Thứ sáu,  20/09/2024

Mai một tục hát quan làng của dân tộc Tày

LSO-Quan làng là một trong những lối hát truyền thống của đồng bào Tày ở Lạng Sơn. Trước đây, tục hát này rất phổ biến và tất cả lễ cưới của người Tày đều phải có. Hiện nay, do nhiều yếu tố khách quan tác động đã khiến tục hát quan làng và các phong tục truyền thống trong đám cưới của dân tộc Tày đứng trước nguy cơ mai một.


Nghệ nhân Hoàng Văn Thạch trăn trở trước sự mai một
tục hát quan làng của người Tày

Hát quan làng được thực hiện trong đám cưới truyền thống của người Tày, với hệ thống các bài thơ, bài hát được chia thành các cung đoạn cụ thể. Những người hát quan làng (tiếng Tày gọi là pú quan làng) chủ yếu là đàn ông và là người đứng tuổi, phải có vợ. Ông quan làng phải là những người khéo giao tiếp, hát hay để thay mặt họ nhà trai mang trầu cau đến nhà gái từ việc dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ cho ngày cưới đến khi đón dâu về mới xong công việc.

Ông Hoàng Tuấn Cư, dân tộc Tày, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan –  người dành nhiều năm tìm hiểu về tục hát quan làng cho biết: “Hát quan làng rất phổ biến ở người Tày từ khoảng những năm 70 của thế kỷ trước. Đây là lối hát dựa theo các điển tích văn học Trung Quốc để nói lên tình cảm gắn bó vợ chồng, nhớ ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ hai bên,… Vùng Khánh Khê – Văn Quan gọi tục hát này là văn nghệ trâu trần”.

Tục hát quan làng thường được chia làm 3 cung đoạn: đón (nhà trai đến xin dâu), nộp (trong lúc nhà gái nộp dâu), đưa (nhà trai đưa dâu về). Mỗi bài hát đều mang ý tứ, ứng xử của cả hai bên gia đình trai gái. Khi thực hiện các nghi lễ để đón rước dâu, người hát quan làng đều phải hát để nhà gái nghe thuận tai và cho công việc được thực hiện đúng trình tự. Nhà gái cũng sẽ đáp lại để tạo không khí vui vẻ. Trong hát quan làng không có đạo cụ kèm theo mà chủ yếu là những lời đối đáp mộc mạc nhưng đầy tình ý của ông quan làng.

Ông Nông Văn Đức, dân tộc Tày, 73 tuổi, thôn Khuổi Mươi, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc cho biết: “Thời chúng tôi, lúc tôi lấy vợ, mặc dù kinh tế còn khó khăn nhưng đám cưới của vợ chồng tôi đầy đủ những nghi thức, phong tục đặc trưng của dân tộc, trong đó có hát quan làng”.

Những năm trở lại đây, tục hát quan làng đã không còn thấy xuất hiện ở các đám cưới của đồng bào dân tộc Tày. Số lượng người biết hát ngày càng hiếm, tập trung ở các cụ cao niên, thế hệ trung niên trở lại đây đều không biết hát. Hiện nay, các gia đình người Tày tổ chức đám cưới đều theo lễ nghi của người Kinh, thuê âm thanh, máy móc hiện đại, sử dụng các bài hát phổ thông. Thêm vào đó, để hát được quan làng đòi hỏi người hát phải biết tiếng Tày và nắm được thuần thục các câu hát, thế hệ trẻ hiện nay thì lại rất ít người có thể sử dụng được ngôn ngữ Tày. Do vậy, tục hát quan làng  không còn phổ biến và đứng trước nguy cơ mai một. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay chỉ còn khoảng hơn 40 người biết hát quan làng, họ đều đã cao tuổi và không có truyền nhân kế cận.

Nghệ nhân Hoàng Văn Thạch, dân tộc Tày, 70 tuổi, ở thôn Quán Hồ, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: “Tôi bắt đầu học và biết hát quan làng từ năm 21 tuổi. Hiện nay, tôi thường xuyên được mời đi hát quan làng ở các hội diễn, các chương trình dân ca truyền thống trong và ngoài tỉnh. Tôi rất mong hát quan làng được khôi phục và phổ biến trở lại, nếu có người thích học, tôi sẽ truyền lại vì đây là truyền thống của ông cha chúng tôi, mất đi thì buồn lắm”.

Nhạc sỹ Hoàng Huy Ấm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo tồn Dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Hát quan làng rất dễ đi vào lòng người, dễ nghe dễ hiểu. Những năm qua, hội bảo tồn dân ca tỉnh luôn lồng ghép các trích đoạn quan làng mỗi khi đi giao lưu biểu diễn ở các địa phương. Để tục hát này không bị mai một, rất cần sự vào cuộc của cả chính quyền và người dân trong việc quan tâm gìn giữ, bảo tồn”.

Mong rằng trong thời gian tới, bên cạnh việc chú trọng bảo tồn các loại hình văn hóa khác của người Tày thì các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành văn hóa Lạng Sơn sẽ có những phương án sưu tầm, tập hợp tư liệu và sách cổ về hát quan làng đang được lưu giữ trong nhân dân để tục hát quan làng được hồi sinh và được nhiều người biết đến hơn nữa.

 HOÀNG HIẾU