Thứ sáu,  20/09/2024

Phát huy nguồn lực xã hội hóa trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

(LSO) – Những năm qua, công tác xã hội hóa (XHH) trong hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh được các cấp chính quyền quan tâm đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Lạng Sơn là địa bàn có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, chính yếu tố này đã tạo nên những di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đặc sắc và đa dạng như: các làn điệu dân ca then, sli, lượn, múa sư tử mèo; các làng nghề thủ công truyền thống… Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập và phát triển, các di sản văn hóa phi vật thể đứng trước những nguy cơ bị mai một. Để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, việc huy động nguồn lực XHH được coi là giải pháp quan trọng.

Sinh hoạt CLB Hát then – đàn tính thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan (năm 2019)

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám Đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Nhằm bảo tồn, làm giàu và phát huy vốn di sản văn hóa gắn với tiềm năng thế mạnh của tỉnh, trong những năm qua, công tác XHH được ngành đẩy mạnh triển khai. Qua đó huy động được cả về nhân lực cũng như vật chất và tài chính của xã hội. Nổi bật, hoạt động bảo tồn văn hóa phi vật thể ở góc độ lễ hội, trình diễn nghệ thuật truyền thống được thực hiện khá tốt; nhiều làn điệu: sli, then, lượn, xắng cọ, các điệu múa võ dân tộc, múa sư tử mèo… được phục hồi thông qua các câu lạc bộ (CLB), các đội văn nghệ quần chúng tại cơ sở.

Thực hiện chủ trương XHH, trong những năm qua, các CLB dân ca tại thành phố Lạng Sơn, các huyện: Cao Lộc, Văn Quan, Bình Gia phát triển mạnh. Đáng chú ý, năm 2010, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn được thành lập và hoạt động theo hướng xã hội hóa. Qua 10 năm hoạt động đến nay, từ 200 hội viên, hội đã phát triển được trên 1.000 hội viên với gần 60 CLB trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời mở được trên 100 lớp truyền dạy và tổ chức được hàng trăm cuộc giao lưu dân ca từ cơ sở đến liên xã, liên huyện, liên tỉnh.

Ngoài lĩnh vực dân ca, các đội múa sư tử mèo trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng rất phát triển với gần 100 đội múa phân bố tại 6 huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng, Văn Quan, Bình Gia. Các CLB dân ca, đội múa sư tử mèo đều hoạt động độc lập và bằng kinh phí tự đóng góp. Được biết, mỗi thành viên trong các CLB đóng góp 100-200 nghìn đồng/tháng và duy trì trên tinh thần “Hoạt động để sống khỏe – Khỏe để giữ gìn bản sắc”.

Nhiều CLB dân ca, đội múa sư tử mèo phát triển mạnh và thường xuyên tham gia đóng góp vào các hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh như: CLB Điếp Sli Then (Cao Lộc), CLB Cẩu Pung (Tràng Định), CLB Nộc Khảm Khắc (Văn Lãng), CLB múa sư tử mèo xã Hải Yến (Cao Lộc)…. Năm 2019, toàn tỉnh đã có trên 50 chương trình giao lưu nghệ thuật lớn, nhỏ được tổ chức với nguồn XHH từ các CLB văn hóa, văn nghệ truyền thống lên đến trên 250 triệu đồng.

Song song với đó, hoạt động XHH lễ hội cũng được các huyện, thành phố thực hiện nhằm giảm ngân sách và tiến tới không sử dụng ngân sách trong tổ chức lễ hội. Ngoài 12 lễ hội được luân phiên lựa chọn làm lễ hội điểm của tỉnh, huyện mỗi năm, thì 90% số lễ hội trong tỉnh đều huy động từ nguồn lực XHH. Trung bình, mỗi lễ hội có kinh phí tổ chức từ 30 triệu đồng đến 400 triệu đồng, cá biệt có lễ hội kinh phí tổ chức lên đến 2 tỷ đồng (hội đền Bắc Lệ).

Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, Lạng Sơn đã có 8 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: 5 lễ hội truyền thống; di sản hát sli của người Nùng; nghi lễ then và múa sư tử mèo của người Tày, Nùng. Lạng Sơn cũng là tỉnh có di sản văn hoá “Thực hành Then” của đồng bào dân tộc Tày – Nùng – Thái được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào cuối năm 2019.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết thêm: Trong thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình, nghị quyết, văn bản về di sản văn hóa các dân tộc; tiếp tục triển khai nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng một số loại hình văn hóa phi vật thể; đồng thời, tăng cường công tác XHH, huy động sức mạnh toàn dân trong bảo tồn các di sản văn hóa.

TUYẾT MAI