Thứ sáu,  05/07/2024

Hàng loạt dự án chậm tiến độ do thiếu vốn, vướng mặt bằng

– Hiện nay hàng loạt dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư đang triển khai tại thành phố Lạng Sơn và các huyện bị chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư chưa bố trí đủ vốn để thực hiện chi trả các phương án bồi thường do các huyện thành phố phê duyệt.


Một góc Dự án Khu đô thị mới Diamond Park thuộc quy hoạch khu đô thị phía Đông thành phố Lạng Sơn

Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn tỉnh đang triển khai 26 dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư mới, sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư với tổng diện tích sử dụng đất 797,28 ha. Trong đó, thành phố Lạng Sơn có 13 dự án với diện tích sử dụng đất 437,03 ha; huyện Lộc Bình có 2 dự án với diện tích sử dụng đất 108,6 ha; huyện Cao Lộc có 4 dự án với diện tích 89,2 ha; huyện Chi Lăng có 2 dự án với diện tích 67,9 ha; Hữu Lũng có 2 dự án với diện tích 56,31 ha; Văn Quan có 1 dự án với diện tích 15,04 ha; Văn Lãng có 1 dự án với diện tích 8,5 ha và Đình Lập có 1 dự án với diện tích 14,7 ha. Hầu hết các dự án đều trong tình trạng chậm tiến độ.

Chậm chi trả bồi thường

Dự án Khu ở mới sinh thái sông Kỳ Cùng, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn nằm trong danh mục dự án trọng điểm của tỉnh năm 2023. Dự án có tổng diện tích sử dụng đất 9,47 ha, tổng mức đầu tư 363 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022 – 2024. Nhà đầu tư thực hiện dự án là liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Lạng Sơn và Công ty Cổ phần Đầu tư nhà Đất Việt; doanh nghiệp được thành lập để thực hiện dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Kỳ Cùng.

Từ giữa năm 2022, UBND thành phố Lạng Sơn bắt đầu thực hiện thống kê kiểm đếm và ban hành các thông báo thu hồi đất, đến nay, thành phố đã kiểm đếm được 63/80 hộ gia đình bị ảnh hưởng với diện tích đo đạc 5,52 ha. Trong tháng 5 và tháng 6/2023, UBND thành phố Lạng Sơn đã phê duyệt 2 phương án bồi thường cho 46 gia đình với tổng kinh phí hơn 14,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến giữa tháng 7/2023, doanh nghiệp vẫn chưa chuyển kinh phí để thành phố chi trả các phương án bồi thường đã phê duyệt. Vì vậy, đến nay dự án chưa thể khởi công xây dựng dù thời gian thực hiện chỉ còn 18 tháng.

Tương tự, tại Dự án Khu đô thị Bến Bắc, phường Tam Thanh, trong tháng 4/2023, UBND thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường cho 44 gia đình với tổng kinh phí là 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà đầu tư mới bố trí được 4,4 tỷ đồng; còn hơn 17,6 tỷ đồng nhà đầu tư vẫn chưa bố trí đủ để thành phố chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Ngọc Khiêm, Trưởng Ban Quản lý Dự án Khu đô thị mới Bến Bắc, thành phố Lạng Sơn (Công ty TNHH Sản xuất Lắp ráp Tuấn Nghĩa) thừa nhận: Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp cũng đã duy trì dòng tiền để triển khai dự án, tuy nhiên việc bố trí đủ kinh phí để chi trả phương án bồi thường đã phê duyệt theo đúng quy định hiện hành còn chậm. Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp đã xây dựng phương án huy động vốn thực hiện dự án và bảo đảm có đủ kinh phí, dòng tiền trong tài khoản của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố phục vụ chi trả đủ cho các hộ dân đến nhận tiền từ nay đến hết quý III/2023.

Không chỉ hai dự án nêu trên, một dự án khác đang triển khai trên địa bàn huyện Chi Lăng cũng xảy ra tình trạng chủ đầu tư, doanh nghiệp chậm bố trí kinh phí để chi trả các phương án bồi thường đã phê duyệt, như Dự án Khu đô thị mới phía Đông Nam thị trấn Đồng Mỏ.

Tính đến hết tháng 6/2023, UBND huyện Chi Lăng đã ban hành 45 quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư và 41 quyết định thu hồi đất cho 41 hộ với tổng số tiền là hơn 17 tỷ đồng. Nhưng đến nay, nhà đầu tư mới bố trí được hơn 8,6 tỷ đồng để chi trả cho 12 hộ gia đình bị ảnh hưởng và hỗ trợ di chuyển mộ cho 6 hộ.

Trong 3 dự án nêu trên chỉ có Dự án Khu đô thị mới Bến Bắc đã thực hiện khởi công và 2 dự án còn lại chưa thực hiện khởi công xây dựng công trình.

Vướng giải phóng mặt bằng

Trong 8 huyện, thành phố đang thực hiện 26 dự án xây dựng khu đô thị mới, khu ở mới đều phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Những vướng mắc tập trung ở các vấn đề như: người dân chưa đồng thuận trong thực hiện dự án, thắc mắc về giá bồi thường thấp, các hộ xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp đề nghị được tái định cư; khó khăn trong việc di chuyển mồ mả…

Ông Dương Công Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Mặc dù Thành uỷ, UBND thành phố và các phòng, ban đơn vị chuyên môn của thành phố đã vào cuộc quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố nhưng tiến độ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hầu hết các dự án khu đô thị chưa nhận được sự đồng thuận của người dân do đó thành phố phải mất rất nhiều thời gian thực hiện trình tự kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc. Nhiều gia đình đã được xem xét, giải quyết chế độ, chính sách theo quy định nhưng vẫn không bàn giao mặt bằng với lý do giá bồi thường thấp, đòi thoả thuận. Không những thế, việc di chuyển các ngôi mộ gặp nhiều khó khăn vừa do phong tục, tập quán vừa thiếu quỹ đất nghĩa trang tập trung dẫn đến nhiều dự án bị chậm kéo dài.

Không chỉ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, việc triển khai các dự án trên địa bàn huyện Cao Lộc cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhưng vẫn không thể cải thiện được tình trạng chậm tiến độ.

Điển hình như dự án Khu hành chính đô thị thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc là dự án trọng điểm của tỉnh năm 2023. Dự án được triển khai giải phóng mặt bằng từ năm 2022 với diện tích hơn 21,6 ha tại địa bàn thị trấn Đồng Đăng và xã Phú Xá, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2024. Đến nay, dự án mới kiểm đếm được khoảng 50% diện tích và chưa phê duyệt được phương án bồi thường do gặp nhiều vướng mắc. Điển hình là tình trạng có rất nhiều gia đình xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp; ranh giới sử dụng theo hiện trạng của các gia đình đã thay đổi hoàn toàn so với ranh giới thửa đất theo hồ sơ địa chính đã được cấp giấy chứng nhận; việc quy chủ thửa đất mất rất nhiều thời gian.

Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Tại Dự án Khu hành chính đô thị thị trấn Đồng Đăng, chỉ riêng việc rà soát quy chủ các thửa đất bảo đảm tính chính xác huyện đã mất khoảng 6 tháng để thực hiện. Để đẩy nhanh tiến độ, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ chấp hành các chủ trương về thu hồi bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án. Mục tiêu đặt ra là trong 6 tháng cuối năm 2023, UBND huyện sẽ phê duyệt chi trả được 50% diện tích.

Liên quan đến tình hình thực hiện các dự án khu đô thị bị chậm tiến độ do năng lực nhà đầu tư chưa bảo đảm, ông Nguyễn Duy Đông, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Khi đề xuất dự án và thực hiện đấu thầu dự án, hồ sơ năng lực của các nhà thầu đều bảo đảm theo quy định. Nhưng trong thời gian qua, do tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến tiềm lực của các nhà đầu tư. Để tham mưu UBND tỉnh trong việc thực hiện các dự án khu đô thị, khu dân cư mới theo đúng quy định của pháp luật, Sở Xây dựng đã bám sát diễn biến quá trình thực hiện các dự án của các nhà đầu tư để chấn chỉnh cũng như đôn đốc thực hiện dự án theo quy hoạch, quy định. Quan điểm là nhà đầu tư vi phạm hợp đồng thực hiện dự án sẽ xử lý và loại ra ngoài để lựa chọn nhà đầu tư khác.

Các dự án khu đô thị đã, đang triển khai trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất lớn để hình thành các đô thị có tính liên kết cao với các đô thị tỉnh bạn cũng như thực hiện sắp xếp lại dân cư đô thị các huyện, tạo không gian sống và dư địa phát triển mới. Vì thế, việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án phải được các nhà đầu tư cũng như UBND các huyện thực hiện quyết liệt hơn theo đúng hợp đồng đã ký kết. Trong đó, các nhà đầu tư phải bố trí đủ kinh phí, nguồn lực theo văn bản đã cam kết để chi trả các phương án đã phê duyệt; UBND các huyện tiếp tục vào cuộc quyết liệt trong việc kiểm đếm, phê duyệt phương án bồi thường theo quy định cũng như phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền.

TRANG NINH