Thứ sáu,  20/09/2024

Kinh tế khu vực đồng euro đối mặt đà trượt dốc khủng khiếp

Ngày 30-4, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, GDP tại khu vực đồng euro (Eurozone) đã giảm 3,8% trong quý đầu tiên của năm 2020. Còn Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) dự báo mức suy giảm GDP từ 5-12% cho cả năm 2020.

Kinh tế khu vực đồng euro đối mặt đà trượt dốc khủng khiếp

Thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 ở khu vực đồng euro trong quý 2 sẽ cao hơn rất nhiều.

Khu vực Eurozone đang rơi vào cuộc suy thoái lịch sử kể từ khi hình thành năm 1995. Thống kê từ các nước thành viên đã cho thấy, tình trạng nguy hiểm của kinh tế khu vực. GDP của Pháp giảm 5,8% trong quý 1, mức cao nhất kể từ năm 1945, dù lệnh phong tỏa chỉ bắt đầu từ ngày 17-3. Mức sụt giảm cũng rất nghiêm trọng ở các nước khác, với 5,2% ở Tây Ban Nha và 4,7% ở Italy.

Tờ Le Monde dẫn lời Chủ tịch ECB, Christine Lagarde nói rằng, các kịch bản tăng trưởng do ECB ước tính cho thấy còn rất nhiều nguy cơ và bất ổn đối với tác động kinh tế do đại dịch gây ra. Nhiều nước EU đã áp dụng biện pháp phong tỏa trong suốt cả tháng 4, do vậy, GDP của khu vực có xuống tới -15% trong quý 2 và có thể cả quý 3.

Tình hình kinh tế khó lường có thể so sánh như thực trạng lạm phát, được Eurostat ước tính ở mức 0,4% trong tháng 4 ở khu vực đồng euro, so mức 1,7% một năm trước đó. Thoạt nhìn, khu vực Eurozone dường như đang tiến gần đến giảm phát. Nhưng thực tế cho thấy có nhiều diễn biến trái ngược. Một mặt, giá nhiên liệu đang tụt dốc thảm hại do khủng hoảng của thị trường dầu mỏ trong những tuần gần đây. Mặt khác, giá thực phẩm lại đang tăng vọt (+3,6%), nhất là sản phẩm tươi sống, tăng vọt lên +7,7%.

Các chỉ số kinh tế của khu vực đồng loạt chuyển sang “màu đỏ báo động.” Tháng trước, chỉ có một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng như du lịch, giao thông, giải trí … Rồi sang tháng 4, toàn bộ các lĩnh vực kinh tế của khu vực đã “đóng cửa.” Những liệu mới công bố chỉ thể hiện thực trạng của quý 1, và sang quý 2 còn tồi tệ hơn nhiều.

Bà Christine Lagarde cho rằng, bóng mây đen còn bao trùm lâu và chưa thấy có triển vọng cụ thể cho nền kinh tế khu vực. Vấn đề khó định đoán hiện nay là biện pháp phong tỏa kéo dài tới khi nào, bao lâu nữa dịch sẽ được khống chế. Tiếp đó là thời điểm để nhà hàng và khách sạn có thể mở cửa trở lại. Và chưa biết khi nào người tiêu dùng có thể trở lại mức mua sắm như trước. Bà cho biết, tình hình như vậy khiến cho việc dự báo kinh tế trở nên vô cùng khó khăn.

Trước tình hình khủng hoảng do bệnh dịch còn kéo dài, ECB đã quyết định tiếp tục hỗ trợ các nền kinh tế châu Âu. Bà Christine Lagarde cho biết, ECB sẵn sàng để tăng cường can thiệp vào thị trường tài chính. Trong tháng 3, ECB đã công bố kế hoạch chống đại dịch bao gồm việc bơm 750 tỷ euro để mua lại nợ cho các quốc gia EU. Quyết định này đã có kết quả, làm dịu bớt cơn bão tài chính. Trong tháng qua, ECB đã chi khoảng 5 tỷ euro mỗi ngày cho mục đích này. Tuy nhiên, với tốc độ thiệt hại kinh tế như hiện nay, khoản hỗ trợ 750 tỷ euro sẽ sớm cạn kiệt và cần phải tăng thêm.

Trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 30-4, ECB cố gắng trấn an các nước EU và đề cập đến khả năng tăng quy mô hỗ trợ tới mức cần thiết để vượt qua khủng hoảng dịch bệnh. Ngoài ra, ECB tuyên bố giảm tiếp lãi suất để các ngân hàng có thể cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các doanh nghiệp, nhất là là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

ECB đang tính đến các biện pháp sâu rộng hơn nữa, dự kiến đưa ra trong tháng 6, có thể tăng kế hoạch khắc phục hậu quả dịch bệnh từ 1.000 tỷ euro trở lên. Khi đó, mức độ thiệt hại kinh tế của khu vực có thể rõ ràng hơn.

Các nước trong khu vực Eurozone bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy… đang trên lộ trình nới lỏng dần lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, tình hình bệnh dịch còn diễn biến phức tạp và còn nguy cơ tái bùng phát, hoạt động kinh tế khó có thể trở lại bình thường trong những tuần tới.

Theo Nhandan