Thứ tư,  26/06/2024

Dấu ấn của sự hợp tác toàn diện

– Năm 2022, mặc dù tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng tỉnh Lạng Sơn đã đạt được kết quả quan trọng trong hoạt động hợp tác với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Đặc biệt, thông qua việc triển khai thực hiện các nội dung thông cáo chung tại hội nghị Gặp gỡ đầu Xuân 2022 và Hội nghị lần thứ 13 Ủy ban công tác liên hợp giữa 5 tỉnh – khu gồm: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã hợp tác toàn diện ở các lĩnh vực.


Đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự Hội nghị lần thứ 13 Ủy ban Công tác liên hợp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn (năm 2022) – Ảnh:  VŨ NHƯ PHONG

Đầu tiên phải nhắc đến là những kết quả tích cực trong hợp tác về y tế, đặc biệt là hợp tác phòng chống dịch COVID-19. Trong năm 2022, triển khai hoạt động này, tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ trong nội địa và khu vực biên giới. Trong đó, ngành y tế của hai địa phương của hai nước đã thiết lập, triển khai hiệu quả cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin và hợp tác về phòng, chống dịch bệnh.

Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thực hiện các chương trình hợp tác giữa hai tỉnh – khu, với nhiệm vụ được giao, Sở Y tế thường xuyên trao đổi, hội đàm với các ngành liên quan của Quảng Tây để từ đó thực hiện tham mưu triển khai thống nhất các biện pháp hợp tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, riêng ngành y tế đã hợp tác tăng cường năng lực y tế công cộng tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh quản lý kiểm dịch y tế. Một trong những kết quả nổi bật trong lĩnh vực hợp tác này, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện hiệu quả nội dung thỏa thuận về hợp tác xét nghiệm và điều trị COVID-19 cho người xuất cảnh sang Trung Quốc qua cửa khẩu của tỉnh.

Bên cạnh sự hợp tác chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, lĩnh vực hợp tác phát triển thương mại biên giới cũng được hai bên chú trọng triển khai thực hiện.

Theo đó, cụ thể hóa các nội dung được ký kết, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại khu vực cửa khẩu phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, kiểm soát, điều tiết phân luồng giao thông, thiết lập “vùng đệm” và “vùng xanh” an toàn dịch bệnh; kịp thời hội đàm, trao đổi với lực lượng chức năng của Quảng Tây để xây dựng phương thức giao nhận hàng hóa linh hoạt, bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa.

Ông Lê Văn Thắng, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Trong năm 2022, hai bên đã trao đổi, thống nhất thời gian làm việc chính thức tại cặp cửa khẩu song phương Chi Ma – Ái Điểm tăng thêm 1 giờ đồng hồ trong ngày so với năm 2021 và thực hiện quy trình để bổ sung cặp cửa khẩu này vào Phụ lục kèm theo Hiệp định về Cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc; phối hợp tuyên truyền đến các doanh nghiệp về mặt hàng dược liệu được phép xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu Chi Ma – Ái Điểm theo Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu đã được Chính phủ phê duyệt; trao đổi hội đàm, triển khai dự án mở rộng tuyến đường xuất nhập khẩu cửa khẩu song phương Chi Ma – Ái Điểm; trao đổi, tăng cường kiến nghị Quảng Tây hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng và thủ tục nội bộ để đưa đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Tân Thanh – Pò Chài qua khu vực mốc 1088/2 – 1089 đi vào vận hành chính thức; từ tháng 9/2022 thực hiện khôi phục lại hoạt động thông quan qua cửa khẩu Cốc Nam. Đặc biệt, từ cuối năm 2022 đến nay, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tích cực trao đổi với Quảng Tây để đề nghị sớm khôi phục lại hoạt động thông quan xuất nhập khẩu tại các cặp cửa khẩu phụ, qua đó, giúp nâng hiệu suất thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu của hai bên.

Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, những với sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, cơ quan của Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt 3.100 triệu USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 940 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 2.160 triệu USD. Xuất khẩu hàng hóa địa phương ước đạt 142 triệu USD, tăng 9% so với năm 2021. Đặc biệt, bắt đầu từ tháng 9/2022, sau hơn 3 năm tạm dừng, sản phẩm sầu siêng của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch với số lượng lớn qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn sang Quảng Tây, Trung Quốc. Trong năm 2022, hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hoá diễn ra thuận lợi, không bị ùn ứ tại cửa khẩu.

Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: Với nỗ lực của chính quyền và các cơ quan quản lý tại cửa khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh được duy trì ổn định. Cơ quan chức năng hai tỉnh – khu chú trọng trao đổi thông tin về kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, doanh nghiệp… nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác song phương trong thông quan hàng hóa, qua đó giúp giảm thiểu những phát sinh việc thông quan chậm và tồn đọng hàng tại khu cửa khẩu của hai bên. Riêng đối với cơ quan hải quan hai bên luôn triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo mọi hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thuận lợi, an toàn cho hàng hóa.


Lực lượng chức năng hai bên hội đàm tháo gỡ những vướng mắc trong xuất nhập khẩu hoa quả tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (tháng 6/2022)

Hợp tác về phát triển thương mại không chỉ dừng ở hoạt động thúc đẩy thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu. Năm 2022, thực hiện hợp tác về xúc tiến thương mại giữa hai bên, sau hơn 2 năm gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức thành công Hội chợ Thương mại quốc tế Việt – Trung năm 2022 với trên 200 gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc cùng tham gia, trong đó, ngay tại hội chợ đã có trên 20 hợp đồng kết nối tiêu thụ sản phẩm, cung cấp, bao tiêu sản phẩm giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc được ký kết.

Cùng với những lĩnh vực trên, việc hợp tác ở một số lĩnh vực khác cũng được chính quyền, sở ngành hai bên triển khai thực hiện có hiệu quả. Điển hình như trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, năm 2022, Lạng Sơn tiếp tục thúc đẩy hoạt động cử du học sinh theo học tại Trung Quốc; trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện tổ chức hội đàm trực tuyến với Chính phủ Nhân dân huyện Long Châu (Trung Quốc) để trao đổi học tập kinh nghiệm kỹ thuật trồng cây Mắc ca, mở rộng thị trường, liên kết tiêu thụ gắn với công nghệ chế biến, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm;…

Bên cạnh đó, lĩnh vực hợp tác quản lý biên giới, phòng chống tội phạm cũng được hai bên chú trọng. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1326/CT-TTg ngày 27/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các văn kiện biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc; nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ biên giới lãnh thổ, hợp tác phòng, chống dịch COVID-19 và phòng, chống tội phạm; giải quyết kịp thời các vụ việc trên biên giới.

Điểm qua một số kết quả trong công tác hợp tác giữa tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) – Quảng Tây (Trung Quốc) có thể thấy rằng, trong năm 2022, hai bên đã tiếp tục quán triệt toàn diện nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, phát huy hiệu quả vai trò định hướng của Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân và cơ chế Hội nghị lần thứ 13 Ủy ban công tác liên hợp, từ đó, thúc đẩy hợp tác, giao lưu đi vào chiều sâu, thiết thực, phát huy truyền thống hữu nghị, củng cố tin cậy chính trị.

Tiếp tục phát huy truyền thống hữu nghị tốt đẹp, hợp tác hiệu quả, tin rằng, tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác sẽ được thống nhất tại chương trình Gặp gỡ đầu xuân năm 2023 và Hội nghị lần thứ 14 Ủy ban Công tác liên hợp  giữa  các  tỉnh  Hà Giang, Quảng  Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) được tổ chức tại tỉnh Hà Giang tới đây. Từ đó, tiếp tục góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc nói chung, hai tỉnh – khu nói riêng, qua đó tiếp tục tạo thuận lợi cho giao thương hàng hoá xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, đảm bảo hài hoà lợi ích cùng phát triển, góp phần xây dựng, củng cố tình cảm hữu nghị, truyền thống vốn có giữa Nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

TRÍ DŨNG