Thứ sáu,  20/09/2024

UBND tỉnh xem xét các dự thảo đề án, phương án lĩnh vực văn hóa

LSO-Sáng nay (10/11), UBND tỉnh tổ chức họp chuyên đề xem xét các dự thảo do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trì xây dựng, gồm: Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2030; Phương án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở VHTTDL trình bày 2 dự thảo đề án và phương án. Theo đó, Dự thảo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản múa sư tử của dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 được xây dựng với bố cục gồm 5 phần. Trong đó nêu rõ sự cần thiết, ý nghĩa của đề án; thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị múa sư tử Tày, Nùng giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp; nhu cầu kinh phí, dự án ưu tiên.

Về Dự thảo Phương án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; dự thảo đánh giá tình hình thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của tỉnh và nêu một số giải pháp như: quy hoạch, bố trí quỹ đất dành cho các thiết chế văn hóa, thể thao; đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất; hoàn thiện tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ và phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao…

Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến làm rõ một số nội dung trong các dự thảo như: thực trạng cơ sở vật chất văn hóa, thể thao; bổ sung yếu tố tâm linh trong dự thảo phát triển múa sư tử Tày, Nùng; phương thức truyền dạy múa sư tử trong cộng đồng, trường học…


Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở VHTTDL tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu.

Đối với dự thảo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị múa sư tử Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2030”, cơ quan soạn thảo cần chỉnh sửa tên đề án; xác định rõ đối tượng của đề án; bổ sung giải pháp phù hợp với thực tiễn; nêu rõ nhiệm vụ của từng cấp, ngành; xác định nhu cầu kinh phí cụ thể để đề án có tính khả thi.

Về dự thảo Phương án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, đồng chí đề nghị chuyển từ “phương án” sang “đề án”. Đđề án cần nêu rõ: sự cần thiết, căn cứ pháp lý, đối tượng, phạm vi, mục đích yêu cầu; thực trạng thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh, đánh giá thuận lợi, khó khăn. Trong đó xác định rõ nguyên nhân của những khó khăn, từ đó phân công nhiệm vụ cho từng cấp, ngành với những biện pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

NGỌC HIẾU