Theo nhật báo Le Monde, ngoài Trung Quốc, một loạt nước khác bao gồm: Mỹ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Thái Lan, Mexico… đều đang có chương trình nhằm khai thác các đám mây cho lợi ích của mình. Những nước này nhắm tới các mục tiêu khác nhau như: Làm giảm tác động của hạn hán đối với hoạt động nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung cấp nước uống, chống cháy rừng, bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái…

Cũng như một số ít quốc gia trên thế giới, UAE coi việc làm thay đổi thời tiết là một phần trong chiến lược của chính phủ nhằm bảo đảm nguồn cung cấp nước. Từ thập niên 1990, UAE đã quan tâm tới vấn đề này và bắt đầu một chương trình nghiên cứu liên quan vào năm 2015. Với nguồn kinh phí khổng lồ, hiện chương trình đang tập trung vào việc tăng cường hình thành đám mây có thể sử dụng để gây mưa nhân tạo. Nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu, UAE thực hiện chính sách cấp khoản tài trợ lên tới 1,5 triệu USD trong vòng 3 năm cho mỗi dự án nghiên cứu xuất sắc, bắt đầu từ năm 2024.

Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới trong việc ứng dụng các kỹ thuật tạo mưa nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và nền kinh tế như biện pháp sử dụng máy bay, tên lửa để phun các tinh thể muối, hoặc bạc iodide vào các đám mây, hoặc dùng thiết bị khuếch tán khói từ mặt đất. Tình trạng khan hiếm nước ở miền Bắc và hiện nay là cả miền Nam do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, càng khiến Trung Quốc đẩy mạnh các kế hoạch gây mưa nhân tạo. Tờ Nhân Dân nhật báo của Trung Quốc cho biết, tính từ tháng 6 đến tháng 11-2022, Trung Quốc đã tiến hành 241 chuyến bay và 15.000 vụ phóng tên lửa để tạo ra “8,56 tỷ tấn nước mưa bổ sung” ở lưu vực sông Dương Tử.

Còn tại miền Tây nước Mỹ, nơi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng hơn do tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu, chính phủ liên bang vào tháng 3 năm nay đã công bố khoản đầu tư 2,4 triệu USD nhằm tăng cường nhiều chiến dịch “gieo cấy” lên đám mây các chất để tạo mưa ở 7 bang thuộc lưu vực sông Colorado.

“Cuộc chiến” tạo mưa đang nóng lên
Thiết bị phun vật liệu gây mưa vào các đám mây của UAE. Ảnh: Alarabiya 

Tuy nhiên, các biện pháp gây mưa nói trên, vốn được nghiên cứu từ hơn một thế kỷ, đang gây ra nhiều tranh cãi. Theo chuyên gia về chính sách nước Kathryn Sorensen, Giám đốc Nghiên cứu tại Đại học bang Arizona, nhiều người đã gọi chương trình này là “cuộc chiến trên mây”. Hoạt động này trên thực tế là sự lợi dụng một cách hiệu quả độ ẩm có sẵn trong không khí để gây mưa nhân tạo, nhưng lại khiến các bang hoặc quốc gia láng giềng chịu thiệt hại. Một câu hỏi cũng được đặt ra là liệu những vật liệu được sử dụng để phun vào các đám mây nhằm tạo mưa có an toàn đối với sức khỏe con người và môi trường hay không?

Giáo sư Linda Zou, Đại học Khalifa của UAE vào năm 2022 từng công bố rằng bà đã tạo ra thiết bị “gieo cấy” mới, hiệu quả hơn ở vùng khí hậu khô hạn. Bà Linda Zou cũng như các cơ quan chức năng của UAE đều khẳng định những biện pháp này là an toàn đối với sức khỏe con người và môi trường. Giáo sư này cho biết, bằng cách sử dụng công nghệ nano, các hạt muối được bao phủ bởi một lớp titan dioxide mỏng, sẽ có thể tạo thành những giọt nước nhiều hơn 2,5 lần so với bạc iodide và điều này sẽ thúc đẩy tạo ra lượng mưa nhiều hơn.

Nhưng trên thực tế, ngay từ năm 2006, Trung tâm Nghiên cứu ung thư quốc tế đã xếp titan dioxide, ở tất cả các kích thước, đều có khả năng gây ung thư cho con người. Đối với bạc iodide cũng vậy, một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra những rủi ro của hợp chất này.

Hơn nữa, mưa nhân tạo không phải muốn tạo lúc nào cũng được mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và điều kiện cần thiết. Mây tích (cumulus) là một trong hai loại mây duy nhất có khả năng thực hiện được biện pháp “gieo cấy” để tạo mưa. Đây là loại mây thường xuất hiện vào mùa hè bởi luồng không khí bốc lên. Giáo sư Andrea Flossmann tại Đại học Clermont Auvergne và đồng chủ tịch nhóm chuyên gia biến đổi thời tiết của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, 1km3 mây tích có thể chứa lượng nước lên đến 1.000 tấn.

Nhà nghiên cứu Marine de Guglielmo Weber tại Viện Quan hệ chiến lược và quốc tế đã đề cập tới những tình huống căng thẳng ngoại giao hoặc chính trị do việc áp dụng biện pháp gây mưa nhân tạo. Cụ thể, năm 2018, Thiếu tướng Gholam Reza Jalali, nguyên Trưởng cơ quan phòng vệ dân sự Iran, đã cáo buộc Israel và “một quốc gia khác” (theo ông là UAE) đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước của quốc gia Hồi giáo, bằng cách “lấy mất” các đám mây trong khu vực.

Trên thế giới, hiện chưa có quy định nào đối với việc sử dụng hóa chất cho mục đích làm mưa nhân tạo. Nhà nghiên cứu Marine de Guglielmo Weber cho rằng có rất ít hiểu biết về ảnh hưởng đối với sức khỏe và môi trường của các kỹ thuật gây mưa nhân tạo, đồng thời tin rằng đã đến lúc phải có một hiệp ước quốc tế mới quy định về việc này.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/cuoc-chien-tao-mua-dang-nong-len-741784