Thứ sáu,  20/09/2024

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các lễ hội truyền thống

(LSO) – Toàn tỉnh hiện có 340 lễ hội lớn, nhỏ, được tổ chức chủ yếu vào mùa xuân. Trong đó, có hơn 200 lễ hội lồng tồng (hội cầu mùa), còn lại là các lễ hội gắn với di tích tín ngưỡng, lễ hội lịch sử cách mạng. Nét đặc sắc của các lễ hội truyền thống ở Lạng Sơn là tính cộng đồng cao, lễ và hội, ẩm thực là ba thành tố không thể tách rời. Điều này thể hiện rõ nét nhất qua các lễ hội lồng tồng, lễ hội truyền thống của nền văn minh nông nghiệp lúa nước.

Lễ tế thần Nông trước khi cày tịch điền của người dân tại lễ hội Lồng tồng làng Khòn Lèng, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn

Có mặt tại lễ hội lồng tồng làng Khòn Lèng, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn ngày 16 tháng Giêng vừa qua, chứng kiến không khí náo nức, vui tươi của người dân, chúng tôi cảm nhận rõ nét đặc sắc của lễ hội và sự gắn kết trong cộng đồng. Ông Hoàng Minh Thắng, chủ tế của lễ hội lồng tồng làng Khòn Lèng cho biết: Lễ hội có 2 phần chính là tế Thần Nông và phần hội. Khi các mâm cỗ bày xong, người dân tập trung đông đủ, người chủ tế sẽ đứng ra làm lễ tế Thần Nông, cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an. Sau lễ tế, các đội múa sư tử sẽ đến chào từng “mâm tồng” chúc cho gia chủ của mâm đó một năm an khang thịnh vượng… Quan trọng không thể thiếu trong nghi lễ của hội lồng tồng là lễ tịch điền, ngày xưa nghi lễ thường được bà con mở đầu bằng việc dùng trâu thực hiện đường cày, tuy nhiên, thời hiện đại, đường cày được sử dụng bằng máy cày để mở đầu cho một mùa vụ bội thu trong năm mới. Nghi lễ kết thúc sẽ là phần hội, với những tiếng hát then, sli quyện với tiếng đàn tính và các trò chơi dân gian truyền thống như: múa võ, múa sư tử, tung còn, kéo co…

Hiện nay, hầu như khắp các vùng quê của Xứ Lạng đều có hội lồng tồng. Về cơ bản phần nghi lễ của lễ hội được thực hiện theo các trình tự giống nhau, tuy nhiên, ở mỗi vùng quê phần hội lại diễn ra với những nét đặc sắc riêng.

Khác với các lễ hội lồng tồng, những lễ hội truyền thống gắn với di tích tín ngưỡng như: đền Kỳ Cùng – Tả Phủ, đền Mẫu Đồng Đăng, đền Vua Lê, chùa Tam Thanh, chùa Tiên,… lại mang đậm nét giao lưu, tiếp xúc văn hóa các vùng miền, giao thương với bạn hàng. Ngày hội ở đây không chỉ là dịp để tri ân các anh hùng dân tộc, các bậc tiền bối đã có công dựng nước và giữ nước, mà còn là dịp để người dân tri ân với bạn hàng. Vì vậy, các phường hội, xóm làng, liên gia bao giờ cũng sắp cỗ để mời khách. Những cửa hàng trong ngày hội đều biến thành nơi giao lưu, ẩm thực.

Lễ tịch điền của người dân tại lễ hội Lồng tồng làng Khòn Lèng, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn

Mỗi lễ hội truyền thống ở Lạng Sơn đều có dấu ấn văn hóa riêng. Tuy nhiên qua thời gian, không ít lễ hội đã bị mai một. Do đó để bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của các lễ hội, từ năm 1998 đến nay, UBND tỉnh đã thực hiện bảo tồn 29 hạng mục nghiên cứu, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể và lễ hội với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Cụ thể như phục dựng lễ hội đình Cao Sơn (Hữu Lũng); lễ hội Háng Ví (Chi Lăng); lễ hội Nàng Hai (Tràng Định)… và bảo tồn, phục dựng một số lễ hội tại các điểm di tích lịch sử, di tích cách mạng. Nhờ đó đã đáp ứng phần nào về gìn giữ bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.

Trong dòng chảy hội nhập hiện nay, nhu cầu tổ chức lễ hội đã lan tỏa ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là loại hình lễ hội văn hóa du lịch. Vì thế, những năm gần đây, khi vào mùa lễ hội, UBND tỉnh tổ chức khai mạc Lễ hội xuân Xứ Lạng (sự kiện mở đầu cho mùa lễ hội của tỉnh) gắn với lễ hội đặc sắc tại một điểm di tích trên địa bàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo 11 huyện, thành phố chọn 1 lễ hội điểm để tổ chức khai mạc tại địa bàn. Theo đó, quy mô các lễ hội ngày càng mở rộng, cùng nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc được lưu giữ, phát huy đã tạo nên sức hút trong hành trình du xuân, trẩy hội của du khách khi tới Lạng Sơn.

Hiện nay, các lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh đều thực hiện đúng quy chế, quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành theo tinh thần bảo đảm tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, lành mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở một số địa bàn trong tỉnh vẫn còn hạn chế như: tình trạng lấn chiếm di tích, mở hàng quán, dịch vụ lộn xộn, mất vệ sinh môi trường…

Để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động lễ hội, ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở cho biết: Trước khi bước vào mùa lễ hội, sở ban hành các công văn chỉ đạo, hướng dẫn quản lý các hoạt động lễ hội đến từng địa phương. Đặc biệt, trong quá trình diễn ra lễ hội, ban tổ chức lễ hội thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an ninh trật tự để lễ hội trở thành ngày hội thực sự của người dân. Với chủ trương phân cấp lễ hội, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm vừa mang yếu tố truyền thống, trang nghiêm. Theo đó, đối với các lễ hội điểm thu hút đông người do cấp huyện quản lý, các huyện phải xây dựng kế hoạch, thống nhất nội dung với Sở VHTTDL và xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Còn lại các lễ hội do xã quản lý, cần xây dựng kế hoạch, báo cáo cấp huyện. Nếu lễ hội nào để xảy ra sai sót, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm…

TUYẾT MAI – DƯƠNG DUYÊN