Đứng thứ nhất về số ca nhiễm là Mỹ với hơn 32,7 triệu ca, 585.000 ca tử vong, đứng thứ hai là Ấn Độ với hơn 16,9 triệu ca, 192.000 ca tử vong và Brazil với hơn 14,3 triệu ca, 389.000 ca tử vong.

Tại Ấn Độ, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng cao, trong khi hệ thống y tế đang có nguy cơ sụp đổ. Chỉ trong 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm 349.313 ca nhiễm mới và số người tử vong đã tăng thêm 2.761 người. Con số trên đánh dấu ngày thứ 8 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới trên mức 200.000, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này lên tới 16.960.172 trường hợp. Tổng số người tử vong do dịch Covid-19 tại Ấn Độ đã lên tới 192.311 trường hợp. Nhiều bệnh viện trên khắp cả nước, trong đó có thủ đô New Delhi đã ra thông báo nguồn oxy sắp cạn kiệt.

Thế giới ghi nhận hơn 147 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Số người mắc và tử vong vì Covid-19 ở Ấn Độ liên tiếp lập kỷ lục trong làn sóng bùng phát mới. Ảnh: Reuters. 

Giới chuyên gia y tế cho rằng, Ấn Độ đã mất cảnh giác khi dịch Covid-19 dường như đã được kiểm soát trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3-2021, khi số ca mắc trong ngày ở mức khoảng 10.000 ca và đã dỡ bớt các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch, cho phép tập trung đông người trở lại. Chính phủ Ấn Độ đã phát động chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhưng chỉ có một phần nhỏ trong số hơn 1,3 tỷ dân của nước này đã được tiêm.

Tại Thái Lan, trong ngày 24-4 ghi nhận số lượng ca mắc mới Covid-19 với 2.839 ca và số người tử vong là 8 ca theo ngày cao nhất từ trước tới nay. Lũy tích tới nay, tổng số các ca nhiễm là 55.460 ca trong đó có 140 ca tử vong. Từ ngày 1-4 đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 27.000 ca mắc Covid-19, trong đó 56% số ca là ở Bangkok. Thủ đô Bangkok đang là tâm điểm của đợt bùng phát Covid-19 thứ ba ở Thái Lan và là một trong 18 địa phương được chính phủ nước này đưa vào danh sách “vùng đỏ”, nơi giờ mở cửa của một số cơ sở nhất định bị hạn chế. Từ ngày 26-4, chính quyền Bangkok ra lệnh đóng cửa 31 loại hình kinh doanh nhằm ngăn chặn sự lây lan của làn sóng thứ ba đại dịch Covid-19 tại thủ đô.

Tại Lào, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 88 ca mắc mới Covid-19 (trước đó một ngày ghi nhận 65 ca), trong đó có tới 84 ca ở thủ đô Viêng Chăn, 2 ca ở tỉnh Champasak, 2 ca ở tỉnh Bokeo, nâng tổng số ca nhiễm lên 323 ca. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 10/18 tỉnh, thành phố của Lào ra lệnh phong tỏa, một số tỉnh đã tiến hành cách ly 14 ngày đối với người về từ thủ đô Viêng Chăn. Các ca mắc mới đều là lây nhiễm cộng đồng, trong đó có cả trẻ em, với tâm điểm vùng dịch vẫn là thủ đô Viêng Chăn. Thủ tướng Chính phủ Lào ban hành Chỉ thị số 15/TTg ngày 21-4-2021 về việc tăng cường các biện pháp toàn diện chống, kiểm soát và sẵn sàng ứng phó dịch Covid-19, trong đó quy định việc phong tỏa thủ đô Viêng Chăn; tiếp tục đóng các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu phụ và cửa khẩu địa phương đường bộ, đường thủy tại các đường biên giới với các nước đang có dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng; đối với các hoạt động xuất nhập cảnh của cá nhân từ ngày 22-4 đến 5-5, ngoại trừ trường hợp cần thiết được Ban Chỉ đạo cấp Trung ương cấp phép và xe chở hàng hóa nhưng phải có bảo hiểm Covid-19 và thiết bị giám sát y tế trong 14 ngày.

Tại Campuchia, trong 3 ngày qua số ca nhiễm trong ngày đang có chiều hướng gia tăng, riêng trong ngày qua ghi nhận 511 ca mắc mới và 10 ca tử vong, trong đó có 9 ca ở thủ đô Phnom Penh, nâng tổng số ca mắc lên 9.359 ca và 71 ca tử vong. Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi Campuchia ghi nhận ca đầu tiên tử vong liên quan “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20-2”. Bộ Y tế Campuchia cho biết Thủ đô Phnom Penh vẫn là địa phương có số ca mắc mới cao nhất với 318 ca, tiếp theo là tỉnh Preah Sihanouk (126 ca) và tỉnh Kandal (44 ca). Như vậy, đến nay Campuchia có 22 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch bệnh; 3 tỉnh không có ca nhiễm Covid-19 nào là Ratanakkiri, Oddar Meanchey và Stung Treng. Cơ quan chức năng Thủ đô Phnom Penh cho biết sẽ điều động nhóm y, bác sĩ đến lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ cho những người dân ở các “khu vực đỏ” tại thủ đô hiện đang bị hạn chế ra ngoài. Những khu vực đỏ là những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, gồm 3 quận Steung Meanchey, Por Senchey và Toul Kork.

Thêm 3 ca mắc Covid-19 mới được cách ly ngay sau khi nhập cảnh

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, sáng 26-4, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc Covid-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam và Đà Nẵng.

Thế giới ghi nhận hơn 147 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Cụ thể, bệnh nhân 2.844, nam, 28 tuổi, địa chỉ tại huyện thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bệnh nhân 2.845, nam, 35 tuổi, địa chỉ tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Ngày 23-4, hai bệnh nhân trên từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN5313, được cách ly tại tỉnh Quảng Nam sau khi nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm ngày 25-4 của hai bệnh nhân là dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.

Bệnh nhân 2.846, nam, 27 tuổi địa chỉ tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Ngày 20-4, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay quốc tế Đà Nẵng trên chuyến bay QH9413 và được cách ly ngay sau đó tại thành phố Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 25-4 của bệnh nhân là dương tính với virus SARS-CoV-2; hiện đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Thế giới ghi nhận hơn 147 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Như vậy tính đến thời điểm này cả nước ghi nhận  tổng cộng 2.846 ca mắc Covid-19. Đến thời điểm này, nước ta còn 41.626 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong đó có 527 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 26.276 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 14.823 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.516 bệnh nhân Covid-19. Trong số các bệnh nhân còn lại đang điều trị tại cơ sở y tế, có 13 trường hợp đã âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; có 15 người âm tính lần 2 và 20 người âm tính lần 3.

Hơn 200.000 người Việt Nam đã được tiêm vaccine phòng Covid-19

Sáng 26-4, Bộ Y tế cho biết, tính đến chiều 25-4, cả nước đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố cho 209.632 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19; các nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết; thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương.

Trong ngày 25-4, Hà Nội tiêm 611 người; Nam Định tiêm 47 người; Thanh Hóa tiêm 843 người, Bắc Ninh tiêm 996 người; Phú Thọ tiêm 691 người; Hải Dương tiêm 56 người; Hưng Yên tiêm 99 người; Thái Nguyên tiêm 29 người; Bắc Cạn tiêm 111 người; Quảng Ninh tiêm 91 người; Nghệ An tiêm 954 người; Hà Tĩnh tiêm 170 người; Lai Châu tiêm 271 người; Cao Bằng tiêm 571 người; Điện Biên tiêm 2.401 người; Bình Định tiêm 238 người; Kon Tum tiêm 240 người; Gia Lai tiêm 489 người; Đắc Lắk tiêm 96 người; TP Hồ Chí Minh tiêm 594 người; Đồng Nai tiêm 132 người; Lâm Đồng tiêm 116 người; Cần Thơ tiêm 59 người; Vĩnh Long tiêm 537 người và Bạc Liêu tiêm 218 người.

Để sống chung an toàn với đại dịch Covid-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế.