Thứ sáu,  20/09/2024

Cần giải pháp gỡ khó trong khoanh vùng bảo vệ di tích

(LSO) – Khoanh vùng bảo vệ di tích được quy định tại Luật Di sản văn hóa đối với những di tích đã xếp hạng. Thực tế, tại Lạng Sơn còn có nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, cần có giải pháp tháo gỡ để bảo tồn nguyên trạng di tích cũng như quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Di tích hang Rộc Mạ, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2002. Tuy nhiên, việc công nhận chỉ là quyết định trên giấy tờ, không có hồ sơ bản đồ trích đo của di tích, trong khi đó, nhiều năm trước, các hộ dân sinh sống ngay trong khu vực của  di tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Bà Lương Thùy Nha, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Văn Quan cho biết: Để khoanh vùng, bảo vệ các di tích đã xếp hạng, chúng tôi phải rà soát xác định lại vị trí của di tích; phối hợp với các đơn vị liên quan để đo đạc, vẽ lại bản đồ di tích, sau đó giải quyết vướng mắc liên quan đến việc lập hồ sơ  và cuối cùng là hoàn thiện hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý… Đến thời điểm này, huyện mới có 4/12 di tích được khoanh vùng, bảo vệ và hoàn thiện hồ sơ cấp GCNQSDĐ.

Khu di tích Nhị – Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác khoanh vùng, bảo vệ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Cũng gặp phải những khó khăn tương tự như huyện Văn Quan, hiện nay, huyện Bắc Sơn có 16 di tích đã xếp hạng nhưng có đến 6 di tích vẫn chưa được khoanh vùng, bảo vệ. Nguyên nhân là do hầu hết các di tích này đều nằm trên diện tích đất đã được cấp GCNQSDĐ cho nhiều hộ dân. Bà Dương Hồng Hạnh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết: Muốn khoanh vùng bảo vệ di tích phải di dời người dân ra khỏi vùng quy hoạch, nghĩa là liên quan tới cơ chế chính sách, phương án giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và quỹ đất tái định cư cho người dân… Cho nên, một số di tích trên địa bàn huyện hiện nay vẫn chưa được khoanh vùng, bảo vệ.

Không riêng các di tích trên, công tác khoanh vùng bảo vệ di tích trên địa bàn tỉnh gặp phải rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau như: tình trạng di tích bị xâm lấn vẫn đang xảy ra (pháo đài Đồng Đăng, nhà bia Thủy Môn Đình, huyện Cao Lộc; Khu danh thắng Nhị – Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn…). Mặt khác, trước đây, khi xếp hạng các di tích chủ yếu chỉ khoanh vùng trên tổng thể và ước lượng nên tính chính xác không cao (lán Khau, chợ Háng Van, huyện Văn Lãng…), nhiều di tích hiện trạng đã bị thay đổi so với trước…

Nghị quyết số 25 ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo” nêu rõ: mục tiêu phấn đấu từ 60 đến 70% di tích đã xếp hạng các cấp được khoanh vùng, bảo vệ và cấp GCN QSDĐ. Tuy nhiên, đến nay, theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), trên địa bàn tỉnh có 128 di tích xếp hạng cấp tỉnh và cấp Quốc gia nhưng mới chỉ có 6 điểm, khu di tích được quy hoạch; 78 điểm, khu di tích được khoanh vùng bảo vệ; 34 điểm, khu di tích được cấp GCNQSDĐ (so với giai đoạn 2011 – 2015 tăng thêm 11 di tích), chiếm 26,6% tổng số di tích xếp hạng, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Trước những khó khăn đó, tại cuộc họp chuyên đề của UBND tỉnh diễn ra ngày 16/9/2020 về xem xét dự thảo Báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết 25, lãnh đạo các sở, ngành đã phát biểu nhiều ý kiến, tập trung gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ khoanh vùng, bảo vệ di tích như: cần đưa ra các chỉ tiêu cụ thể theo giai đoạn, theo năm trong  bảo vệ, khoanh vùng các di tích; khoanh vùng, bảo vệ di tích ngoài trách nhiệm của Sở VHTTDL còn cần sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành khác trong công tác đo đạc, khoanh vùng, bảo vệ…

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Để đẩy mạnh công tác khoanh vùng, bảo vệ và cấp GCN QSDĐ di tích, thời gian tới sở sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố khoanh vùng, đo vẽ và cấp GCNQSDĐ, để các di tích có sự chính danh trong công tác bảo tồn, từ đó thu hút các nhà đầu tư, phát triển du lịch. Đối với một số khó khăn như: di tích bị xâm lấn hoặc trong khu vực di tích có nhiều hộ dân sinh sống lâu đời đã được cấp GCNQSDĐ… đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn đất tái định cư cho bà con. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu thực hiện xây dựng một số đề án, dự án thành phần để bà con có sinh kế phục vụ khách du lịch tại chính các địa điểm di tích

“Để đẩy mạnh công tác khoanh vùng, bảo vệ và cấp GCNQSDĐ di tích, các cơ quan chuyên môn cần rà soát các điểm di tích, lập kế hoạch chi tiết, cụ thể. Sau khi có quy hoạch (nếu không lập quy hoạch thì thực hiện rà soát khoanh vùng) tổ chức việc cắm mốc ranh giới. Giao rõ trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân quản lý các di tích, đồng thời hoàn thiện các thủ tục pháp lý để cấp GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật “.                                                                       Ông Nguyễn Sỹ Tân, Giám đốc Sở Xây dựng
NGỌC HIẾU - TUYẾT MAI