Thứ sáu,  20/09/2024
Khám sức khỏe cho người lao động:

Không thể lơ là

LSO-Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (NLĐ) là nghĩa vụ của người chủ sử dụng lao động (CSDLĐ) đã được quy định trong Bộ luật Lao động 2012. Sức khỏe NLĐ được xem là nguồn sức mạnh của doanh nghiệp (DN), thế nhưng thực tế, nhiều CSDLĐ đã cố tình bỏ qua quy định này.


Nhân viên Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải được khám sức khỏe định kỳ
tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Phú Lộc

Trong Điều 152 Bộ luật Lao động 2012, DN, CSDLĐ phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, kể cả người học nghề, tập nghề, ít nhất một lần/năm. Ðối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì ít nhất 6 tháng/lần. Đồng thời chẩn đoán sớm các loại bệnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều trị hiệu quả, giảm chi phí y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ NLĐ.

Là công nhân lái xe trong khai trường của Công ty than Na Dương – VVMI (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) được 11 năm, anh Lương Viết Khải thường xuyên cảm thấy đau tức ngực, ho nhiều. Anh Khải cho biết: Công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm, khi khám phát hiện dấu hiệu ho ngày càng tăng nên y tế cơ sở đã chuyển tôi lên tuyến trên làm các xét nghiệm tại Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh. Kết quả tôi bị bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp tỷ lệ 11%. Công ty đã hỗ trợ tôi hơn 7 triệu đồng để điều trị bệnh.

Trên thực tế, không phải đơn vị nào cũng quan tâm đúng mức đến việc khám sức khỏe cho NLĐ theo quy định, thậm chí một số DN, CSDLĐ còn cố tình né tránh không thực hiện nghĩa vụ này, nếu có, chỉ khám qua loa, hình thức nhằm đối phó với các quy định của pháp luật về lao động, dẫn đến tình trạng nhiều NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp nhưng không hề hay biết.

Anh N.L.T. (xã Quang Lang, huyện Chi Lăng), trước đây đã có 6 năm làm việc ở phân xưởng khai thác đá. Thời gian gần đây, anh T thường xuyên ho có đờm, rồi sau đó ho ra máu kèm theo cơn đau thắt ngực. Khi đến Bệnh viện Phổi Lạng Sơn khám thì bác sĩ cho biết anh đã mắc bệnh phổi bụi. Anh T chia sẻ: Tôi có thời gian lao động trong xưởng khai thác đá 12 tiếng/ngày, thường xuyên tiếp xúc với bụi đá nên bị ho liên tục. Tôi cứ nghĩ chỉ là ho thông thường do thay đổi thời tiết nhưng khi đi khám mới biết mình bị bệnh do môi trường làm việc. Nhưng nay, tôi đã nghỉ việc được hơn năm rồi nên không được hưởng chế độ gì cả.

Điều đáng nói, trong suốt 6 năm làm việc, anh T. cũng chưa một lần nào được công ty cho khám sức khỏe định kỳ. Trường hợp như anh T. hoàn toàn có thể phát hiện và chữa trị bệnh sớm nếu NLĐ được kiểm tra sức khỏe định kỳ theo quy định. Bác sĩ Lương Cẩm Phong, Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh cho biết: Khám sức khỏe định kỳ có thể phát hiện được nhiều bệnh như: tăng huyết áp, bệnh lao phổi, rối loạn mỡ máu, vi khuẩn HP dạ dày, điếc nghề nghiệp, viêm phế quản nghề nghiệp… Trên cơ sở đó, người CSDLĐ sẽ hoàn thiện các thủ tục để NLĐ được hưởng các chế độ theo quy định, điều trị bệnh kịp thời.

Để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ trong việc khám sức khỏe định kỳ, nhiều công đoàn cơ sở đã đề nghị CSDLĐ thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với NLĐ. Bà Lâm Thị Hạnh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở HTX 27/7 – Bông Lau (huyện Cao Lộc) khẳng định: Trong trường hợp đơn vị CSDLĐ không thực hiện chăm sóc sức khỏe định kỳ thì công đoàn phải đấu tranh đòi quyền lợi cho NLĐ. Công đoàn HTX nhiều năm qua giám sát việc công ty thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ 2 năm/lần. Bên cạnh đó, công đoàn đã tham mưu cho lãnh đạo công ty lo thêm 3 bữa ăn/ngày cho công nhân để họ bảo đảm sức khỏe làm việc.

Ông Lô Tiến Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Việc khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ ở các DN hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của CSDLĐ còn hạn chế và khó khăn về kinh phí thực hiện. Để đảm bảo quyền lợi về khám sức khỏe cho NLĐ, phòng tránh bệnh nghề nghiệp, thời gian tới, các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho CSDLĐ và NLĐ, đặc biệt là ở khối DN ngoài Nhà nước, những nơi có điều kiện làm việc độc hại.

Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề CSDLĐ cố tình bỏ qua quy trình khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ thì các cấp công đoàn cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về lao động. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các chế tài xử lý phù hợp để bảo vệ sức khỏe cho NLĐ, đoàn viên công đoàn.

NGỌC HIẾU