Thứ tư,  03/07/2024

Ca ngợi nét đẹp Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán với những truyền thống, phong tục độc đáo là một phần quan trọng, phản ánh các khía cạnh đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Theo TTXVN, nhà nghiên cứu chính trị và lịch sử Việt Nam người Anh, ông Kyril Whittaker nhận định như vậy về Tết ở Việt Nam.

Người Việt Nam tại Lào đi chùa nhân dịp đầu năm mới. (Ảnh TTXVN)
Người Việt Nam tại Lào đi chùa nhân dịp đầu năm mới. (Ảnh TTXVN)

Lấy vợ là người Việt Nam, nhà nghiên cứu Kyril từng nhiều lần ăn Tết ở Việt Nam và lễ hội mừng Năm mới của người Việt luôn là trải nghiệm thú vị đối với ông.

Khi Tết đến Xuân về, không khí vui tươi, phấn khởi tràn ngập khắp nơi, từ thành phố tới nông thôn với tiếng nhạc rộn ràng của khúc ca Ngày Tết quê em. Người người, nhà nhà bận rộn sắm Tết, mua quần áo mới, chuẩn bị đồ ăn thức uống cho ngày lễ lớn nhất trong năm. Trên khắp đất nước và cả ở nước ngoài, mọi người trở về quê hương đón Tết, đoàn tụ cùng gia đình sau một năm làm việc bận rộn.

Ông Kyril chỉ ra rằng Tết thể hiện sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam, từ ẩm thực, âm nhạc, nghệ thuật tới giao tiếp xã hội, thông qua các phong tục, tập quán đẹp như thờ cúng tổ tiên, gói bánh chưng, xông đất, chúc Tết, mừng tuổi, mặc áo dài truyền thống, biểu diễn âm nhạc cổ truyền và các bài hát về Tết và mùa Xuân, các trò chơi dân gian… Theo ông, Tết là dịp vun đắp các mối quan hệ khi tất cả gia đình đều mở cửa đón khách từ họ hàng, bạn bè, cho tới đồng nghiệp, láng giềng.

Học giả Anh, một đảng viên Ðảng Cộng sản Anh, chỉ ra rằng Tết cũng mang yếu tố lịch sử, với phong tục thờ cúng tổ tiên, tri ân các anh hùng dân tộc có công dựng nước và giữ nước. Yếu tố lịch sử cũng được phản ánh qua cách người dân Việt Nam đón Tết trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. Trong thời chiến, những người lính Việt đón Tết giản dị bằng cách ca hát và thưởng thức những khẩu phần ăn ít ỏi, quý giá do điều kiện khó khăn. Ngày nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới, với đời sống được nâng cao, người dân có thể đón Tết với đầy đủ các phong tục, tập quán truyền thống.

Ông Kyril cho rằng, Tết phản ánh nền văn hóa sinh thái của người Việt, đó là mối quan hệ giữa người và đất và ngược lại, với các món ăn đặc trưng ngày Tết như hạt dưa, hạt bí, bánh chưng, dưa hành; mâm ngũ quả; hoa và cây cảnh trang trí dịp Tết như đào, mai, quất… Một phong tục đẹp khác của Tết là trồng cây vào ngày đầu năm mới, phong trào do Bác Hồ phát động và được các thế hệ lãnh đạo Việt Nam duy trì đến ngày nay. Ông Kyril chỉ ra rằng đây là truyền thống lưu giữ nền văn hóa nông nghiệp và đa dạng sinh học của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Anh kết luận, Tết là một lễ hội mang tính văn hóa Việt Nam và bản thân Tết là hiện thân của nền văn hóa độc đáo này. Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh củng cố thêm sự phong phú về văn hóa này, đồng thời tạo nền tảng phát triển không ngừng cho xã hội vì sự tốt đẹp của mọi người dân.

Trong khi đó, báo Grupo R Multimedio của Uruguay có bài viết và nhiều ảnh minh họa giới thiệu nét đẹp cổ truyền Tết Nguyên đán của Việt Nam. Bài viết miêu tả Tết Nguyên đán là ngày lễ thiêng liêng nhất trong năm mà tất cả người Việt ở Việt Nam và trên thế giới đều mong đợi. Vào dịp này, những người đi làm xa đều mong muốn được trở về sum họp bên gia đình, tận hưởng niềm vui đoàn viên.

Theo bài báo, Tết được tổ chức vào những ngày đầu tháng Giêng hằng năm trên khắp Việt Nam và ở mọi quốc gia có người Việt sinh sống. Ngày Tết, các thành viên trong gia đình thờ cúng tổ tiên, quây quần bên nhau, thăm hỏi họ hàng, chúc phúc, mừng tuổi cho các cụ già và em nhỏ. Bài báo nhấn mạnh phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt vẫn được giữ gìn, mang đậm nét văn hóa riêng, thể hiện bản sắc dân tộc như ngày ông Công, ông Táo; gói bánh chưng, bánh tét; đi chợ hoa; xông đất; đi lễ chùa đầu năm; đấu vật; ném còn; đánh đu và đua thuyền.

Báo Grupo R Multimedio nhấn mạnh Tết có nhiều ý nghĩa đặc biệt với những phong tục đẹp, thể hiện truyền thống văn hóa và cần được thế hệ tương lai giữ gìn, phát huy, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế, bởi tất cả điều đó làm nên linh hồn, bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.

Nguồn:https://nhandan.vn/ca-ngoi-net-dep-tet-nguyen-dan-post795986.html#795986|zone-highlight-1251|0

Theo nhandan.vn