Lithium là thành phần quan trọng nhất tạo nên các loại pin sạc. Nó không chỉ được tìm thấy bên trong các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, đồ gia dụng, mà xe hơi, máy bay hay các thiết bị tinh vi trên tàu vũ trụ cũng sử dụng loại pin này.

Ngay từ năm 2016, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã công bố rằng, pin sản xuất từ lithium sẽ là cốt lõi cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Hiện nay, nhiều quốc gia xem loại pin này là một phần không thể thiếu trong thời đại công nghệ kỹ thuật số, đồng thời là “chìa khóa” mở ra tương lai không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, góp phần giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cuộc đua “pin” toàn cầu
 Pin lithium-ion sẽ sớm trở thành thứ “xăng” mới cho mọi chiếc xe trong tương lai. 

Với tính ưu việt mà không một loại pin nào có thể sánh kịp, pin lithium-ion có thể lưu trữ hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Thực tế nhiều quốc gia đang hướng đến những ứng dụng to lớn của thế hệ pin này. Chẳng hạn, Mỹ đã xây dựng cơ sở trữ điện bằng pin lithium-ion lớn nhất thế giới với 400.000 pin lithium-ion có khả năng lưu trữ đủ điện cho khoảng 2.000 hộ gia đình sử dụng trong 4 giờ. Các tập đoàn hàng không lớn cũng chú ý đến việc phát triển những máy bay điện thay vì dùng nhiên liệu lỏng như hiện nay. Chính vì vậy, ngành công nghiệp pin lithium-ion đang ngày càng phát triển mạnh và được kỳ vọng có thể vượt mốc 92 tỷ USD vào năm 2024.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đứng trước thách thức chưa từng có do sự tàn phá của đại dịch Covid-19, hậu quả của biến đổi khí hậu và tác động sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều quốc gia đang chọn phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, cân bằng và bền vững, nhằm tạo đà vững chắc cho quá trình phục hồi sau đại dịch. Chuyển đổi sang phương tiện chạy bằng điện và năng lượng tái tạo không còn giới hạn ở phạm vi các quốc gia phát triển mà đã trở thành xu hướng toàn cầu. Nhưng cũng vì vậy, cuộc đua nhằm sở hữu “nguồn xăng mới” cho tương lai càng trở nên gay gắt hơn.

Jakub Reiter, nhà khoa học của InoBat Auto-công ty chuyên nghiên cứu, phát triển và sản xuất pin phục vụ thị trường châu Âu-cho biết: “Hai mươi năm trước, không ai quan tâm nhiều đến pin, còn giờ đây, đó là sự cạnh tranh gay gắt và là một cuộc chiến lớn”.

Hiện tại, phần lớn chuỗi cung ứng pin đang tập trung ở Trung Quốc, nơi sản xuất hơn 70% pin lithium-ion của thế giới. Nước này cũng là nơi tinh chế và sản xuất phần lớn khoáng sản và vật liệu cần thiết của pin xe điện. Tuy nhiên, các quốc gia như Mỹ và châu Âu cũng không đứng ngoài cuộc đua này.

Các hãng xe ở Mỹ đang chi hàng chục tỷ USD để mở rộng chuỗi cung ứng pin lithium-ion, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Bắc Kinh. Công suất sản xuất pin xe điện của Mỹ được dự báo sẽ tăng gấp 6 lần trong thập kỷ tới.

Bên cạnh Mỹ, châu Âu cũng là một trong những khu vực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thị trường xe điện và pin xe điện, nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính trong lĩnh vực giao thông, hướng tới một tương lai ít carbon hơn. Để hoàn thành mục tiêu xanh đề ra, tỷ lệ sở hữu xe điện của châu Âu cần tăng từ khoảng 2 triệu hiện nay lên 40 triệu chiếc vào năm 2030. Châu Âu coi lithium là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Do vậy, nhu cầu của châu Âu đối với nguồn nguyên liệu quý này không ngừng tăng cao. Theo dự báo, vào năm 2050, châu Âu sẽ cần lượng lithium gấp 60 lần con số hiện nay. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đắt đỏ đã khiến châu Âu luôn đau đáu với giấc mơ có thể tự khai thác lithium tại “sân nhà”. Đây cũng là lý do vào tháng 9-2020, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic đã công khai tán thành các kế hoạch khai thác lithium của Bồ Đào Nha.

Trong tháng 3 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) còn cho khởi động dự án mang tên “Liên minh pin”, với tham vọng đưa khu vực này trở thành nhà sản xuất pin lớn thứ hai thế giới. Thông qua dự án này, các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo sẽ nhận được khoản đầu tư trị giá 1,1 tỷ USD, qua đó đủ sức đưa khu vực vươn lên cạnh tranh với các đối thủ châu Á.

Có thể nói, làn sóng chuyển dịch sang xe điện đang thúc đẩy đầu tư trong ngành công nghiệp sản xuất pin lithium-ion, kéo theo sự bùng nổ trong khai thác “dầu trắng”. Nhưng mỗi chiếc xe điện hoàn thành cũng có nghĩa là một lượng lớn lithium được khai thác, tinh chế và đi kèm là các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Không phải ngẫu nhiên mà Liên hợp quốc từng lên tiếng hối thúc các nước cần chuẩn bị kế hoạch ứng phó với những tác động của thời kỳ bùng nổ sản xuất pin xe điện, cũng như ứng phó tác động về mặt xã hội và môi trường của việc khai thác những nguyên liệu thô để sản xuất loại pin này. Bởi chỉ có như vậy, pin lithium mới có thể trở thành tiền đề cho một tương lai xanh thay vì là cái cớ để các quốc gia đặt cược môi trường và tương lai vào cuộc đua không hồi kết.