Thống kê từ chính phủ nước này cho thấy, cứ 10 người Phần Lan trong độ tuổi lao động thì có 4 người trên 65 tuổi. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi nằm trong lực lượng lao động ở Phần Lan sẽ tăng mạnh, vượt qua tất cả các quốc gia khác, trừ Nhật Bản.

Phần Lan là quốc gia tiên phong về bình đẳng giới, nơi có các dịch vụ công hiệu quả, mức độ tội phạm thấp… Tuy nhiên, có một nghịch lý khiến đất nước Bắc Âu khó tiếp cận thị trường lao động cho người nước ngoài, dẫn đến tỷ lệ người nước ngoài phải rời đi sau vài tháng là bởi ngôn ngữ phức tạp và khí hậu khắc nghiệt.

Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới thiếu nhân lực lao động
 Một góc thủ đô Helsinki của Phần Lan. Ảnh: Le Figaro

Theo tờ Le Figaro (Pháp), quốc gia Bắc Âu với 5,5 triệu dân này sẽ cần một lượng người nhập cư từ 20.000 đến 30.000 người mỗi năm, tăng gấp đôi so với hiện nay, để làm các công việc dịch vụ công và chăm sóc người già. Nhận rõ vấn đề này, mới đây, Chính phủ Phần Lan đã công bố Chương trình “Tăng cường nhân tài” nhằm mục đích đưa nước này trở nên hấp dẫn hơn trên thế giới trong vòng 4 năm tới. Một trong những biện pháp mà chương trình này đề cập đến là tuyển dụng lao động tay nghề cao ở nước ngoài, trong đó nhắm đến các chuyên gia y tế người Tây Ban Nha, các nhà luyện kim Slovakia, các chuyên gia công nghệ thông tin và hàng hải người Nga, Ấn Độ hoặc Philippines.

Trong khi đó, nhà tuyển dụng Saku Tihveräinen thuộc Công ty Talented Solutions (Phần Lan) cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu nhân sự, một số công ty đã thay đổi tiêu chí tuyển người. “Trước đây, nhiều công ty và tổ chức tuyển người lao động sử dụng thành thạo tiếng Phần Lan. Tuy nhiên, tiêu chí này đã thay đổi. Mới đây, một nhà máy công nghệ đã tuyển dụng thành công 2.000 nhân công trong vòng 6 tháng sau khi thay đổi điều kiện ngôn ngữ làm việc sang tiếng Anh. Hy vọng với sự linh hoạt này, vấn đề khủng hoảng nhân lực ở Phần Lan sẽ sớm được giải quyết”, ông Saku Tihveräinen bày tỏ.

Về phần mình, Thị trưởng Helsinki Jan Vapaavuori cho biết, việc thu hút những người độc thân đến làm việc ở thủ đô không phải là vấn đề quá lớn, nhưng thu hút các cặp vợ chồng và gia đình rất khó vì “vợ hoặc chồng luôn gặp vấn đề tìm kiếm việc làm phù hợp”. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự lạc quan và hy vọng sẽ có nhiều người nhập cư châu Á đến làm việc ở Helsinki trong thời gian tới.