.607 người chết. Số ca nhiễm mới tại Đức đã tăng trở lại sau bốn ngày giảm liên tiếp.

* Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế O.Vê-ran nhận định, hiện dịch Covid-19 vẫn chưa lên đến đỉnh điểm ở nước này. Theo ông, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, do đó, lệnh phong tỏa hiện nay sẽ kéo dài. Ngày 7-4, Bộ Y tế Pháp cho biết, đến nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Pháp lên tới hơn 98.000 người, trong đó có hơn 8.900 người chết.

* Liên quan tình hình sức khỏe của Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn, giới chức Anh ngày 7-4 cho biết, nhà lãnh đạo nước này vẫn đang được chăm sóc đặc biệt, hỗ trợ thở bằng bình ô-xy, mà không cần sử dụng máy trợ thở. Thủ tướng Giôn-xơn phải nhập viện tối 5-4 để điều trị tích cực do tiếp tục xuất hiện các triệu chứng của bệnh Covid-19, khoảng mười ngày sau khi ông tự cách ly vì bị nhiễm dịch.

* Chính phủ Anh ngày 6-4 thừa nhận không có mẫu nào trong hơn 17 triệu 500 nghìn bộ kit xét nghiệm bệnh Covid-19 mà nước này đặt hàng đạt độ chính xác cần thiết để áp dụng đại trà. Trong đó, có nhiều mẫu xét nghiệm cho ra kết quả âm tính giả – tức là không phát hiện được kháng thể trong mẫu máu của những bệnh nhân chắc chắn đã nhiễm vi-rút.

* Ngày 7-4, Chính phủ Xin-ga-po đề xuất một dự luật nhằm bảo đảm ngày tổng tuyển cử diễn ra an toàn nếu được tổ chức trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn hoành hành. Hiện giới chức Xin-ga-po đã ban bố lệnh phong tỏa một phần, có hiệu lực từ ngày 7-4, nhằm ngăn chặn số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng nhanh chóng. Cùng ngày, Xin-ga-po ghi nhận thêm 66 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 1.375 ca, trong đó có sáu người chết.

* Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, chiều 7-4, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng tiến hành trao tượng trưng số hàng hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi tặng Chính phủ và nhân dân các nước Pháp, Đức, I-ta-li-a, Tây Ban Nha và Anh. Số hàng trao tặng bao gồm 550 nghìn khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn, do Việt Nam sản xuất. Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ, trao đổi kinh nghiệm, chung tay cùng các nước và cộng đồng quốc tế triển khai các biện pháp cần thiết trong khuôn khổ song phương và đa phương, với quyết tâm sớm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh.

* Ngày 7-4, GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế đã có buổi họp trực tuyến với GS B. Sy-ha-vong, Bộ trưởng Y tế Lào. Tại buổi họp, hai bên cùng thảo luận và thống nhất các nội dung hợp tác trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Hai bên nhất trí thiết lập hệ thống kết nối giữa Việt Nam và Lào để hỗ trợ kỹ thuật trong phòng ngừa, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị người bệnh mắc Covid-19; đề nghị Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) của Việt Nam hỗ trợ hệ thống kết nối đường truyền cho phía Lào, nhất là kết nối giữa các bệnh viện của hai nước để tư vấn, trao đổi phương pháp điều trị. Về các trang thiết bị, ngoài gói viện trợ đã trao trước đây, Bộ Y tế Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế Lào một số trang thiết bị y tế như: dụng cụ chẩn đoán bệnh, khẩu trang y tế, trang phục phòng, chống dịch bệnh…

Theo GS Nguyễn Thanh Long, mặc dù tình hình đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đang diễn biến phức tạp, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn nhưng với truyền thống luôn kề vai, sát cánh cùng với nhân dân Lào trong mọi hoàn cảnh, Bộ Y tế Việt Nam đã, đang và sẽ cố gắng để giúp đỡ, hỗ trợ Bộ Y tế Lào, cùng nhau đẩy lùi dịch. Bộ trưởng Y tế Lào gửi lời cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ và giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, cho đây là sự cổ vũ, động viên tinh thần hết sức lớn trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

* Đại sứ quán In-đô-nê-xi-a tại Việt Nam chiều 7-4 cho biết, In-đô-nê-xi-a đã nhận được 500 bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và gửi tặng. Đại sứ In-đô-nê-xi-a tại Việt Nam Íp-nu Ha-đi nhấn mạnh, các dụng cụ xét nghiệm của Việt Nam góp phần hỗ trợ Chính phủ In-đô-nê-xi-a sớm phát hiện, kiểm soát đại dịch.

* Sáng 7-4, tại Cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh, diễn ra lễ bàn giao trang thiết bị y tế trị giá hơn 3 tỷ đồng của Bộ Quốc phòng Việt Nam giúp Bộ Quốc phòng Lào chống dịch Covid-19. Tại buổi lễ, đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam đã bàn giao cho Bộ Quốc phòng Lào số dụng cụ và thiết bị y tế, gồm 100.000 khẩu trang vải, 30.000 khẩu trang y tế, 2.000 bộ quần áo phòng hộ, 5.000 chai dung dịch sát khuẩn khô, 10 bình phun tay Semco, 5 máy phun động cơ, 500 kg Clorin cùng nhiều tài liệu thông tin về dịch bệnh và Bộ quy trình phòng chống dịch Covid-19.

* Ngày 7-4, tại Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát (Tây Ninh), Bộ Tư lệnh Quân khu 7 trao trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 tặng các Quân khu 1, 2, 3, 4 và Sư đoàn 2 thuộc Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia, gồm 50 nghìn khẩu trang sát khuẩn, 1.000 lít dung dịch sát khuẩn tay, 1.000 bộ đồ bảo hộ y tế, 200 kg cloramin.

Dịp này, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cũng trao 30 nghìn khẩu trang y tế và 500 triệu đồng tặng cộng đồng Việt kiều sinh sống tại Cam-pu-chia.

* Trang tin liberationnews.org của Mỹ nhận định, Việt Nam đã “có màn thể hiện ngoạn mục”, nổi lên là một trong những quốc gia điển hình về cách ứng phó chủ động với đại dịch Covid-19. Bài viết nêu rõ thành tích chống dịch của Việt Nam được quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ghi nhận vì mô hình phòng, chống dịch bệnh toàn diện, chi phí thấp.

Theo Nhandan