Thứ sáu,  20/09/2024

Di tích 500 năm “được” phun sơn công nghiệp

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết, đình Văn Xá (xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) – di tích Quốc gia – vừa “được trùng tu” bằng cách phun sơn công nghiệp màu đỏ chói lên một số các cấu kiện gỗ có từ cách đây khoảng 500 năm. Ngoài ra, một cặp rắn thờ mới được đưa vào đình, phá hỏng không gian thờ tự vốn cổ kính trang nghiêm của đình.

Di tích 500 năm

Cấu kiện gỗ đã bị sơn đỏ và nguyên bản trước đây. 

 

Đình Văn Xá thuộc thôn Văn Xá, xã Đức Lý, là ngôi đình có niên đại sớm nhất ở Hà Nam còn lại đến nay (từ thời Hậu Lê). Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam, đình Văn Xá là một trong số rất ít những ngôi đình được xếp hạng Di tích Quốc gia đợt đầu tiên (năm 1962), đến nay đã gần 60 năm.

Các cấu kiện gỗ được phun sơn công nghiệp. 

Đình Văn Xá thờ nhị vị Thủy tề Long vương cùng song thân. Đình gồm hai toà tám gian, tiền đường năm gian, hậu cung ba gian được kiến trúc theo kiểu chữ nhị. Toà tiền đường được làm theo phong cách thời Hậu Lê, mái đình cong, thấp, lợp bằng ngói mũi hài loại lớn nặng từ 9–11kg, mũi ngói được trang trí hình lá đề cách điệu. Hệ thống cột lớn được làm theo kiểu búp đòng, chân cột đặt trên đá tảng rộng 1m. Các vì kẻ được chạm khắc công phu với nhiều đề tài khác nhau như rồng chầu, long giáo tử, hổ ghé vai đỡ lá đao. Hậu cung mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn theo kiểu chồng rường, các cột cái đều đặt trên hệ thống tảng đá xanh, có chạm hoa văn tròn đều theo chu vi chân cột. Đình còn giữ được nhiều đồ thờ tự có giá trị như ngai thờ hai vị thần rắn, hương án cổ thời Hậu Lê, cỗ kiệu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17–18, sập thờ, bia ghi lại sự tích thần, khay thờ và 30 đạo sắc phong của các đời.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hoài Nam, ông cùng các đồng nghiệp đã nhiều lần về thăm đình, gần nhất cách đây hai năm, lúc bấy giờ ngôi đình còn giữ được khá nhiều cấu kiện gốc, đặc biệt là chiếc khay thờ, có niên đại rất sớm, mang phong cách nghệ thuật thời Mạc, có thể coi là độc nhất vô nhị ở Việt Nam, xứng đáng xếp hạng Bảo vật Quốc gia. Tuy nhiên, chiếc khay thờ này hiện nay đã không cánh mà bay.

Về chiếc khay thờ này, TS Nguyễn Hồng Kiên cho biết, đây là di vật quý nhất, có phong cách nghệ thuật Mạc (thế kỷ 16-đầu thế kỷ 17).

Khay thờ

 

Về ngôi đình Văn Xá, TS Nguyễn Hồng Kiên cho biết: “Đình làng Văn Xá là ngôi đình nổi tiếng, có giá trị lớn về kiến trúc và điêu khắc, không chỉ của riêng tỉnh Hà Nam, nên đã được xếp hạng bảo vệ ngay từ đợt đầu tiên năm 1962. Không có niên đại cụ thể về năm dựng đình khắc trên cấu kiện gỗ, nhưng nghệ thuật điêu khắc của phần lớn các mảng chạm ở đây thuộc phong cách nghệ thuật thế kỷ 17. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ hơn các trang trí ở Đại đình có thể phân tách thêm về một phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 17-đầu thế kỷ 18…”

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết, việc phun sơn đỏ lên các cấu kiện gỗ chạm của đình không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ, mỹ thuật của đình, mà độ bóng của sơn còn xóa mất khối điêu khắc, chạm trổ tuyệt đẹp trên các cấu kiện gỗ này. “Trước đây, các cụ cũng có sơn, nhưng màu rất trầm và nhẹ nhàng, để làm nổi khối chạm khắc. Việc phun sơn bóng này cũng không khác gì việc phủ bóng trên bề mặt bức tranh Bảo vật Quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của cụ Nguyễn Gia Trí ở Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh vừa qua, nghĩa là làm mất đi hồn phách và tính nguyên gốc của mảng chạm” – nhà nghiên cứu nói.

Cặp rắn mới được đưa vào đình. 

Các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi, việc tùy tiện tu sửa, phun sơn và đưa vật thờ lạ vào đình như thế này đã được xin phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa, bởi đây là di tích xếp hạng cấp Quốc gia, và việc trùng tu phải được Bộ đồng ý.

Các nhà nghiên cứu cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý ở Hà Nam đối với việc di tích cấp Quốc gia bị xâm hại và mất di vật.

Những bài học về trùng tu, quản lý di sản liên tục trong thời gian gần đây đã trở nên không mới mẻ gì. “Di sản đình, đền, chùa làng đang đứng trước nhiều nguy hiểm, mà nguy hiểm lớn nhất: người được giao quản lý di sản lại không hiểu biết về di sản” – nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình nhận xét. Câu chuyện bê tông hóa đình cổ Lương Xá (Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn còn chưa ráo mực.

Theo Nhandan