Thứ sáu,  20/09/2024

Giới trẻ thờ ơ với đọc sách

(LSO) – Đọc sách là cách tự trau dồi, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho mỗi người, là con đường tốt nhất để hình thành nhân cách, hướng tới chân, thiện, mĩ của cuộc sống. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, nhiều người, nhất là bộ phận giới trẻ quên đi giá trị và không còn hứng thú với việc đọc sách.

Khoảng vài chục năm về trước, việc đọc sách trở thành thói quen của nhiều người, trong đó có lứa tuổi học trò và lớp thanh niên. Ông Hoàng Văn Tâm, đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn năm nay đã ngoài 70 tuổi chia sẻ: Thời chúng tôi ngày xưa, ngoài giờ đến lớp thì về nhà làm bạn với sách. Hồi đấy có vài quyển sách lịch sử, văn học là quý lắm, chúng tôi nâng niu, nghiền ngẫm để tích lũy kiến thức. Thế hệ trẻ ngày nay không còn hứng thú đọc sách như trước nữa, họ chỉ thích xem tivi, chơi đồ công nghệ.

Thư viện huyện Chi Lăng vắng bóng người đọc

Dễ dàng nhận thấy, thời đại bùng nổ công nghệ thông tin với các thiết bị nghe – nhìn, phần mềm ứng dụng mạng xã hội ngày càng đa dạng và hấp dẫn khiến thế hệ trẻ không còn mặn mà với đọc sách, thói quen đọc sách ngày càng mai một. Em Nông Minh Lý, 16 tuổi, đường Phai Luông, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Ngoài sách giáo khoa phục vụ cho quá trình học tập trên lớp, em rất ít khi mua sách về đọc. Em thường lên mạng đọc nhiều hơn, chỉ cần chiếc điện thoại thì tìm kiếm thông tin gì cũng có, vừa nhanh, vừa tiện lợi.

Thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú về nội dung cũng như hình thức. Chỉ có điều, ngoài dịp đầu năm học mới thì các cửa hàng sách đều vắng khách. Các thư viện có rất nhiều thể loại sách nhưng khách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thay vào đó, các quán cà phê, quán Internet… “lên ngôi”. Chị Nguyễn Thị Bích Vân, nhân viên Thư viện huyện Chi Lăng cho biết: Số lượt người đến mượn và đọc sách rất ít, thậm chí không có ai. Ngày nào đông cũng chỉ khoảng 1 – 2 người đến mượn sách về đọc, chủ yếu là cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện.

Ngoài ra, tại các thư viện trong trường học cũng rất ít các em học sinh đến mượn sách. Cô Hứa Thanh Huệ, quản lý thư viện Trường THPT Chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn cho biết: Những năm gần đây, lượng học sinh mượn sách không cao so với các năm về trước. Đa số đối tượng mượn sách là các em ôn thi học sinh giỏi quốc gia. Hiện nay, để khuyến khích việc đọc sách, trong năm học nhà trường triển khai lịch mượn mỗi tuần một lớp. Tuy nhiên, mỗi lớp chỉ có 1 – 2 bạn đến mượn.

Thư viện tỉnh là nơi có số lượng sách khổng lồ với hơn 200 nghìn đầu sách các thể loại. Tuy nhiên, số lượng giới trẻ đến mượn và đọc sách không nhiều. Trong nửa đầu năm nay, lượng độc giả nói chung đến đăng ký thẻ mượn sách mới chỉ có 204 người, đạt 29,2% chỉ tiêu của thư viện; lượt người đọc đạt 34.530, đạt 49,3% chỉ tiêu đề ra. Bà Phạm Minh Hạnh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhu cầu đọc sách của giới trẻ ngày càng giảm dần. Trước thực trạng này, Thư viện tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp như tổ chức các buổi tuyên truyền, giao lưu với độc giả, phối hợp với thư viện trường, quán cà phê trưng bày sách nhằm thu hút bạn đọc, nhưng đến nay, số lượng người đến đọc và mượn sách vẫn ít hơn so với những năm trước.

Đọc sách không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức mà còn là một biện pháp để hoàn thiện con người. Nhưng một thực trạng đáng buồn là các bạn trẻ rất ít trau dồi kiến thức từ sách. Cư dân mạng thường hài hước nói với nhau rằng: “Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết thì tra Google”. Cứ thắc mắc hoặc tranh cãi một vấn đề gì là bật điện thoại vào trang google tra cứu thông tin trực tuyến. Việc phụ thuộc quá nhiều vào các trang mạng xã hội khiến các bạn trẻ thụ động, lười đi và tư duy kém hơn.

Thực tế trên cho thấy: việc phát triển văn hóa đọc là hết sức cần thiết nhằm giúp các bạn trẻ tích lũy tri thức, nâng cao tầm hiểu biết, có lối sống lành mạnh và tránh phụ thuộc vào mạng xã hội quá nhiều. Để nâng cao văn hóa đọc, bên cạnh nỗ lực của các cấp, các ngành, thiết nghĩ mỗi cá nhân cần nhận thức đầy đủ hơn về tác dụng của việc đọc sách, hình thành thói quen đọc sách cho bản thân.

THÙY DUNG