Thượng vàng hạ cám

Từ khi Luật Xuất bản (2004) và Luật Sở hữu trí tuệ (2005) được thông qua, sách dịch bùng nổ là hệ quả tất yếu từ sự phát triển của ngành xuất bản. Sách dịch đa dạng về thể loại, lĩnh vực, phong phú từ nhiều quốc gia, phù hợp với nhiều đối tượng… dễ dàng áp đảo trên thị trường xuất bản. Cơ cấu sách dịch nhiều năm vượt hơn 50% số đầu sách ở một số nhà xuất bản có làm thống kê.

Luật Xuất bản ra đời cho phép liên kết xuất bản; các đơn vị làm sách tư nhân nhờ thế chủ động thương thảo bản quyền, tổ chức dịch thuật. TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sách Thái Hà, khẳng định: “Nếu không có nhiều bộ luật, nhất là Luật Xuất bản chắc chắn cá nhân tôi và nhiều đồng nghiệp sẽ không thành lập công ty sách. Các công ty sách ra đời với mục đích kinh doanh lành mạnh, mong muốn mang đến cho bạn đọc những cuốn sách bổ ích, trong đó có sách dịch có bản quyền”.

"Gạn đục khơi trong" sách dịch
  Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ra mắt các tác phẩm của nhà văn Chile Roberto Fuentes.Ảnh: CÔNG DUY

Với vị trí là thị trường xuất bản đang phát triển, chi phí tác quyền phải trả ở nước ta thấp hơn nhiều so với các nước phát triển, việc chi trả nhuận bút đối với các dịch giả không nhiều, đã vậy nhu cầu của độc giả rất lớn với mảng sách dịch ở thời buổi hội nhập. Cho nên, làm sách dịch là con đường ngắn nhất để đơn vị làm sách tư nhân ăn nên làm ra so với đầu tư, khai thác sách do tác giả người Việt viết. Những tác phẩm như: “Nếu em không phải là giấc mơ” của Marc Levy, “Mật mã Da Vinci” của Dan Brown, “Nhà giả kim” của Paulo Coelho, “Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ” của Cảnh Thiên, “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie, “Lược sử loài người” của Yuval Noah Harari… tái bản nhiều lần, tiêu thụ hàng vạn bản, dẫn đầu danh sách bán chạy chứng minh sự lên ngôi của sách dịch dưới bàn tay của các đơn vị làm sách tư nhân.

Sự cạnh tranh khốc liệt dẫn đến nhiều đơn vị làm sách “nhắm mắt” cho ra đời không ít cuốn sách rẻ tiền, vô bổ, chẳng hạn là thể loại truyện ngôn tình. Tình trạng “lạm phát” sách ngôn tình đến mức Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) phải ra công văn yêu cầu đơn vị làm sách ngừng đăng loại sách này. Đó là chưa kể một số đầu sách dịch còn sai sót, vi phạm về chủ quyền, lịch sử… đã bị các cơ quan chức năng xử lý trong nhiều năm qua.

Rõ ràng trong biển sách dịch thượng vàng hạ cám lẫn lộn, đã đến lúc cần “gạn đục khơi trong” sách dịch để làm lành mạnh thị trường xuất bản. Cần phải có thêm những khuyến cáo, ngăn chặn một số sách dịch không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa, lịch sử Việt Nam. Bản thân độc giả cũng cần rèn luyện kỹ năng chọn sách, biết lựa chọn những cuốn sách phù hợp, thiết thực, bổ ích. Với đối tượng độc giả trẻ tuổi, vai trò định hướng lựa chọn sách dịch của truyền thông, nhà trường và gia đình là rất quan trọng.

Nâng cao chất lượng bản dịch

Chất lượng bản dịch là vấn đề nan giải tồn tại đã lâu, vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Điểm nghẽn đầu tiên là nhuận bút dịch quá thấp. Tính trung bình nhuận bút dịch giả là 7% giá bìa thì một cuốn sách dịch giá bìa 100.000 đồng, với lượng in 1.000 bản, nhuận bút dịch giả chỉ là 7 triệu đồng. Nếu là một cuốn sách khó, dịch giả có thể mất cả năm để dịch; trong khi chỉ mất vài tiếng “dịch cabin” ở các hội nghị, hội thảo, họ thu nhập có thể cao hơn. Chính vì nhuận bút bèo bọt nên tồn tại hiện tượng dịch giả có tiếng nhận “thầu” bản dịch rồi chia lại cho những sinh viên ngoại ngữ, người mới vào nghề dịch. Đã không ít “thảm họa dịch thuật” xảy ra với cách làm này. Ngay kể cả dịch giả có tiếng cũng thường xuyên mắc nhiều lỗi dịch thuật do sức ép tiến độ, bị chi phối với những công việc khác.

Các nhà xuất bản và công ty làm sách đã có nỗ lực nhất định qua việc hiệu đính, biên tập với nhiều khâu nhằm tránh sai sót; đồng thời tuyển dụng một số dịch giả thực sự đam mê dịch sách để vừa làm biên tập, hiệu đính, vừa dịch thuật. Như thế, dịch giả bên cạnh hưởng nhuận bút các bản dịch còn lĩnh lương tháng nên thu nhập không đến nỗi nào, toàn tâm toàn ý tập trung cho việc dịch thuật.

Quan tâm chăm lo đội ngũ dịch giả về chuyên môn, chế độ nhuận bút là cách nâng cao chất lượng sách dịch hiện nay. Thực tế chứng minh, nếu đầu tư kỹ lưỡng, nhất là chất lượng bản dịch, thì dù là sách không dành cho đại chúng như: “Tiểu sử Steve Jobs”, “Lược sử loài người”… vẫn bán chạy.

Thị trường sách dịch phân hóa rõ khi đơn vị làm sách nào nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng bản dịch mới tạo ra nhiều đầu sách bán chạy, tạo ra những dòng sách thành công; không nhất thiết phải nhảy vào cuộc đua làm ra những cuốn sách rẻ tiền, vô bổ. Đây là con đường “gạn đục khơi trong” bền vững mà hy vọng các đơn vị làm sách có tâm, có tầm sẽ kiên trì theo đuổi.