Thứ sáu,  20/09/2024

Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

– Những năm qua, văn hóa đọc bằng nhiều cách khác nhau đã và đang được các cấp, các ngành của tỉnh và mỗi cá nhân yêu sách nỗ lực làm lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Từ đây, việc đọc sách không chỉ trở thành một thói quen mà còn là một công cụ để hướng tới xây dựng cuộc sống ý nghĩa, tốt đẹp, nhân văn hơn.

Thực hiện Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 26/10/2017 để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại đề án.

Theo đó, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện, tổ chức các hoạt động phát triển văn hoá đọc trên địa bàn được cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm, chú trọng. Các sở, ngành, đơn vị tại Lạng Sơn như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo… thường xuyên phối hợp triển khai nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa theo đề án, góp phần làm lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Cụ thể như: hằng năm, các cơ quan chức năng duy trì phối hợp tổ chức các cuộc trưng bày, giới thiệu sách, nói chuyện chuyên đề về “Đọc sách để thành công”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với những tác phẩm để đời và những tư liệu mới nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh”; giao lưu giữa nhà văn, nhà phê bình với bạn đọc, triển lãm sách báo về chủ quyền biên giới và biển đảo Việt Nam… Tổ chức Hội Báo xuân, Hội thi thiếu nhi vẽ tranh, kể chuyện theo sách, thi tìm hiểu kiến thức qua sách báo, tìm hiểu kiến thức về máy tính và Internet, giao lưu thực hành giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài, chương trình xiếc, ảo thuật…

Học sinh đọc sách tại Thư viện tỉnh

Bên cạnh đó, mạng lưới thư viện công cộng từ tỉnh đến cơ sở, thư viện các trường học, hệ thống tủ sách pháp luật xã trên địa bàn tỉnh được chú trọng đầu tư. Hiện, cả tỉnh có 1 thư viện tỉnh thuộc Sở VHTTDL quản lý. Ở cấp huyện, có 10 thư viện huyện thuộc trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông quản lý và 12 điểm thư viện cấp xã. Hằng năm, hệ thống thư viện các cấp bổ sung gần 2.500 tên sách, 7.500 bản sách. Tổng số sách của hệ thống thư viện công cộng có trên 300 nghìn bản sách.

Với vai trò nòng cốt trong phát triển văn hóa đọc, từ năm 2018 đến nay, Thư viện tỉnh đã triển khai công tác phục vụ lưu động được trên 200 chuyến với trên 30.000 lượt độc giả; 80.000 lượt sách, báo luân chuyển; mở mới gần 60 điểm luân chuyển sách, báo tại các điểm trường học, đồn biên phòng, Trại Tạm giam Công an tỉnh, UBND các xã vùng sâu, vùng xa… đã góp phần thu hẹp khoảng cách về tiếp cận với sách của người dân.

Bà Phạm Minh Hạnh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Để bắt kịp xu thế đọc sách hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục xây dựng “Thư viện điện tử”. Từ năm 2018 đến nay, Thư viện tỉnh bổ sung mới được 4.732 tên sách; 22.305 bản sách, số hóa được 33.111 trang tài liệu địa chí. Nâng tổng số tài liệu có trong thư viện là 46.958 tên sách; 171.752 bản sách; 94.268 trang tài liệu số. Nhờ đó, số lượt độc giả truy cập thư viện điện tử hằng năm đạt trên 80.000 lượt.

Việc tiếp cận, khai thác và sử dụng các nguồn thông tin rất phong phú giúp người dân có nhiều lựa chọn và phương thức để tìm hiểu, khai thác thông tin. Em Triệu Thùy Bông, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn cho biết: “Thay vì phải đến trực tiếp thư viện để tìm sách như trước đây, em chỉ cần truy cập trang thông tin điện tử của Thư viện tỉnh là có thể nắm thông tin  về các cuốn sách mình cần phục vụ cho ngành học”.

Được biết, tỷ lệ người dân tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục ngày càng tăng, đạt khoảng 60% và có xu hướng tăng. Đáng chú ý, công tác phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc chỉ đạo xây dựng phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc ngày càng kịp thời, chặt chẽ; các nội dung của đề án được triển khai thực hiện lồng ghép với các chương trình, kế hoạch hoạt động văn hóa, giáo dục và các đề án khác trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, hằng năm, nhân Ngày Sách Việt Nam 21/4 và Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4, các cấp, ngành đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần cổ vũ văn hóa đọc, xây dựng phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp Nhân dân.

Bà Lê Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, chúng tôi đã ban hành kế hoạch tổ chức cụ thể. Trong đó, điểm nhấn của chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách năm nay là lễ khai mạc vào ngày 20/4 được tổ chức tại Trường THPT Chu Văn An với 20 gian trưng bày, mỗi gian trên 100 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng bạn đọc. Cùng đó, tuần lễ sách sẽ được phát động tại tất cả các cơ quan, ban, ngành và các trường học trên địa bàn tỉnh từ ngày 15 đến ngày 28/4.

Đặc biệt, ngoài các hoạt động hưởng ứng ngày sách thường niên như: giới thiệu sách, nói chuyện chuyên đề, triển lãm sách, tặng sách giờ vàng, cấp thẻ giảm giá, năm nay, Thư viện tỉnh đã tham mưu cho Sở VHTTDL tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” dành cho tất cả học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Cuộc thi được phát động từ đầu tháng 4/2021.

Tin rằng, với sự chung sức của các cấp, ngành, đơn vị và mỗi gia đình, cá nhân, văn hóa đọc ở Lạng Sơn sẽ tiếp tục phát triển, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Qua đó mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả to lớn trong đời sống xã hội.


Điểm mới trong “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” năm 2021

Từ năm 2014, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/4 hàng năm là “Ngày Sách Việt Nam”. Tuy nhiên kể từ năm 2021, ngày 21/4 sẽ là “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”  Mục tiêu của “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” không thay đổi. Tuy nhiên, việc thay đổi tên gọi là hình thức khẳng định rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của việc đọc sách cũng như hình thành, phát triển thói quen đọc sách nhằm nâng cao trí tuệ Việt, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Ngoài ra, điểm nhấn trong “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” đó là Vụ Thư viện sẽ tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021. Đối tượng dự thi là học sinh, sinh viên trên cả nước. Dự kiến vòng chung kết sẽ tổ chức vào tháng 10 với hơn 300 giải thưởng dành cho các cá nhân, tập thể xuất sắc.

“Phát triển văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh, sinh viên trong trường học là một việc làm rất quan trọng, có tác động tích cực trong đổi mới phương pháp dạy và học. Chính vì thế, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo thường xuyên chỉ đạo các  trường đổi mới phương pháp dạy – học, mỗi giáo viên phải xây dựng và hình thành thói quen đọc cho học sinh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 440 trường khối phổ thông có hệ thống thư viện nhà trường. Hệ thống các thư viện được bố trí linh hoạt theo nhiều hình thức như: Mô hình thư viện xanh, thư viện điện tử… Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã phối hợp với tổ chức “Room to read”, triển khai 35 mô hình “Thư viện thân thiện”, cải tạo, nâng cấp các thư viện truyền thống thành thư viện thân thiện với các kệ sách, thảm xốp, bàn đọc, các vật phẩm giáo dục… phù hợp với thể trạng và lứa tuổi học sinh tiểu học. Từ đó, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập”.

Bà Đường Thị Thu Lan, Phó Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên – Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo

TUYẾT MAI