Thứ sáu,  20/09/2024

Xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản vùng Tây Bắc

Tây Bắc từ lâu được biết đến là một vùng đất đặc biệt, bởi cảnh quan thiên nhiên và nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Nhờ vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, sự đa dạng về sinh học nơi đây đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa giá trị hàng nông sản, cải thiện môi trường đầu tư, đã đến lúc các tỉnh Tây Bắc cần xây dựng và quảng bá thương hiệu các sản phẩm…

Nhiều đặc sản giá trị cao

Xuất phát từ không gian địa lý, vùng Tây Bắc được hiểu theo nghĩa tương đối, gồm sáu tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Ðịa hình hiểm trở, đất đai màu mỡ, khí hậu cực đoan thuộc tiểu vùng cận ôn đới, với nền nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch lớn là những yếu tố hình thành nên các loại cây, con đặc sản và một nền nông nghiệp đa dạng và phong phú. Chính điều này đã làm nên tên tuổi các loại đặc sản, như: Gạo Séng Cù (Ðiện Biên), chè san tuyết Suối Giàng, quế Văn Yên (Yên Bái), chè Tà Xùa, bò sữa Mộc Châu, xoài Yên Châu (Sơn La), cá nước lạnh Sa Pa, ớt Mường Khương (Lào Cai), cam Cao Phong (Hòa Bình)…

Từ TP Yên Bái, theo quốc lộ 32 lên vùng cao Suối Giàng gần 100 km. Chè san tuyết Suối Giàng nằm ở độ cao 1.300 m so với mực nước biển, với những rừng cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Có cây phải hai, ba người ôm, thân gốc xù xì, rêu phong trắng mốc, bồng bềnh, ẩn hiện trong mây trắng. Khách du lịch đến đây không chỉ thưởng ngoạn cái cảm giác dưới tán rừng nguyên sinh mà còn thả hồn ở nơi trời gặp đất, thưởng thức hương vị đậm đà của thứ chè thơm, nồng, chát, rồi ngọt mãi trong cổ.

Ở Tây Bắc có câu ví “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”, ấy là thứ tự kể về những cánh đồng lúa rộng lớn và đẹp mê hồn. Nằm giữa lòng chảo Ðiện Biên, cánh đồng Mường Thanh trải dài 20 km, rộng 7 km, được ví như một “cái kho” khổng lồ chứa đầy thóc gạo. Nhờ nguồn nước trong lành và chất đất phù sa bồi lấp bởi dòng sông Nậm Rốm đã kết tinh thành hạt gạo Ðiện Biên dẻo, thơm ngon. Hằng năm vào cuối tháng 9, giữa bốn bề bao bọc bởi núi rừng, lúa trong lòng chảo Mường Thanh bắt đầu chín rộ, khách du lịch đến đây ngây ngất, ngỡ như lạc vào một thung lũng vàng…

Cũng là lòng chảo, thị trấn huyện Yên Châu của tỉnh Sơn La nằm dọc theo quốc lộ 6 là một vùng trũng và bao giờ nhiệt độ ở đây cũng cao hơn các vùng chung quanh từ 3 đến 50C. Bởi thế, đặt chân đến Yên Châu, mọi người cảm giác về cái nóng gió phơn, hay còn gọi là gió Lào. Không gian ở đây tràn ngập hai thứ cây xoài và chuối. Chưa cần chỉ dẫn địa lý, quả xoài tròn Yên Châu từ lâu đã có tên tuổi, được nhiều người biết đến, bởi hương vị thơm ngon khác lạ, thường được so sánh với thứ xoài tượng, xoài cát nổi tiếng ở Nam Bộ. Tháng 6-2017, tại bản Thàn, xã Chiềng Pằn, UBND huyện Yên Châu đã tổ chức ngày hội xoài và công bố thương hiệu đối với quả xoài Yên Châu. Nhân dịp này, huyện Yên Châu đã mời các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với nông dân tham gia hội thảo, chia sẻ thông tin về cây xoài. Vụ thu hoạch xoài năm 2017, lần đầu giống xoài Yên Châu ghép với giống xoài Ðài Loan (Trung Quốc) cho quả to, đẹp, thơm ngon theo tiêu chuẩn VietGAP đã được xuất khẩu sang thị trường Ô-xtrây-li-a và Mỹ. Ðược biết, để xuất khẩu quả xoài vào những thị trường khó tính này phải qua một quy trình sản xuất nghiêm ngặt, kiểm nghiệm khắt khe, nhưng đã thành công, mở ra hướng làm ăn mới cho người dân các dân tộc ở huyện Yên Châu.

Từ quốc lộ 6, vượt đèo Pha Ðin sang quốc lộ 4D, rồi vượt đèo Ô Quy Hồ ngoằn ngoèo, khúc khuỷu là đến với khu du lịch Sa Pa, tìm hiểu về nghề nuôi cá nước lạnh. Thị trấn Sa Pa nhiệt độ thường xuyên ở mức lý tưởng từ 12 đến 150C, nhiều khi dưới 00C, rất phù hợp để nuôi cá hồi vân và cá tầm. Chúng tôi đến thăm cơ sở nuôi cá hồi của anh Trần Ðức Sỹ, ở thôn Can Hồ Mông, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa. Tại đây, nguồn nước lạnh sạch, trong vắt chảy từ dãy núi Can Ngài liên tục đổ vào hệ thống 15 bể xây dựng kiên cố, liên hoàn giúp anh Sỹ mỗi năm sản xuất khoảng 20 tấn cá hồi vân. Cá hồi vân Sa Pa được khách hàng ưa chuộng bởi chất lượng cao, thơm ngon, mầu sắc đẹp tự nhiên, sạch tuyệt đối. Chất lượng cá thương phẩm không kém gì cá nhập khẩu từ các nước châu Âu, nhất là khi cá tươi được đánh bắt trực tiếp từ trong các ao, bể nuôi giao thẳng cho khách. Theo Chủ tịch UBND huyện Sa Pa Vũ Hùng Dũng, năm 2005, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Trung ương nhập khẩu cá hồi vân từ Phần Lan đưa vào nuôi đầu tiên ở Sa Pa. Ðến nay, tỉnh Lào Cai đã có 96 cơ sở nuôi cá nước lạnh, tập trung ở các huyện vùng cao có nguồn nước lạnh, gồm: Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn, với khối lượng gần 48.939 m3 nước lạnh trong các bồn, bể phục vụ nuôi cá, tổng sản lượng ước đạt 500 tấn/năm, giá trị kinh tế ước đạt 30 đến 40 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động địa phương.

Ðẩy mạnh thu hút đầu tư

Trong một hội thảo gần đây về phát triển Tây Bắc do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Ô-xtrây-li-a (ACIAR) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết: Mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, nhưng Tây Bắc dường như chưa có nhiều bứt phá. Ðể đưa sản phẩm nông nghiệp Tây Bắc trở thành hàng hóa, mang giá trị gia tăng có nhiều việc phải làm từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, khơi nguồn tiềm năng cho vùng Tây Bắc rất quan trọng. Trong chương trình kết nối phát triển du lịch tám tỉnh miền núi phía bắc, các tỉnh đã cam kết mở sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp. Hội nghị xúc tiến đầu tư của các tỉnh đã thu hút khá nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến tiêu thụ nông sản. Thông qua du lịch quảng bá hình ảnh văn hóa, miền đất, con người, sản phẩm đặc sản của địa phương tới du khách trong nước và quốc tế.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La, cho biết tỉnh chủ trương chuyển hướng sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ðịnh hình các vùng nguyên liệu tập trung, với quy mô: Cà-phê 14 nghìn ha, cây ăn quả 42 nghìn ha, chè 4.500 ha, mía 8.000 ha. Triển khai đề án trồng cây ăn quả trên đất dốc, tỉnh Sơn La đã tuyên truyền vận động chuyển hàng nghìn héc-ta ngô năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, với tổng diện tích trồng mới năm 2017 hơn 17 nghìn ha. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 10.170 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2016.

Ðể giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Sơn La điều chỉnh cơ chế chính sách không hỗ trợ giống cây con một cách đơn lẻ như trước mà thông qua các doanh nghiệp lớn, có uy tín đầu tư liên kết “bốn nhà” thành chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Ðến nay, tỉnh đã xây dựng được 47 chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tới các siêu thị, đơn vị chế biến, xuất khẩu. Riêng trong năm 2017, Sơn La đã xây dựng thương hiệu và cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho chín sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tiến hành khởi công xây dựng sáu nhà máy chế biến rau, quả, đồ uống, với tổng số vốn hơn 4.000 tỷ đồng. Gần đây nhất, Công ty TNHH SI Vân Hồ, thuộc Tập đoàn IC Food của Hàn Quốc đã khởi công xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến xuất khẩu rau quả. Tại đây, đại diện nhà đầu tư nước ngoài, giáo sư Park Kyun IK, Chủ tịch Tập đoàn IC Food Hàn Quốc, cho biết: Với tiềm năng của Vân Hồ, mô hình sản xuất này thành công sẽ kéo theo một làn sóng chuyển dịch đầu tư rất lớn của các công ty Hàn Quốc về Việt Nam.

Nhờ làm tốt công tác quảng bá thu hút đầu tư, đến nay lĩnh vực nông nghiệp của Sơn La có nhiều khởi sắc. Tại hội nghị thu hút đầu tư năm 2017, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án, tổng vốn đăng ký 8.560 tỷ đồng; ký biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư 17 dự án, tổng vốn khoảng 14.932 tỷ đồng. Ðiều đó cho thấy, công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá thu hút đầu tư của Sơn La đang có sự chuyển động mạnh mẽ, đúng hướng. Mới đây, nhân kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị gặp mặt 600 hộ gia đình, hợp tác xã tiêu biểu có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên từ nông nghiệp. Cùng với việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, việc làm nêu trên như “cú huých” động viên, khích lệ người nông dân Sơn La khao khát làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

So với nhiều địa phương khác, hai tỉnh Lai Châu, Ðiện Biên là những địa bàn còn nhiều khó khăn, nhận thức của đồng bào các dân tộc hạn chế, sản xuất manh mún, chưa có những sản phẩm mang thương hiệu khu vực hoặc quốc gia, giá trị sản xuất nông nghiệp còn thấp,… Mặc dù vậy, ở địa phương cũng đã tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ nông dân theo hướng khai thác tiềm năng lợi thế, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Theo khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng, nếu đối chiếu với các chính sách ưu đãi Trung ương đang thực hiện theo quy định của Luật Ðầu tư và Nghị định 210/2013/NÐ-CP thì hầu hết các chính sách hỗ trợ của Lai Châu dành cho người dân đều đã cao hơn. Thậm chí, tỉnh cam kết với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rằng, nếu tỉnh nào trong khu vực có cơ chế tốt cho doanh nghiệp, Lai Châu sẽ nghiên cứu áp dụng…

Bức tranh về sản xuất nông nghiệp ở vùng Tây Bắc với những gam mầu sáng, tối còn đan xen. Tiềm năng rất lớn, nhưng các tỉnh vùng Tây Bắc vẫn cần sự giúp đỡ, hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, nhất là chính sách về ứng dụng khoa học – công nghệ, tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa người dân với nhà đầu tư và Nhà nước. Ðó chính là chìa khóa mở cánh cửa để sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân vùng Tây Bắc nhanh chóng hội nhập với cả nước và quốc tế.

Theo Nhandan