Thực sự, ông đã rời xa dương thế 28 năm qua, nhưng hình như trong tâm trí tôi và người Việt Nam, Văn Cao vẫn bên ta hằng ngày. Vẫn như hơi thở trong mỗi sớm chào cờ vang lên “Quốc ca”. Giai điệu khiến ta luôn rưng rưng tự hào khi nó vang lên trên các đấu trường quốc tế.

Trong cuộc chạy marathon của một đời người, có lẽ ai cũng có điểm xuất phát như nhau. Những ai được nhìn bức ảnh Văn Cao cởi trần, quần đùi chụp cùng các bạn đồng môn tiểu học Trường Bonnal-Hải Phòng, thật khó đoán ra có một người trong đó trở thành tác giả Quốc ca Việt Nam. Họ hòa vào nhau trong nụ cười, trong những cuộc bơi lội dọc hoàng hôn sông Cấm. Vậy mà dần dà số phận đã chia tách họ ra từng mũi bí mật. Sau những nghịch ngợm ấu thơ, sau những tờ báo in thạch của lớp học, họ đã bước qua tiểu học. Khi rời Trường Bonnal sang học trường dòng Sant-Jozep ngay bên cạnh, có lẽ đấy là bước ngoặt quan trọng trong đời Văn Cao từ khi khai sinh tháng 11-1923. Ở đấy, bản năng “trời cho” của ông đã gặp âm nhạc, thi ca và hội họa để cùng thăng hoa trong cùng một “thế hệ chín sớm” những năm 30 của thế kỷ 20.

Người ta không thể lý giải vì sao mới 16 tuổi đời, hình như trong mùa thu thương nhớ nhà tiểu thuyết tài danh Vũ Trọng Phụng yểu mệnh (1912-1939), Văn Cao đã cất cao một giai điệu đầu sự nghiệp tràn ngập âm hưởng ca trù mang tên “Buồn tàn thu”. Còn ngạc nhiên hơn khi 18 tuổi, Văn Cao đã bay lên “Thiên thai” cùng thể loại âm nhạc trường ca khiến cho tân nhạc thuở bình minh làm ta xao xuyến mãi đến tận bây giờ. Cũng con người ấy tưởng chừng toàn phần là lãng mạn, là nghệ sĩ thì lại có thêm một con người hiệp sĩ với tài phi dao, bắn súng ngoạn mục. Cũng con người ấy, với “Cung đàn xưa”, “Thu cô liêu”, “Suối mơ”, “Bến xuân” bảng lảng khói sương thì lại chợt bùng cháy trong nhịp hành khúc rắn rỏi, sử thi như: “Thăng Long hành khúc ca”, “Đống Đa”…

Nhìn lại mới thấy tác động quan trọng của thời cuộc, thời mà những chiến sĩ cách mạng bí mật hoạt động làm “Quốc sự” đã tạo ra một hình tượng hiệp sĩ với tâm hồn tràn đầy lý tưởng. Hình tượng ấy đã cuốn hút, chinh phục Văn Cao dám vứt bỏ những hào quang mình đang có để “Một giã gia đình một dửng dưng” như câu thơ Thâm Tâm viết trong “Tống biệt hành” độc sáng. Chính “Tiến quân ca” mà sau này trở thành Quốc ca Việt Nam được viết vào mùa đông năm 1944 đã là cái mốc chuyển đổi quan trọng trong tư duy sáng tạo âm nhạc Văn Cao. Đấy là lời đoạn tuyệt với âm nhạc lãng mạn để bước sang địa hạt âm nhạc cách mạng, một hành trình vụt lớn như Phù Đổng trong 6 mùa thu. Một hành trình từ “Buồn tàn thu” đến “Tiến quân ca” như một quả bom ném vào dinh lũy thực dân mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Không chỉ thăng hoa trong lãng mạn, Văn Cao còn thăng hoa thật phi thường, thật chất ngất khi viết “Không quân Việt Nam”, “Bài ca chiến sĩ hải quân” như một ước mơ lớn mạnh của LLVT lúc ấy còn vô cùng non trẻ, cùng “Chiến sĩ Việt Nam” có bóng dáng bộ binh và kỵ binh “Bắc Sơn” in hằn hình ảnh người dân quân du kích. Nhiều người không biết sự biến chuyển trong tư tưởng thẩm mỹ Văn Cao trước và sau cách mạng rõ rệt nhất khi ông viết lại trường ca “Trương Chi”. Một ứng xử nữa là lấy giai điệu “Bến xuân” viết lời tặng cho đoàn quân Nam tiến vào Nam Bộ kháng chiến và đặt tên là “Đàn chim Việt”. Lời “Bến xuân” thì vô cùng lãng mạn, nhưng kỳ diệu thay lời “Đàn chim Việt” lại trầm lắng anh hùng ca hết mức. Đấy chính là tài năng lớn riêng ở Văn Cao.

Trăm năm Văn Cao
 Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023). Ảnh tư liệu

Thật khiếm khuyết nếu chỉ nhắc riêng tới âm nhạc Văn Cao. Ngay từ khi bước vào văn nghệ, Văn Cao đã tam tấu cả nhạc-thi-họa. Cái tâm trạng khiến Văn Cao kiên định khước từ tư tưởng thẩm mỹ lãng mạn là tâm trạng của một người muốn dứt tung xiềng xích nô lệ để được hít thở bằng lá phổi của người tự do. Cái tâm trạng ấy biểu hiện trong bức tranh “Những người tự tử” ở Triển lãm “Duy nhất” năm 1944, ngột ngạt trong câu thơ “Cái gì cũng thấy chơi vơi”… ở bài hát “Đêm ngàn” và đẩy tới tận cùng trong “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”-một lưu giữ duy nhất bằng chữ về nạn đói năm 1945, quý giá như những bức ảnh cùng đề tài của Võ An Ninh. Văn Cao là như thế, thậm chí có lúc cực đoan muốn xóa bỏ con người nghệ sĩ trong mình để con người hiệp sĩ độc nhất ngự trị. Không ai là không nể phục đội viên “Đội ám sát Việt Minh”, Văn Cao đã hạ sát tên Việt gian thân Nhật Đỗ Đức Phin ở Hải Phòng, bắn sượt tên tay sai Võ Văn Cầm, lùng sục Cung Đình Vận ở làng Lủ (Hà Nội)… Nhưng đến khi ý thức được sức mạnh của văn nghệ “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” như đồng chí Sóng Hồng (Trường Chinh) đã đúc kết, Văn Cao lại trở về văn nghệ để góp thêm sức mạnh đó.

Chính cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã khiến cho tài năng Văn Cao đạt đến độ sáng rực rỡ. Mở đầu cho thời kỳ này lại chính là bài thơ dài “Ngoại ô mùa đông 1946”. Bài thơ này cùng những bài thơ: “Nhớ máu”, “Tình sông núi” của Trần Mai Ninh, “Hải Phòng 19-11-1946” của Trần Huyền Trân, “Đèo Cả” của Hữu Loan đã tạo ra một giọng điệu mới cho thơ kháng chiến khác hẳn thơ tiền chiến. Với 5 năm thăng hoa cùng toàn dân tộc, 5 năm đẹp nhất của thời kỳ đầu kháng chiến, Văn Cao như mải mê khai phá thêm mọi năng lực sáng tạo trong mình. Ở Khu Ba, nghe tiếng chuông nhà thờ “rung hoàng hôn”, Văn Cao có “Làng tôi” với câu “Chiều khi quân ác qua” mà người ta hay hát cụ thể là “Chiều khi quân Pháp qua”; gặp ngày mùa, Văn Cao có “Ngày mùa” đẹp như một bức tranh màu nước. Cả hai ca khúc xinh xắn này đều “Việt hóa” nhịp Valse cung đình châu Âu thành nhịp làng quê Việt Nam. “Làng tôi” đã được dịch ra tiếng Nga và hát khắp Đông Âu.

Đi dọc sông Lô sau Chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947, Văn Cao đã đưa sông Lô vào âm nhạc như Johann Strauss đưa sông Đa Nuýp (Danube) vào âm nhạc. Một bản trường ca vạm vỡ với rất nhiều đoạn chuyển điệu gần xa và có cả khúc chèo thuyền mới rất Việt sau “Trương Chi” đã được Văn Cao “vẽ” bằng âm thanh như một bức tranh sơn dầu khổ rộng. Ở đoạn kết, chủ đề “Làng tôi” đã được tái hiện qua câu “Dòng sông Lô trôi”. Cũng ở Khu Ba, Văn Cao vẽ và Triển lãm bức tranh “Cây đàn đỏ” và đặc biệt là dự báo ngày chiến thắng bằng hành khúc “Tiến về Hà Nội” trước ngày sự thật diễn ra 6 năm sau. Chứng kiến sự hy sinh dâng hiến lớn lao của dân tộc trong kháng chiến đã khiến cho Văn Cao đi tới một đỉnh cao nữa trong âm nhạc, đấy là sử dụng thể loại ca khúc nghệ thuật ca ngợi lãnh tụ cuộc cách mạng qua nhạc phẩm “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”. Ở đấy, ông dựng hình tượng Bác Hồ là “Tay công nhân của thế giới mới lên” sau khi “ánh dương ngời trong ngục tù”. Tư tưởng luôn vươn tới sự mới mẻ trong nghệ thuật luôn thúc giục Văn Cao tìm tòi trong cảm thụ và cảm xúc ở mọi loại hình nghệ thuật.

Trong những ngày chống Mỹ ác liệt, ông chợt lắng lại trong một giai điệu tràn đầy âm hưởng dân tộc Mông qua ca khúc “Đường dây qua bản Mèo” bên cạnh công trình nghiên cứu về sự dịch chuyển Bắc Nam của bài quan họ “Con sáo sang sông” rất độc đáo và thuyết phục. Đặc biệt, ông viết một tổ khúc giao hưởng về người lính mang tên “Anh Bộ đội Cụ Hồ” cho một phim tài liệu của Xưởng phim Quân đội (nay là Điện ảnh Quân đội nhân dân). Sau Hiệp định Paris, ông viết hợp xướng “Hải Phòng mở ra biển lớn” và sau ngày thống nhất, trong mùa xuân 1976 là khúc khải huyền “Mùa xuân đầu tiên”. Dù nhạc phẩm được in trên Báo Sài Gòn giải phóng số Xuân Bính Thìn, được dịch ra tiếng Nga và in ở Nhà xuất bản Âm nhạc của Liên Xô, nhưng phải đến sau khi Văn Cao tạ thế, “Mùa xuân đầu tiên” mới được khai sinh và lớn nhanh trong lòng người bởi sự ký thác mang tầm nhân loại của nhạc phẩm này: “Từ đây người biết quê người-Từ đây người biết thương người-Từ đây người biết yêu người”. Văn Cao đã đưa người lính ra đi ở “Tiến quân ca” và đưa người lính trở về ở “Mùa xuân đầu tiên”.

Mùa xuân năm 1988, “Đêm nhạc Văn Cao” đã trình diễn buổi đầu tiên tại Trung tâm Văn hóa Hà Nội ở phố Hàng Buồm. Và suốt năm ấy, gần 100 “Đêm nhạc Văn Cao” đã diễn ra ở Hà Nội. Trong chương trình, người thưởng thức được nghe lại nhiều ca khúc lãng mạn từ thời tiền chiến của Văn Cao, rồi nghe một vài bài thơ Văn Cao. Cũng năm ấy, tập thơ “Lá” của ông đã được Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nay là Nhà xuất bản Hội Nhà văn) ấn hành. Nhà xuất bản Trẻ ở Sài Gòn cũng ấn hành tập nhạc-thi-họa “Thiên thai” của Văn Cao…

Văn Cao quê ở Vụ Bản, Nam Định, nhưng sinh ra ở Nhà máy nước Hải Phòng, đằng sau Nhà hát Lớn. Đấy là lý do ông viết câu mở đầu trường ca “Những người trên cửa biển”: Sinh ra tôi đã có Hải Phòng. Chính trong trường ca này, Văn Cao đã có một câu thơ định nghĩa về tính cách và sức sống của người Hải Phòng hay đến mức xuyên thời gian: “Ở đây con cá ném lên trời cũng sống”. Ngày 10-7-1995, sau Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ V chừng một tháng, Văn Cao đã bay lên cõi Thiên thai cùng giai điệu “Thiên thai”. 28 năm sau ngày mất và một trăm năm ngày sinh Văn Cao cũng chỉ là chớp mắt của thời gian vô thủy, vô chung. Nhưng thời gian không những không lãng quên tên tuổi Văn Cao mà càng qua thời gian, tên tuổi ông lại càng hiện diện, càng ngời sáng, càng lấp lánh như một vì sao trên đất nước thân yêu của mình.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/tram-nam-van-cao-750511