Thông minh dễ hơn là làm người tốt

Jeff Bezos sinh ngày 12-1-1964 tại Mỹ. Từ thời thơ ấu, Jeff đã thể hiện là một cậu bé đặc biệt thông minh và khéo léo. Năm 2 tuổi, cậu bé đã tự tháo các thanh chắn của chiếc nôi. Lúc 6 tuổi, cậu đã phát minh ra hệ thống báo động điện tử để ngăn em trai và em gái của mình, Mark và Christina, vào phòng của mình chơi. 8 tuổi, Jeff Bezos biết lắp ráp hoàn chỉnh những bộ đồ chơi ghép hình đắt tiền.

Jeff Bezos rất yêu ông ngoại Lawrence Preston Gise bởi ông chính là nguồn cảm hứng vĩ đại giúp cậu bé hình thành đam mê với kiến thức khoa học. Chính ông ngoại từng dạy Jeff rằng: “Thông minh dễ hơn là làm người tốt”. Vì thế, từ năm 12 tuổi, “thợ máy nhỏ” Jeff đã dành cả mùa hè ở trang trại của ông ngoại ở Cotulla, bang Texas. Theo chân ông, cậu bé đi dựng hàng rào thép gai dài cả chục ki-lô-mét, đánh dấu gia súc, giám sát đường ống dẫn nước, sửa chữa máy kéo Caterpillar chỉ với cuốn sách hướng dẫn dày 200 trang trong tay. “Bạn chỉ cần kiên nhẫn và bạn có thể tự mình làm tất cả”, Jeff Bezos có lần chia sẻ với phóng viên báo Paris Match như vậy.

Tỷ phú vũ trụ
Tỷ phú Jeff Bezos chinh phục không gian bằng tàu vũ trụ New Shepard của Công ty Blue Origin. Ảnh: Blue Origin.

Với tài năng xuất chúng, trí thông minh tuyệt vời, Jeff Bezos không gặp khó khăn gì khi thi vào trường Princeton, một trong những trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Ban đầu, cậu sinh viên đăng ký theo học ngành vật lý với ước mơ trở thành thiên tài nghiên cứu Mặt trăng, hay nói đúng hơn “trở thành doanh nhân vũ trụ”. Jeff Bezos coi đó là hành động tri ân tới ông của mình, người từng chịu trách nhiệm một số chương trình không gian của Chính phủ Mỹ và là cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos. Nhưng, ngay từ những tuần đầu tiên ở trường Đại học Princeton, Jeff nhận ra rằng anh không hợp với lĩnh vực này. Cậu sinh viên lập tức chuyển sang ngành học khác, nơi mà sự cạnh tranh khá gay cấn: Công nghệ thông tin. Jeff Bezos sau đó đã tốt nghiệp đại học với bằng kỹ sư điện và khoa học máy tính của trường Đại học Princeton.

Vào thời điểm đó, Jeff Bezos đã sớm nhận ra sự bùng nổ của internet, với mức tăng 2.300% mỗi năm. Vì vậy, anh tìm cách tận dụng nó. Jeff đã phân tích 20 lĩnh vực bán hàng qua mạng và quyết định đầu tư về sách. Theo Jeff, không một chuỗi nhà sách nào có thể gửi danh mục qua đường bưu điện vì trọng lượng rất lớn. Do đó, sách trực tuyến là một sản phẩm lý tưởng. Ngay sau đó, anh bay đến Los Angeles và tham dự hội nghị thường niên của những người bán sách. Khi trở lại, niềm tin về những cuốn sách điện tử đã hình thành trong đầu chàng trai trẻ này. Cuối năm 1993, Jeff Bezos thành lập cửa hàng sách trực tuyến nhỏ.

Cũng trong năm này, Jeff quen và kết hôn với MacKenzie khi hai người cùng làm việc tại Công ty quản lý đầu tư D.E. Shaw. Sau đám cưới không lâu, Jeff nói với MacKenzie về những ý tưởng kinh doanh mới và nhận được sự ủng hộ của vợ. Vậy là, hai người rời khỏi Công ty D.E. Shaw, băng từ miền Đông sang miền Tây của nước Mỹ trên chiếc xe Chevy Blazer đời 1988. MacKenzie lái xe, còn Jeff-với máy tính đặt trên đùi-đã viết một mạch kế hoạch kinh doanh đầu tiên của mình.

Khi đến thành phố Seattle thuộc bang Washington, cặp đôi Jeff Bezos-MacKenzie mua một ngôi nhà nhỏ và biến gara thành trụ sở kinh doanh. Để thực hiện ý tưởng startup, nhà khởi nghiệp Jeff Bezos vay 300.000USD tiền tiết kiệm của cha mẹ. “Chúng tôi không biết internet là gì. Chúng tôi không đặt cược trên web, chúng tôi đặt cược vào Jeff”, bà Jacklyn, mẹ của Jeff nói.

Ngày 16-7-1995, công ty thương mại điện tử Amazon chính thức khai trương với sự hiện diện của 300 bạn bè thân thích của gia tộc Bezos. “Một cái tên được lựa chọn cẩn thận, rõ ràng liên quan đến “con sông lớn nhất thế giới”, nhưng trên hết bắt đầu bằng chữ “A”, do đó được bảo đảm đứng đầu tất cả các trang web được cung cấp bởi các công cụ tìm kiếm trên internet”, tờ ParisMatch viết. 30 ngày sau, nhờ sự trợ giúp truyền thông, công ty khởi nghiệp này đã bán sách ở 50 bang của nước Mỹ và 45 quốc gia trên thế giới. Ba năm sau khi thành lập Amazon, Jeff Bezos đã công khai tiến vào sàn chứng khoán (IPO). Năm 1998, ông tiến hành mở rộng các sản phẩm được bán trên Amazon như các mặt hàng tiêu dùng, thời trang, thiết bị điện tử… Jeff Bezos đã sử dụng 54 triệu USD huy động trong đợt chào bán cổ phần vào năm 1997 để tài trợ cho việc mua lại các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn.

Dù bận bịu với công việc kinh doanh, nhưng Jeff Bezos vẫn cố gắng để có nhiều thời gian dành cho gia đình. Để có thể trở về nhà vào giờ ăn tối, Jeff Bezos tuân theo một kỷ luật “mà các con ông cho là rất nhàm chán”: Ông dậy lúc 5 giờ sáng, tập thể dục 2 giờ và chỉ đến văn phòng lúc 10 giờ. Không bao giờ ông sử dụng thang máy mà chỉ đi cầu thang bộ, trên tay cầm chiếc BlackBerry để đọc email được gửi đến địa chỉ “jeff@amazon.com” từ những khách hàng ưu tiên. “Một người tiêu dùng không hài lòng sẽ nói với 5.000 người về điều không hài lòng đó. Tốt hơn là nên giải quyết nó trước”, Jeff nói. Năm 1999, tạp chí Time vinh danh Jeff Beros là “Người đàn ông của năm”, trở thành một trong bốn người trẻ nhất lịch sử nhận được vinh dự này.

Từ xuất phát điểm là một nhà bán sách trực tuyến, Jeff Bezos đã trở thành CEO của một công ty thương mại điện tử khổng lồ trị giá 1,7 nghìn tỷ USD và là tỷ phú giàu nhất thế giới với tài sản lên tới gần 200 tỷ USD. Gắn bó với Công ty Amazon suốt 27 năm qua, nhưng ngày 5-7-2021, Jeff Bezos đã giao lại quyền kiểm soát hoạt động của công ty cho cánh tay phải của mình Andy Jassy để cống hiến hết mình cho các dự án khác, bắt đầu bằng chuyến du hành vào vũ trụ vào ngày 20-7 này…

Hướng tới cuộc đua du lịch không gian

Như đã nói ở trên, ước mơ bay vào vũ trụ đã theo đuổi Jeff Bezos từ khi còn nhỏ. Jeff Bezos tiết lộ, ông say mê vũ trụ từ khi mới 5 tuổi, từ thời điểm theo dõi sự kiện hai phi hành gia Mỹ Neil Amstrong và Buzz Aldrin đặt chân lên Mặt Trăng. “Loài người phải chinh phục không gian nếu muốn tiếp tục duy trì nền văn minh. Dân số thế giới ngày càng tăng trong khi Trái Đất thì tương đối nhỏ. Phát triển công nghệ vũ trụ là điều cần thiết để bảo đảm nhân loại có một tương lai lâu dài”, CEO Amazon nhấn mạnh. Theo tỷ phú người Mỹ này, trong tương lai loài người cần sản xuất vật chất ngoài không gian và chuyển về Trái Đất. Khi đó, các nhà máy lớn và các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sẽ không còn hoạt động trên Trái Đất. Vì lẽ đó, ông đã đầu tư một số tiền đáng kể từ Amazon vào các dự án phát triển công nghệ vũ trụ thông qua Công ty Blue Origin.

Trong khi đó, báo South China Morning Post cho rằng, ông Jeff Bezos bị ám ảnh bởi giấc mơ của nhà vật lý Gerard O’Neill-người tin rằng nhân loại có thể thiết lập các trạm không gian đủ sức chứa hàng tỷ người trong tương lai. Sau cuộc trò chuyện với một người bạn-tiểu thuyết gia Neal Stephenson-Jeff Bezos thành lập Công ty Blue Origin vào năm 2000.

Theo Chủ tịch Jeff Bezos, bước đầu tiên của chiến dịch chinh phục không gian là hoạt động du lịch vũ trụ. Theo đó, Blue Origin sẽ đưa con người du lịch không gian bằng tàu vũ trụ New Shepard-được đặt theo tên phi hành gia Alan Shepard, người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ năm 1961. Tàu vũ trụ New Shepard được thiết kế có thể đưa 6 hành khách vượt độ cao hơn 100km so với Trái đất. Ngày 12-7 vừa qua, Blue Origin đã giải quyết một trong những rào cản cuối cùng của mình khi nhận được sự cho phép chính thức của Cục Hàng không Liên bang Mỹ để đưa hành khách lên vũ trụ.

Như vậy, sau 6 năm và 15 chuyến bay thử nghiệm, giờ đây New Shepard đã sẵn sàng đưa con người vào vũ trụ và trở lại Trái đất an toàn. Theo Reuters, chuyến bay lần thứ 16 diễn ra vào ngày 20-7 với sự tham gia của tỷ phú Jeff Bezos, em trai Mark Bezos, người đã chiến thắng trong cuộc đấu giá trị giá 28 triệu USD, và cụ bà 82 tuổi Wally Funk-người đã chờ sáu thập kỷ để được bay vào không gian. Chuyến bay này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sứ mệnh đưa những khách hàng trả tiền vượt ra ngoài không gian. Theo kế hoạch, chuyến du hành sẽ kéo dài 10 phút, trong đó hành khách có 4 phút để “tận hưởng thời gian” trên đường Karrman, đánh dấu ranh giới được công nhận giữa khí quyển Trái Đất và vũ trụ. Với 6 cửa sổ cao gần gấp 3 lần so với cửa sổ của máy bay phản lực Boeing Co 747, hành khách có thể ngắm toàn cảnh không gian ngoài Trái Đất.

Cùng với chuyến bay thành công của tỷ phú Richard Branson trên tàu vũ trụ VSS Unity thuộc hãng Virgin Galactic ngày 11-7 vừa qua, chuyến bay vào không gian của tỷ phú Jeff Bezos trên tàu New Shepard đang hướng thế giới đến một kỷ nguyên mới của lĩnh vực du hành vũ trụ thương mại tư nhân. Du hành vũ trụ cũng đang là cuộc chiến mới nhất của các tỷ phú thế giới khi nhu cầu của giới siêu giàu tăng cao. Tuy nhiên, chắc chắn chi phí không hề rẻ khi cả Blue Origin và Virgin Galactic đều tung giá trên trời, từ 200.000 đến 300.000USD cho mỗi hành khách cho một lần bay trong không gian.