Tờ báo mang tên “Vì nước”, có hai trang, kích thước 33x50cm, đưa tin, bài viết về sự kiện đặc biệt của đất nước cách đây 75 năm. Trên số báo đặc biệt này đăng tải nhiều hình ảnh, tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu Quốc hội khóa I… Ông Nguyễn Văn Ba, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ (Bảo tàng Báo chí Việt Nam), người trực tiếp tham gia nghiên cứu số báo này, cho hay: “Khi xem số báo đặc biệt “Vì nước”, nhiều người đã lầm tưởng đây là một tờ báo của Quốc hội.

Tuy nhiên, nghiên cứu sâu thì chúng tôi thấy rằng, năm 1945, chỉ có duy nhất tờ báo Quốc hội ra đời trong quá trình chuẩn bị Tổng tuyển cử, xong nhiệm vụ, tờ báo đó coi như hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Chúng tôi thấy nội dung tờ “Vì nước” cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân ta, kêu gọi đồng bào chuẩn bị bước vào toàn quốc kháng chiến, do nhà báo Nguyễn Đức Thuyết làm chủ nhiệm kiêm quản lý”.

Trân quý số báo đặc biệt
Số báo “Vì nước” ra ngày 9-11-1946 đang được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. 

Ông Nguyễn Văn Ba cho biết thêm: “Số báo “Vì nước” xuất bản ngày 9-11-1946 do ông Hà Huy Chiến, một nhà sưu tầm báo chí, tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Quá trình nghiên cứu về báo “Vì nước” của chúng tôi gặp nhiều khó khăn, bởi không có thông tin về tờ báo này. Cá nhân tôi thấy rằng, muốn nghiên cứu và tìm hiểu được nội dung và chủ trương của một tờ báo, không gì quan trọng hơn là phải sưu tầm được tờ báo đó. Bởi đó là minh chứng gắn liền với một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử, với những nội dung, chất liệu báo chí phản ánh chân thực sự kiện đã diễn ra. Thật may mắn khi trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã sưu tầm thêm được tờ báo “Vì nước” số ra ngày 19-2-1946″.

Đánh giá về số báo đặc biệt này, bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: “Khi nhận món quà từ nhà sưu tầm dành tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tôi rất mừng và xúc động. Báo chí cách mạng ra đời thời kỳ trước năm 1945 và giai đoạn 1945-1946 hiện nay còn rất ít. Với những gì tờ “Vì nước” để lại qua số báo ra ngày 9-11-1946, chúng tôi thấy rõ sự đóng góp không nhỏ của những người làm báo trong việc phản ánh một sự kiện lớn của đất nước lúc bấy giờ. Tin, bài, ảnh được sử dụng nhiều đã giúp sự kiện hiện lên sinh động và chân thực, nói được nhiều điều về công việc làm báo cũng như thái độ của tòa soạn đối với một sự kiện trọng đại của đất nước”.