Thứ tư,  03/07/2024

Xây dựng cầu giao thông nông thôn: Cần cơ chế đặc thù

– Theo thống kê, tính đến cuối tháng 8/2023, toàn tỉnh có 1.099 cầu giao thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng, cứng hoá từ nhiều nguồn lực khác nhau. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn trên 600 vị trí là cầu tre, cầu tạm và các ngầm qua suối chưa được xây dựng cầu.


Người dân xã Quan Sơn huyện Chi Lăng tham gia xây dựng cầu giao thông nông thôn

Trong thời gian qua, các vị trí cầu giao thông nông thôn trên các tuyến đường huyện, đường xã và trục thôn, trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn. Trong đó, riêng dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (dự án LRAMP) sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 toàn tỉnh đã được cứng hoá 74 cầu với tổng vốn hơn 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các huyện, các đơn vị, doanh nghiệp cũng ưu tiên nguồn lực hằng năm để hỗ trợ, xây dựng hàng trăm vị trí cầu giao thông nông thôn theo phương thức “nhà nước hỗ trợ, nhân dân tự làm”.

“Trên địa bàn huyện Bắc Sơn còn 160 vị trí cần xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, trong đó trên đường trục xã có 5 vị trí và trên đường trục thôn còn 155 vị trí. Số liệu này đã được UBND huyện gửi Sở Giao thông – Vận tải và huyện cũng đề xuất cơ chế hỗ trợ đầu tư theo phương án ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% và Nhân dân đóng góp cùng với các nguồn vốn hợp pháp khác đối ứng 30% để thực hiện. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đề nghị khi Sở Giao thông – Vận tải tham mưu UBND tỉnh về cơ chế chính sách để xây dựng cầu giao thông nông thôn cũng xem xét kỹ đặc thù từng khu vực, vị trí để có cơ chế hỗ trợ đầu tư hoặc đầu tư bảo đảm phù hợp, tính khả thi cao”.
Ông Lộc Quang Hoà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn

Điển hình như huyện Chi Lăng đã xây dựng đề án cứng hoá các vị trí cầu giao thông giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu hoàn thành xây dựng mới 24 cầu. Đến nay, huyện đã cứng hoá được 18/24 cầu với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều huyện khác cũng thực hiện hỗ trợ người dân xi măng, sắt thép, ống cống để cứng hoá cầu có quy mô nhỏ, kết cấu đơn giản phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất.

Theo  thống kê, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã cứng hoá được 1.099 cầu giao thông nông thôn.

Mặc dù số lượng cầu đã được cứng hoá là rất lớn và phát huy hiệu quả nhưng toàn tỉnh vẫn còn 668 vị trí chưa được đầu tư xây dựng cầu. Trong đó, có khoảng 170 vị trí cầu có chiều dài từ 50 – 120 m, phục vụ nhu cầu đi lại cho hai thôn trở lên với lưu lượng người qua lại từ 100 – 200 người/ngày; khoảng 516 vị trí cần đầu tư mới có quy mô chiều dài từ 5 – 30 m nằm trên các trục đường liên thôn, liên xóm.

Việc triển khai cứng hoá các vị trí cầu đang gặp nhiều khó khăn bởi các vị trí cần đầu tư đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhiều vị trí nằm ở vùng sâu, vùng xa.

Đình Lập là huyện luôn quan tâm cứng hoá các vị trí cầu giao thông phục vụ nhu cầu đi lại giao thương và phát triển kinh tế của nhân dân, nhưng số lượng cầu cần đầu tư mới còn rất lớn.

Đến tháng 8/2023, toàn huyện có 127 vị trí cầu, ngầm. Trong đó, từ năm 2010 đến nay, huyện đã cứng hoá được 59/127 vị trí cầu và số lượng cầu, ngầm cần đầu tư mới trong giai đoạn tiếp theo là 68 vị trí với tổng chiều dài khoảng 650 m, tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện huyện vẫn chưa xác định được nguồn vốn để đầu tư trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đắc Hưởng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đình Lập cho biết: Nhu cầu đầu tư cứng hoá các vị trí cầu để kết nối giao thông trên địa bàn là rất lớn và thiết thực. Tuy nhiên, việc xác định nguồn lực để đầu tư là vấn đề khá nan giải bởi cần nguồn vốn lớn, trong khi nguồn lực của huyện lại rất hạn hẹp. Do đó, huyện rất mong muốn tỉnh sớm có cơ chế riêng để hỗ trợ các huyện xây dựng, cứng hoá các vị trí cầu giao thông nông thôn trong thời gian tới.

Tại huyện Tràng Định, đây cũng là địa phương có nhiều vị trí cần xây mới cầu trên các tuyến đường trục thôn, ngõ, xóm. Tính đến tháng 8/2023, toàn huyện có 225 vị trí cầu. Trong đó, từ năm 2010 đến nay, huyện đã cứng hoá được 138 vị trí từ nguồn vốn các chương trình dự án và xã hội hoá, còn 87 vị trí cần đầu tư mới trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Nguyễn Như Bình, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tràng Định cho biết: Trong các vị trí cầu cần cứng hoá trong giai đoạn tiếp theo thì có tới 82 vị trí nằm trên đường trục thôn và 5 vị trí trên đường trục xã. Do huyện chưa chủ động được nguồn lực nên phòng đã tham mưu UBND huyện trước mắt ưu tiên vốn cứng hoá cầu trên đường trục xã để đảm bảo sự kết nối liền mạch. Đối với các vị trí trên tuyến đường trục thôn, ngõ xóm thì tiếp tục vận động người dân tự làm và phòng sẽ tiếp tục tham mưu huyện có văn bản kiến nghị UBND tỉnh có phương án hỗ trợ.

Không chỉ hai huyện nêu trên, nhiều huyện khác cũng gặp khó khăn tương tự trong việc bố trí kinh phí để cứng hoá các vị trí cầu.

“Trong những năm qua, huyện đã cố gắng bố trí nguồn lực để hỗ trợ các xã thực hiện cứng hoá các vị trí cầu giao thông nông thôn, cụ thể huyện đã hỗ trợ các xã xi măng, sắt thép để thực hiện cứng hoá được 94 vị trí cầu trên đường giao thông nông thôn với tổng giá trị thực hiện khoảng 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhu cầu cứng hoá các cầu trên địa bàn huyện còn tới 115 vị trí, trong đó có 1 vị trí trên đường trục xã và 114 vị trí trên đường trục thôn. Hiện nay, mỗi năm, huyện bố trí khoảng 200 triệu đồng để mua vật tư, hỗ trợ các xã thực hiện cứng hoá cầu. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ này là rất ít so với nhu cầu. Do đó, huyện mong muốn tỉnh sớm có cơ chế đặc thù để hỗ trợ cứng hoá cầu giao thông nông thôn giống như hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn”.

Bà Chu Thị Hải, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Bình Gia

Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Hiện nay, sở cũng đã thực hiện rà soát xong số liệu về nhu cầu cứng hoá các vị trí cầu giao thông nông thôn và báo cáo UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo phương án giải quyết trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, sở sẽ nghiên cứu xây dựng đề án xây dựng cầu giao thông nông thôn theo giai đoạn và đề xuất cơ chế hỗ trợ phù hợp để các huyện, xã thực hiện cứng hoá các vị trí cầu đảm bảo mục tiêu đề ra.

Cứng hoá các vị trí cầu trên đường giao thông nông thôn để kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển sản xuất là yêu cầu thiết thực từ cơ sở. Do đó, để hoàn thành cứng hoá các vị trí cầu trên các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và người dân. Trong đó, các ngành chức năng phối hợp xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp và nhân dân sẵn sàng hiến đất và đối ứng nguồn lực, có như vậy, việc xoá các vị trí giao thông khó khăn trên địa bàn tỉnh mới mong sớm được hoàn thành.

TRANG NINH