Thứ tư,  18/09/2024

Khoanh vùng bảo vệ di tích: Cách làm ở Văn Lãng

(LSO) – Để quản lý đất đai của di tích theo Luật Di sản Văn hóa và tránh việc di tích bị xâm hại, thời gian qua, UBND huyện Văn Lãng đã có những việc làm thiết thực trong công tác khoanh vùng bảo vệ các di tích đã xếp hạng, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích.

Văn Lãng hiện có 43 di tích, trong đó có 9 di tích đã được xếp hạng ( gồm 1 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 8 di tích được xếp hạng cấp tỉnh). Bà Đặng Thị Hiền, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin (VH-TT) huyện Văn Lãng cho biết: Nhằm thực hiện tốt Luật Di sản và Nghị quyết 25/NQ-TU ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy  về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020, phòng VH-TT huyện đã xây dựng kế hoạch, văn bản tham mưu các giải pháp cụ thể cho UBND huyện Văn Lãng trong việc bảo vệ, quản lý di tích như: thành lập ban quản lý di tích và phân cấp quản lý di tích; ban hành quy chế quản lý hoạt động đền, chùa và các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn; ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp kiểm tra đo đạc, khoanh vùng đất di tích đã xếp hạng, đề nghị cấp trên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đủ điều kiện, …

Di tích chùa Thanh Hương, xã Tân Mỹ được hoàn thiện hồ sơ trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo đó, từ cuối năm 2017 Phòng VH-TT đã chủ động phối hợp với Phòng Tài Nguyên – Môi trường và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của tỉnh kiểm tra, đo đạc các di tích đã được xếp hạng. Công tác tiến hành khoanh vùng bảo vệ di tích được kết hợp lồng ghép đồng thời với việc đo đạc, đánh giá để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà văn hóa xã đạt chuẩn trong xây dựng nông thôn mới.

Ngoài những lợi thế khách quan như: các di tích nằm trên địa hình bằng phẳng, giao thông thuận lợi, không có tranh chấp đất đai với các hộ dân, còn một yếu tố thuận lợi nữa đến từ phía các cán bộ chuyên môn phụ trách công việc, đó chính là sự linh hoạt, chủ động trong khoanh vùng và đo đạc các di tích đã xếp hạng trên địa bàn huyện. Bởi cứ đến địa bàn xã nào sau khi thực hiện đo đạc, khoanh vùng, vẽ bản đồ di tích xong, các đơn vị sẽ thực hiện ngay việc tiến hành đo đạc, đánh giá hiện trạng tại nhà văn hóa trên địa bàn xã đó. Do vậy, đã giúp tiết kiệm được thời gian, kinh phí và đạt hiệu quả cao trong công việc.

Mặt khác, trong số 9 di tích được xếp hạng, một số di tích đã có bản đồ khoanh vùng và được đánh dấu trên bản đồ địa chính của huyện như: di tích Quốc gia Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (xã Hoàng Văn Thụ); các di tích xếp hạng cấp tỉnh như: đền hai bà Trưng (thị trấn Na Sầm), chùa Thanh Hương (xã Tân Mỹ), các di tích này sẽ được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu kỹ lưỡng trên bản đồ địa chính trước khi ra thực địa, vậy nên khi tiến hành công việc đo đạc, khoanh vùng đối với các di tích này đã phần nào rút ngắn được thời gian mà vẫn đảm bảo về chất lượng công việc.

Đối với một số di tích đã xếp hạng còn lại những khó khăn nhất định. Bởi theo quy định của Luật Di sản Văn hóa thì một di tích được xếp hạng có hai khu vực cần phải được bảo vệ. Trong đó, khu vực bảo vệ 1 là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích và được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng lẫn không gian. Khu vực bảo vệ 2 là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp với khu vực bảo vệ 1…

Qua thực tế cho thấy, có một số di tích đã xếp hạng ở Văn Lãng  hiện nay chỉ còn khu vực 1, đặc biệt ranh giới các di tích để ngăn cách với xung quanh hầu như không có, ngay gần sát di tích là nhà dân đã sinh sống lâu năm, đáng chú ý không gian di tích nằm trong khu vực người dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điển hình là 2 di tích: lán Khau  Bay (xã Hoàng Văn Thụ) và chợ Háng Van (xã Hội Hoan).

Để giải quyết tình trạng này, bà Đặng Thị Hiền cho biết thêm: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Phòng VH-TT tiếp tục tăng cường tuyên truyền về Luật Di sản đến từng người dân, đồng thời phối hợp với ban quản lý di tích cấp xã sẽ mở cuộc họp thống nhất với các hộ dân tại các di tích nằm trên đất đã được cấp “sổ đỏ” cho người dân; đặc biệt xác định rõ về trách nhiệm, cách thức quản lý, bảo vệ di tích trong khu vực đất đai thuộc sở hữu của người dân đó. Cùng với đó, phòng cũng sẽ xây dựng cam kết bắt buộc thực hiện một số nội dung đối với các hộ dân sinh sống trong khu vực di tích.

Nhờ sự chủ động trong công tác triển khai thực hiện, đến nay, Văn Lãng đã và đang hoàn thiện việc khoanh vùng bảo vệ cho toàn bộ số di tích đã được xếp hạng trên địa bàn. Được biết, trong năm 2018, Văn Lãng là huyện duy nhất trên địa bàn tỉnh  hoàn thiện hồ sơ cho 5/9 di tích được xếp hạng, dự kiến sẽ trình UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích này trong năm nay.

TUYẾT MAI