Thứ năm,  19/09/2024

Để kiến trúc thân thiện môi trường lan tỏa, thêm sức sống

Kiến trúc thân thiện môi trường hay còn gọi là “kiến trúc xanh” (KTX) ở Việt Nam đã phát triển khá lâu, nhưng đến nay, các công trình KTX trong nước có tên tuổi, tác dụng thực sự vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước thực trạng ấy, nhiều kiến trúc sư tâm huyết, đau đáu với nghề đang quyết đi tìm câu trả lời phát triển KTX ở Việt Nam thế nào?.

Lợi ích từ kiến trúc xanh

Trên thế giới, xu hướng phát triển “kiến trúc xanh” (green archltecture) đã có từ những năm cuối thế kỷ 20. Ở Việt Nam, KTX phát triển muộn hơn các nước khác trên thế giới khoảng hơn 10 năm. Thực chất của KTX là sự hợp giữa thiết kế và thi công bằng phương pháp sử dụng vật liệu thân thiện môi trường.

Mục tiêu của KTX là nhằm làm giảm tiêu hao tài nguyên, năng lượng sử dụng, giảm ô nhiễm bên ngoài, gây tổn hại môi trường, tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm bên trong và tăng sức khỏe con người. Từ mục đích này, ngay từ quá trình quy hoạch, thiết kế, các kiến trúc sư đã quan tâm đưa vào công trình những loại vật liệu mới, vật liệu thân thiện môi trường, cây xanh… tạo ra không gian sống gắn bó với thiên nhiên, bảo vệ sức khỏe con người.

Để kiến trúc thân thiện môi trường lan tỏa, thêm sức sống
Khu đô thị Ecopark được ví như “thành phố trong rừng cọ”. Ảnh: Ecopark.com.vn 

Lợi ích mà KTX mang tới cho con người là không bàn cãi: Giảm đáng kể chi phí xây dựng, giúp nhà đầu tư kinh doanh chóng thu hồi vốn so với lối thiết kế, thi công trước đây. Về xã hội, KTX ngăn chặn ô nhiễm môi trường, không khí, hệ sinh thái, khí hậu và là giải pháp để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng có xu hướng khốc liệt… KTX góp phần tạo nên một lối kiến trúc độc đáo, thân thiện tự nhiên, thư giãn cho gia chủ khi trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả. Theo các nhà nghiên cứu, các công trình KTX giảm bớt việc tiêu tốn nguyên liệu và năng lượng đến 26% so với những công trình được xây dựng theo thiết kế trước đó.

Để kiến trúc thân thiện môi trường lan tỏa, thêm sức sống
 Một góc trong khu đô thị Ecopark. Ảnh: ecopark.com.vn

Hiện nay ở Việt Nam đã có những công trình KTX gây được tiếng vang. Tiêu biểu là công trình Pullman-Trung tâm Hội nghị triển lãm Quốc tế và khách sạn 5 sao ở TP Vũng Tàu đi vào hoạt động năm 2015 với 3 tòa nhà đa năng mô phỏng chuyển động của từng đợt sóng, gắn với thiên nhiên sinh động. Nhà 5 khối phủ cây ở TP Hồ Chí Minh cũng là công trình KTX tiêu biểu và đã đoạt giải nhất hạng mục nhà ở Festival kiến trúc thế giới. Công trình này được xây dựng bằng bê tông cốt thép pha tre với 5 khối nhà và bao quanh là cây cối xanh tươi đã tạo nên vẻ đẹp cũng như sự độc lạ cho tòa nhà.

Trường mầm non tại Đồng Nai là công trình KTX lọt top 30 công trình kiến trúc đẹp nhất thế giới. Công trình này được thiết kế hiện đại, không gian quanh trường trồng nhiều cây xanh; các phòng học đều có hướng nhìn ra ngoài thoáng mát, tận hưởng ánh sáng tự nhiên tiết kiệm năng lượng điện. Tổ hợp nhà Bamboo Wing ở tỉnh Vĩnh Phúc được thiết kế mô phỏng cánh chim bay trên mặt nước bằng tre ẩn dưới cây xanh và hồ nước rộng trong veo mang vẻ đẹp bình yên mà tinh tế. Một trong những khu đô thị không gian xanh được nhiều người ngưỡng mộ và được giới quy hoạch, kiến trúc đánh giá cao là khu đô thị Ecopark Văn Giang. Đô thị này đã được nhiều người đặt cho tên gọi ấn tượng là “thành phố trong rừng cọ”.

Rào cản và biện pháp khắc phục

Lợi ích từ KTX rất lớn, nhưng cho đến nay việc phát triển KTX vẫn chưa có nhiều chỗ đứng trong xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, trong đó nổi bật là tình trạng nhiều địa phương mở rộng đô thị manh mún, thiếu không gian xanh, thiếu nơi vui chơi giải trí phù hợp đã khiến cho bức tranh kiến trúc đô thị trở nên lộn xộn, không bản sắc, không điểm nhấn. Hiện tượng giá đất dành cho xây dựng các công trình nhà ở ngày càng tăng đã khiến các chủ đầu tư không mặn mà với KTX.

Thậm chí, ở các thành phố lớn, trong xây dựng chung cư, các chủ đầu tư đã lách luật để tăng tầng, thêm phòng, thu hẹp không gian hạ tầng xã hội, khu vui chơi giải trí ngoài trời, sân, vườn, đường dạo, nhằm thu lời nhanh nhất đã khiến trẻ em, người cao tuổi không có không gian hoạt động vui chơi, giải trí.

Ở một khía cạnh khác đã cho thấy, tư duy về lối kiến trúc cũ theo triết lý “ăn chắc mặc bền” vẫn ngự trị ở nhiều người trong xã hội nên KTX chưa thực sự có chỗ đứng. Bằng chứng là, cho dù nhà nước khuyến khích sử dụng gạch không nung, nhưng nhiều công trình dân dụng, nhà ở vẫn được xây dựng bằng gạch nung từ đất sét. Mặt khác, với tư duy “khoe của”, gần đây, có rất nhiều “lâu đài” mang kiểu kiến trúc châu Âu dát vàng của các đại gia mọc lên đã cho thấy lối kiến trúc phô trương, xa rời bản sắc văn hóa dân tộc, khiến mâu thuẫn về cảnh quan không gian sống mất hài hòa, thiếu bản sắc văn hóa ngày càng trầm trọng hơn.

Để kiến trúc thân thiện môi trường lan tỏa, thêm sức sống
Bamboo Wing là một cấu trúc toàn bộ bằng tre. Ảnh: Ashui.com 

Thực tế cho thấy, việc phát triển KTX đã là một phần trong đời sống của người Việt đã có trong lịch sử. Bằng chứng là, trong một xã hội thuần nông và quần cư làng xã, việc xây dựng các công trình nhà ở dân dụng, nhà cộng đồng, đình, chùa… bằng các vật liệu sẵn có như gỗ, tre… gắn với tự nhiên đã có từ lâu.

Ở vùng nông thôn, khu vực đồng bằng, miền núi, nhiều gia đình vẫn duy trì lối kiến trúc nhà tựa lưng vào núi đồi, mặt hướng ra ao hoặc sông hồ với vườn cây xanh. Tuy nhiên, hiện nay, các giải pháp tổ chức sân vườn trong khuôn viên như “ao trước-vườn sau, chuối sau-cau trước” mang giá trị về tổ chức cảnh quan, chống nóng bức, làm mát ngôi nhà, cải thiện điều kiện khí hậu như nhà vườn ở Huế đã giảm dần. Thay vào đó là các loại kiến trúc nhà cao tầng, bê tông hóa hiện đại lây lan mạnh, trở thành phong trào ở nhiều địa phương trong cả nước. Tình trạng thiết kế không gian nhà ở vay mượn, bắt chước, thiếu khoa học diễn ra rất phổ biến. Trước vấn đề này, nhiều kiến trúc sư cho rằng, các tiêu chí mà KTX đưa ra chỉ là sự phát triển của kiến trúc truyền thống ở tầm cao mới, nó hoàn toàn gần gũi và thân thiện với người Việt Nam.

Với ý nghĩa đó, từ năm 2012, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức Giải thưởng Kiến trúc xanh Việt Nam 2 năm một lần. Qua các lần tổ chức, giải thưởng đã thu hút được nhiều đơn vị tư vấn thiết kế, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Từ năm 2014, giải thưởng KTX Việt Nam đã trao danh hiệu “Nhà đầu tư xanh”, tặng các nhà đầu tư có những cống hiến tích cực trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khu đô thị, công trình kiến trúc hướng đến các tiêu chí KTX. Đây là một trong những biện pháp thúc đẩy phát triển KTX ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc này là chưa đủ, bởi để phát triển KTX, vấn đề mấu chốt và quan trọng không kém là cần nâng cao năng lực đội ngũ, thúc đẩy xu hướng kiến trúc tiến bộ, tăng cường phản biện, phản đối những biểu hiện kiến thức lạc hậu, không phù hợp… nhằm hướng tới làm tốt vai trò tư vấn cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và nâng cao nhận thức cộng đồng trong KTX. Hiện công tác truyền thông, tuyên truyền về KTX còn quá ít và chưa đủ độ ngấm để “thức tỉnh xã hội” nên việc người dân nhận thức về KTX còn rất hạn chế như đã nói ở trên.

Kiến trúc là một phần trong nét đẹp trong văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi địa phương, phản ánh trình độ dân trí và phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Thúc đẩy phát triển KTX là một trong những việc cần phải truyền thông mạnh mẽ và có biện pháp khuyến khích phát triển rộng, sâu hơn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ngày càng tác động mạnh đến đời sống và sản xuất của xã hội.

Theo Quandoinhandan