Theo lời giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa đình Nam Hương có ghi: “Đình được xây dựng từ thời Lê, hiện lưu giữ được nhiều di vật, hiện vật có giá trị, đặc biệt là 19 đạo sắc phong thần. Đình Nam Hương có bề dày lịch sử, từ xa xưa nơi đây đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, là nơi sinh hoạt hội họp, bàn bạc các công việc chung của làng, là nơi diễn ra các nghi thức tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng của nhân dân địa phương. Năm 1995, đình Nam Hương được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia”.

Thăm đình Nam Hương nhớ Anh hùng áo vải Lê Lợi
 Di tích đình Nam Hương tại phường Hàng Trống.

Đúng như bức đại tự, hoành phi đề chữ Hán còn lưu lại trong đình: Kiếm thủy đương tiền ngưng nhuệ khí/ Long thành tự cổ trấn anh thanh (Hồ Gươm trước mặt tụ khí mạnh/ Thành rồng tự cổ nổi danh thiêng), đình Nam Hương là một di tích đặc biệt còn lưu hương chốn Hà thành. Đứng trên hành lang của đình Nam Hương, phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy hồ Hoàn Kiếm với đài Nghiên tháp Bút, cầu Thê Húc, Tháp Rùa… lui dần về phía trước ngôi đình là bia và Nhà kỷ niệm Nguyễn Du, tượng đài Vua Lê…

Thăm đình Nam Hương nhớ Anh hùng áo vải Lê Lợi
 Mặt đình hướng ra hồ Hoàn Kiếm.

Đình Nam Hương có diện tích là 441,5m2 được xây dựng theo hướng Đông, gồm 2 tầng. Trải qua thời gian, ngôi đình đã bị chuyển dời, bị tàn phá của chiến tranh, song nơi đây vẫn còn bảo lưu được một khối lượng di vật khá phong phú và có giá trị nhiều mặt về lịch sử, kiến trúc – nghệ thuật. Hiện nay, Đình Nam Hương còn giữ được một số hiện vật có giá trị mang đặc trưng nghệ thuật như: 19 đạo sắc phong của các triều vua Lê, Tây Sơn và Nguyễn phong cho 5 vị Thượng đẳng thần; một bảng văn chạm kiểu chân quỳ dạ cá rất đẹp và quý hiếm do 1 đôi lân cõng, 5 long ngai, 1 choé sứ và nhiều đồ thờ tự khác.

Bước vào không gian của đình Nam Hương, du khách được chứng kiến nhiều hiện vật liên quan đến anh hùng áo vải Lê Lợi. Trong đó, tượng vua Lê Lợi được xây dựng vào năm 1894 nhằm tưởng nhớ công ơn của vị vua đã đánh thắng giặc Minh xâm lược, giành độc lập cho dân tộc và ghi dấu truyền thuyết trả gươm cho Rùa thần ở hồ Hoàn Kiếm. Ngoài ra, trong đình hiện còn lưu giữ bài thơ của Vua Lê Thái Tổ khắc trên đá vào năm 1432 với nội dung: Bọn giặc dữ tránh sao trừng phạt/ Dân biên thùy khao khát chờ ta/ Lạ chi thói kẻ gian tà/ Từ nay đất hiểm hóa ra yên lành/ Tiếng gió, hạc đủ kinh hồn giặc/ Núi sông ta vào một bản đồ/ Khắc trên đá núi bài thơ/ Miền Tây nước Việt muôn thu vững vàng”.

Thăm đình Nam Hương nhớ Anh hùng áo vải Lê Lợi
Du khách thắp hương bên tượng đài vua Lê Thái Tổ. 

Chia sẻ với chúng tôi, em Nguyễn Thùy Linh, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Mặc dù không gian không quá rộng, nhưng đình Nam Hương chứa đựng giá trị lịch sử to lớn. Sau khi tham quan đình Nam Hương, em có dịp được ôn lại lịch sử dân tộc, đặc biệt là nhớ đến chiến công của anh hùng áo vải Lê Lợi đã lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành lại độc lập cho dân tộc”.

Thăm đình Nam Hương nhớ Anh hùng áo vải Lê Lợi
 Bài thơ khắc trên đá của anh hùng áo vải Lê Lợi.

Trải qua năm tháng, đình Nam Hương đã trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng không chỉ của nhân dân trên địa bàn phường Hàng Trống mà cả người dân Hà Nội và du khách thập phương đến với Thủ đô. Ông Đặng Đức Phương, Trưởng tiểu ban Quản lý đình Nam Hương cho biết: “Đình Nam Hương trước ở bên kia chỗ khách sạn Phú Gia nay mới chuyển bên này thời Pháp để gắn liền với tượng đài Vua Lê và đã qua nhiều lần tu bổ, tu tạo. Đến năm 2019, quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội chủ trương tu bổ lại cả đình để hợp với khuôn viên của di tích tượng đài vua Lê. Sau 12 tháng triển khai thực hiện, di tích đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo đúng theo kiến trúc truyền thống, đáp ứng được yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di tích và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương”.