Thứ sáu,  20/09/2024

Xây dựng văn hóa đọc trong trường học

LSO-Với mục tiêu xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh, nhất là học sinh cấp tiểu học, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm tổ chức các hoạt động khuyến đọc, chú trọng đổi mới hoạt động thư viện trường học, thiết lập môi trường đọc sách thân thiện với học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc đọc sách tại thư viện trường

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 267 trường có lớp tiểu học (trong đó có 234 trường tiểu học, 32 trường tiểu học – THCS, 1 trường phổ thông cơ sở) với trên trên 63.300 học sinh và trên 400 điểm trường lẻ. Thời gian qua, các trường tiểu học trên địa bàn đã có rất nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích để khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho học sinh trong nhà trường như: triển khai thực hiện lồng ghép việc đọc sách vào các hoạt động ngoài giờ hoặc các bài giảng để giáo dục cho học sinh tích cực đọc sách; tổ chức ngày hội đọc sách theo chủ đề; xây dựng tủ sách phụ huynh đặt tại lớp học; khuyến khích việc cùng nhau đọc sách, góp sách hay những hoạt cảnh sân khấu hóa các tác phẩm đã giúp cho học sinh khơi dậy niềm ham thích đọc sách để nâng cao tri thức, góp phần thúc đẩy việc học tập được tốt hơn.

Cô Dương Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Đại Đồng 2, huyện Tràng Định cho biết: Để nâng cao văn hóa đọc trong học sinh, nhà trường đã thường xuyên tổ chức hoạt động giới thiệu sách đối với học sinh. Hoạt động này lồng ghép vào giờ chào cờ hằng tuần, mỗi tháng thực hiện giới thiệu kĩ lưỡng một đến hai cuốn sách mới hay một ấn phẩm mới xuất bản liên quan đến tri thức học đường và cuộc sống. Cùng với đó nhà trường đã tích cực đổi mới hoạt động của thư viện trường, mở thêm hệ thống thư viện xanh, thư viện ngoài trời, giao học sinh tự quản lý tủ sách và cho mượn sách; lồng ghép tổ chức những hoạt động như: thi giới thiệu sách, thi kể chuyện, đọc thơ trong các buổi sinh hoạt tập thể của khối… tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em đến với sách.

Hiện nay, toàn tỉnh có 245 trường tiểu học có thư viện trường, với 100% các trường đều có nhân viên thư viện chuyên trách hoặc bán chuyên trách. Hệ thống các thư viện được bố trí linh hoạt theo nhiều hình thức hoạt động khác nhau từ mô hình thư viện xanh ở ngoài trời đến các thư viện điện tử, thư viện trường học, thư viện lớp học với đa dạng các loại sách báo, truyện và các tư liệu liên quan đến công tác giáo dục phổ thông được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Mỗi đầu sách lưu hành, trưng bày đều được các nhà trường, giáo viên kiểm duyệt, có định hướng về giá trị thông tin và rất chú trọng đến những loại sách có tính giáo dục cao… nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu đọc, học của giáo viên và học sinh.

Bên cạnh đó, với mục tiêu “xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học thông qua việc thiết lập môi trường đọc thân thiện, đồng thời thực hiện thường xuyên các hoạt động đọc sách ở trường và khuyến khích học sinh đọc sách ở nhà”. Trong năm 2018, ngành giáo dục tỉnh đã phối hợp với tổ chức “Room to read”, triển khai hơn 20 mô hình “Thư viện thân thiện”, cải tạo, nâng cấp các thư viện truyền thống thành thư viện thân thiện với các kệ sách, thảm xốp, bàn đọc, các vật phẩm giáo dục,… phù hợp với thể trạng và lứa tuổi học sinh tiểu học. Đồng thời phối hợp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng kiến thức về thiết lập, quản lý thư viện và tổ chức các hoạt động thư viện; tổ chức các hoạt động khuyến đọc nhằm xây dựng văn hóa đọc ở trường, gia đình và cộng đồng; triển khai tiết đọc thư viện tại các trường. Để từng bước hình thành văn hóa đọc trong nhà trường.

Em Lâm Hoài Thu, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Yên Trạch, huyện Cao Lộc chia sẻ: Từ khi thư viện được sửa chữa, trang trí lại sạch đẹp và được bổ sung nhiều sách báo mới, chúng em đến thư viện nhiều hơn, không chỉ những dịp thi cử mà cả những ngày học bình thường, trong giờ ra chơi, em và các bạn lại cùng nhau đến thư viện tìm cho mình những cuốn sách hay để đọc và chia sẻ kiến thức với nhau.

Có thể thấy rằng, để tạo cho học sinh có được thói quen tiếp xúc hằng ngày với tri thức mới qua những trang sách, thì việc xây dựng không gian văn hóa đọc trong các trường học là hết sức quan trọng. Mặc dù thời gian qua ngành giáo dục đã quan tâm đầu tư, trang bị cơ sở vật chất cho các thư viện trường, tuy nhiên vẫn còn những mặt hạn chế. Hiện nay vẫn còn 22 trường tiểu học chưa có thư viện, hầu hết các thư viện chưa đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; còn 238 thư viện là thư viện dùng chung cho giáo viên và học sinh. Đặc biệt vẫn còn đến 23% số nhân viên thư viện là cán bộ kiêm nhiệm nên chưa đáp ứng được hết công tác thư viện. Bởi vậy, ngoài sự quan tâm đầu tư của các trường học, rất cần có sự chung tay đóng góp của cộng đồng và phụ huynh học sinh, đưa các thư viện vào hoạt động hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều học sinh đến đọc sách báo, phát huy hiệu quả công tác dạy và học trong các nhà trường.

HOÀNG TÙNG