Thứ sáu,  20/09/2024

Cao Lộc: Bảo tồn và phát huy các điệu múa sư tử mèo

(LSO) – Hiện nay, huyện Cao Lộc còn lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Trong đó, nổi bật là các điệu múa sư tử mèo, di sản mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Tày, Nùng.

Nghệ nhân Nông Văn Hiện, thôn Hợp Tân, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc chia sẻ: Từ bao đời nay, bà con dân tộc Tày, Nùng huyện Cao Lộc đã yêu thích múa sư tử. Thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau các điệu múa. Bản thân tôi cũng học được cách múa, kinh nghiệm biểu diễn của cha ông truyền lại, bây giờ, tôi tiếp tục truyền dạy lại cho các con, các cháu.

Để múa sư tử mèo, người múa phải chuẩn bị những đạo cụ như: đầu sư tử; mặt báo đông (hay còn gọi là nả lình); chiêng (là), chũm chọe (xụp xè); đinh ba chạc (sam xa), gậy, đoản đao (pàn tao), kiếm… Tùy vào không gian, địa điểm, yêu cầu múa sư tử mèo có nhiều nghi thức, điệu múa và các trò diễn như: múa chào thần thánh; múa chúc mừng năm mới (pái lờn); múa đi đường, múa tại lễ hội và các trò diễn như: báo đông, trò vui của khỉ, múa võ (oóc quyền)… Người múa sư tử phải nhanh nhẹn, có đủ sức khỏe để biểu diễn những động tác nhào lộn, nhảy cao, nhảy qua bàn, nhảy qua vòng lửa, trồng cây chuối… Múa sư tử mèo thể hiện tinh thần thượng võ và mang ý nghĩa là biểu tượng của sự may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.

Đội múa sư tử mèo xã Gia Cát, huyện Cao Lộc biểu diễn tại lễ hội chùa Bắc Nga

Trên địa bàn huyện Cao Lộc hiện có 30 đội múa sư tử mèo với trên 200 thành viên, phân bố tại 8/23 xã gồm: Hải Yến, Gia Cát, Lộc Yên, Cao Lâu, Thạch Đạn, Hòa Cư, Tân Liên, Song Giáp. Để duy trì hoạt động, người dân đóng góp tiền đầu tư trang phục và dụng cụ biểu diễn cho các đội múa. Đặc biệt, đầu sư tử được người dân tự làm bằng nhiều nguyên liệu sẵn có, khuôn mặt mỗi con sư tử được trang hoàng sặc sỡ và đều mang một sắc thái riêng. Khi vào mùa lễ hội, các đội sư tử thường đến các bản, làng cùng trình diễn tạo không khí lễ hội thêm tươi vui phấn khởi.

Không chỉ biểu diễn trong phạm vi xã, huyện, một số đội múa sư tử mèo của huyện Cao Lộc còn tham gia biểu diễn tại các chương trình lớn trong và ngoài tỉnh, như: tham gia Lễ hội hoa Đào; Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) của tỉnh lần I,II,III; Tuần VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc tại Quảng Ninh; biểu diễn tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam; giao lưu biểu diễn tại các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Ninh, Bắc Giang… Từ năm 2017 đến nay, các đội múa sư tử mèo của huyện đã tổ chức trên 200 cuộc biểu diễn, giao lưu lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh và nhận được nhiều giấy khen của các cấp, các ngành.

Điều đáng ghi nhận của nghệ thuật múa sư tử mèo ở Cao Lộc, đó là niềm say mê đối với di sản văn hóa truyền thống vẫn lan truyền trong thế hệ trẻ. Hiện nay, tại các trường tiểu học như: Cao Lâu, Hải Yến, Thạch Đạn và Hòa Cư… đã có 4 câu lạc bộ múa sư tử mèo được thành lập với thành viên là 20 học sinh. Sau khi được học ở nhà trường, các em đã mạnh dạn tham gia biểu diễn tại các chương trình của xã, huyện.

Bà Hoàng Mai Dung, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Năm 2017, múa sư tử mèo của dân tộc Tày, Nùng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Để các điệu múa sư tử ngày một phát triển, hằng năm, chúng tôi đặc biệt quan tâm, khuyến khích người dân thành lập các đội múa tại cơ sở. Cùng đó, chúng tôi phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục mở các lớp truyền dạy múa sư tử tại địa bàn. Đồng thời tạo những sân chơi, giao lưu, biểu diễn cho các đội múa sư tử nhân các lễ hội lớn của huyện. Đặc biệt, từ năm 2019, chúng tôi đã tổ chức hội thi dành riêng cho các đội múa sư tử mèo trên địa bàn huyện và sẽ duy trì hội thi trong những năm tiếp theo.

TUYẾT MAI