Một buổi sáng, Brianne Smith, nhân viên văn phòng tại thành phố St.Louis, bang Missouri (Mỹ) vui mừng nhận được email thông báo về lịch tiêm liều thứ hai vaccine ngừa Covid-19 mà cô đã chờ đợi nhiều tuần qua. Tuy nhiên, ít giờ sau, niềm vui ấy bị “phủ bóng đen” khi cô nhận được một cảnh báo qua điện thoại về một vụ nổ súng hàng loạt ở nơi công cộng.

Trong vòng luẩn quẩn
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng vừa qua ở thành phố Colorado Springs, bang Colorado, Mỹ. Ảnh: Reuters

Trước khi đại dịch bùng phát ở nước này, Brianne Smith có thói quen tìm hiểu các lối thoát hiểm ở những khu vực công cộng và tích cực tham gia vào nhiều cuộc diễn tập kỹ năng sống sót khi xảy ra xả súng do công ty mình tổ chức. Hơn một năm chủ yếu làm việc trực tuyến tại nhà do dịch bệnh, cô không còn luyện tập để đối phó với tình huống đó như trước nữa. “Tôi chưa từng sống trong sợ hãi vì Covid-19, bởi tôi có thể đưa ra các quyết định để giữ an toàn cho bản thân. Vậy nhưng, tôi chẳng có cách nào hay biết phải làm gì để tránh các vụ xả súng ngoài kia”, Brianne Smith chia sẻ.

Những người đang có tâm lý như Brianne Smith trong xã hội Mỹ không hề hiếm. Sau một năm đóng cửa ở nhà vì đại dịch, nước này phải đối mặt với sự trở lại của các vụ xả súng. Nỗi sợ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 “vô hình” của người Mỹ bị nhân lên nhiều lần bởi bất kể lúc nào họ đều có thể trở thành nạn nhân của “cơn ác mộng” mang tên bạo lực súng đạn.

Đài NPR (Mỹ) thống kê rằng mức độ bạo lực súng đạn ở Mỹ cao gấp 8 lần so với Canada và gấp tới 100 lần so với Vương quốc Anh. Số liệu của CNN cho biết, tính riêng cuối tuần qua, từ ngày 7 đến 9-5, nước Mỹ ghi nhận không dưới 10 vụ xả súng, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ xả súng tại một bữa tiệc sinh nhật ở thành phố Colorado Springs, bang Colorado, khiến tổng cộng 7 người thiệt mạng. Xả súng được CNN định nghĩa là vụ nổ súng khiến từ 4 người thương vong trở lên, không kể thủ phạm.

Tháng trước, chính quyền Washington đã công bố một số biện pháp ứng phó với bạo lực súng đạn, được mô tả là bước đầu tiên nhằm hạn chế các vụ xả súng hàng loạt và tự sát ở Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Joe Biden từng cam kết sẽ thúc đẩy chấm dứt tình trạng trên, bao gồm việc cấm các loại súng trường, siết chặt kiểm tra lý lịch người mua, hạn chế tích trữ vũ khí và chấm dứt bán súng trực tuyến. Tuy nhiên, cho tới nay, các biện pháp có giới hạn mà “ông chủ” Nhà Trắng công bố được xem là vẫn chưa thể đáp ứng lời hứa đó. Giáo sư David Kopel tại Đại học Denver (Mỹ) thừa nhận rằng, khi nói về kiểm soát súng đạn, đa số người dân vẫn tỏ ra “bảo thủ hơn bao giờ hết”, đồng thời nhận định những mâu thuẫn sâu sắc trong chính trường Mỹ khiến nỗ lực phản đối bạo lực súng đạn hay kêu gọi kiểm soát súng đạn không mang lại nhiều kết quả rõ rệt.

Lâu nay, bạo lực súng đạn đã gây nhức nhối trong xã hội Mỹ-quốc gia có số người sở hữu súng cao nhất thế giới. Hằng năm, xứ cờ hoa ghi nhận trung bình gần 40.000 người thiệt mạng liên quan đến súng đạn. Cứ sau mỗi bi kịch, các cuộc biểu tình, tranh luận về súng và bạo lực súng đạn lại “dậy sóng”, hay một vài dự luật về vấn đề này cũng được đưa ra. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, tất cả lại bị chìm xuống. Điều đó dường như đã trở thành một “thói quen” của người Mỹ. Thậm chí, xu hướng tích trữ súng đạn ở Mỹ ngày càng gia tăng. Đơn cử trong năm 2020, người Mỹ đã mua tới 21 triệu khẩu súng, cao hơn 73% so với năm 2019.

Thực tế trên cho thấy, chính quyền Mỹ vẫn chưa thể tìm ra được biện pháp hữu hiệu nào để người dân nước này thoát khỏi vòng luẩn quẩn vì bạo lực súng đạn.