Thứ sáu,  20/09/2024
Xã hội hóa tôn tạo, phục dựng di tích:

Hiệu quả ở Đình Lập

LSO-Thời gian qua, huyện Đình Lập đã thực hiện hiệu quả công tác quản lý, phát huy các giá trị di tích cũng như xã hội hóa trong việc tu bổ, tôn tạo, phục dựng di tích trên địa bàn.


Năm 2018, di tích lịch sử – cách mạng Nhà Cao phố Cũ, thị trấn Đình Lập
được tôn tạo, hiện đang được hoàn thiện những hạng mục cuối

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đình Lập có 6 di tích gồm: 4 di tích lịch sử – văn hóa, 2 di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 4 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh. Công tác quản lý các di tích trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện, tạo điều kiện cho ban quản lý các di tích hoạt động đi vào nền nếp, có hiệu quả. Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo tổ chức kiểm tra, đánh giá, thống kê lại tài sản thuộc các di tích, đồng thời tăng cường trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá theo đúng quy định.

Để thực hiện hiệu quả công tác trùng tu, tôn tạo di tích, phòng chức năng đã tham mưu cho huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia. Theo đó, công tác tuyên truyền về trùng tu, tôn tạo, bảo vệ, phát huy các giá trị di tích trên địa bàn đã được các phòng, ban, đoàn thể huyện phối hợp tổ chức và lồng ghép thông qua các cuộc họp của xã, thị trấn và các khu dân cư.

Nổi bật trong công tác xã hội hóa, năm 2018, UBND huyện Đình Lập đã vận động nhân dân hưởng ứng, quyên góp để tôn tạo, phục dựng  di tích. Tiêu biểu như Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện đến mỗi cán bộ, công nhân viên chức, người lao động (CB, CNVC, NLĐ) đóng góp 1 ngày lương, để xây dựng đình Háng Slấp (thị trấn Đình Lập).

Ông Lê Văn Lý, Chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết: Từ tháng 5/2018, UBND huyện giao cho LĐLĐ huyện phát động phong trào CB, CNVC, NLĐ trên địa bàn ủng hộ 1 ngày lương; hết năm 2018, CB, CNVC, NLĐ của huyện đã ủng hộ, đóng góp được 182 triệu đồng.

Cùng với đó, thực hiện chủ trương của huyện, MTTQ thị trấn Đình Lập đã phát động người dân đóng góp kinh phí để tôn tạo, phục dựng di tích trên địa bàn với số tiền 200 nghìn đồng/hộ trở lên. Đến nay, số tiền do các hộ dân ủng hộ đã được khoảng 200 triệu đồng. Đáng chú ý, để góp sức phục dựng di tích, một số gia đình trên địa bàn huyện còn hiến hàng trăm mét vuông đất nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Điển hình như ông Mã Xuân Việt, xã Đình Lập đã hiến 922,7 m2 đất để góp sức phục dựng di tích đình Tà Hón…

Hiện nay, hầu hết các di tích trên địa bàn huyện đều lưu giữ giá trị truyền thống đảm bảo mỹ quan, an toàn cho nhân dân sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng; một số di tích xuống cấp đã và đang được ban quản lý di tích và nhân dân quyên góp xây dựng, tu bổ kịp thời như: đình Tà Hón (xã Đình Lập), đình Pò Háng (xã Bính Xá), đình Háng Slấp (thị trấn Đình Lập)… Từ năm 2018 đến nay, huyện đã và đang xây dựng, tôn tạo được 5 di tích với kinh phí từ nguồn ngân sách và xã hội hóa khoảng 3,1 tỷ đồng.

Nhờ thực hiện tốt việc xã hội hóa trong công tác tôn tạo, trùng tu, phục dựng di tích nên các di tích trên địa bàn huyện đã đảm bảo được yêu cầu về cơ sở vật chất đối với các di tích, qua đó phát huy giá trị của di tích. Cùng với đó, thời gian qua, huyện cũng đã thực hiện hiệu quả công tác quản lý, khoanh vùng và lập hồ sơ cho 3 di tích xếp hạng cấp tỉnh gồm: di tích lịch sử cách mạng Nhà Cao phố Cũ, đình Háng Slấp (thị trấn Đình Lập) và đình Đông Quất (xã Cường Lợi).

Ông Hoàng Văn Quân, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đình Lập cho biết: Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa, qua đó, huy động nguồn lực từ nhân dân và cộng đồng để thực hiện hiệu quả công tác tu bổ, trùng tu, phục dựng di tích, đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh, du lịch của nhân dân trên địa bàn.

 TUYẾT MAI