Điều thần kỳ Morocco
Morocco của HLV Walid Regragui làm nên lịch sử khi lần đầu tiến vào tứ kết World Cup. Ảnh: Reuters. 

Nhưng nhìn xa hơn mới thấy, bóng đá Morocco đã thống trị các giải đấu cấp câu lạc bộ châu Phi từ mấy năm nay. Renaissance Berkane giành chức vô địch Confederations Cup châu Phi năm 2020, trong khi chức vô địch giải này năm ngoái thuộc về Wydad Casablanca. Nhưng thành công đáng chú ý nhất chính là Wydad Casablanca, đội bóng mà HLV Walid Regragui dẫn dắt trước khi nắm quyền ở đội tuyển Morocco, đã đánh bại Al-Ahli, được coi là Real Madrid của châu Phi, ở trận chung kết Champions League châu Phi. Trước đó, Wydad Casablanca từng vô địch cúp này năm 2017 và được vào chung kết hai năm sau đó. Điều đáng chú ý là ở trận thắng Al-Ahli, HLV Regragui đã đưa vào sân 3 cầu thủ trẻ mà bây giờ đang là thành viên của đội tuyển Morocco làm nên lịch sử tại World Cup 2022 là hậu vệ Attiat-Allah, tiền đạo Dari và Jabrane.

Những gì đã nói ở trên đơn giản là mô tả thành công của Morocco không phải chuyện xảy ra chỉ sau một đêm. Đó không phải là truyện cổ tích theo kiểu “Nghìn lẻ một đêm” mà là sản phẩm một quá trình phấn đấu lâu dài của bóng đá nước này. Liên đoàn Bóng đá Morocco, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Fouzi Lekjaa từ năm 2014, đã sử dụng tốt số tiền mà FIFA cấp hàng năm cho các liên đoàn thành viên để phát triển bóng đá. Nếu như ở một số liên đoàn bóng đá châu Phi, những khoản tiền như thế này được giải ngân chậm hoặc bị biển thủ thì tại Morocco, nó được sử dụng tốt. Một trong những thành công mà Chủ tịch Fouzi Lekjaa đạt được là cải tổ thành công hệ thống bóng đá địa phương, đồng thời mở ra các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Vào năm 2019, Liên đoàn Bóng đá Morocco đã chi 60 triệu USD để mở một trường đào tạo bóng đá cấp quốc gia, lấy cảm hứng từ Trung tâm Clairefontaine nổi tiếng của Liên đoàn Bóng đá Pháp.

Nhưng một trong những điều tuyệt vời nhất của đội tuyển Morocco ở World Cup này chính là việc tận dụng tốt nguồn lực “Maroc kiều”. Trong 26 cầu thủ được triệu tập cho World Cup 2022, có tới 14 cầu thủ sinh ra ở nước ngoài, đó là Bounou sinh ở Canada; Amrabat, Aboukhlal, Ziyech và Mazraoui sinh ở Hà Lan; Chair, Amallah, El Khannous và Zaroury sinh ở Bỉ; Cheddira sinh ở Italy; Hakimi và Munir sinh ở Tây Ban Nha; Boufal và Saiss sinh ở Pháp. Bên cạnh đó, Sabiri di cư cùng gia đình sang Đức khi mới 3 tuổi và từng chơi cho Đội tuyển U.21 của Đức. Hầu hết các cầu thủ “Maroc kiều” nói trên từng khoác áo đội tuyển trẻ ở quê hương thứ hai nhưng họ đều một lòng một dạ hướng về Tổ quốc. Bản thân HLV Regragui cũng sinh ra ở ngoại ô Paris, từng chơi cho những đội hạng dưới ở Pháp nhưng luôn có đất mẹ trong tim. Morocco đã làm nên lịch sử cho bóng đá châu Phi bằng những con người như thế, trong một giải đấu tuyệt vời của họ.