Thứ sáu,  20/09/2024

Khó tiếp cận với túi ni lông sinh học dễ phân hủy

LSO-Thời gian qua, việc hạn chế sử dụng túi ni lông khó tự phân hủy được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến các huyện. Qua đó nhận thức người dân được nâng lên, tuy nhiên, khoảng cách từ nhận thức đến hành động còn rất xa do họ khó tiếp cận với sản phẩm túi ni lông sinh học dễ phân hủy.


Túi ni lông khó tự phân hủy vẫn được sử dụng rộng rãi

Tuyên truyền rầm rộ

Từ tháng 10/2017 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường  phối hợp triển khai đợt tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn toàn tỉnh về túi ni lông khó tự phân hủy. Theo đó, tuần lễ nói không với túi ni lông khó phân hủy được triển khai tại 11 huyện, thành phố với trên 6.300 người tham gia; công tác tuyên truyền được lồng ghép với hội nghị tập huấn cho 1.100 lượt người, cùng đó, trên 100 buổi phát thanh được triển khai tại các khu dân cư. Đơn vị cấp phát 10.000 kg túi ni lông sinh học dễ  phân hủy cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tại các lễ hội xuân đầu năm 2018, Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp với đoàn thanh niên tổ chức phát túi ni lông sinh học dễ phân hủy cho du khách sử dụng tại một số lễ hội lớn của tỉnh… Các hoạt động trên nằm trong đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó tự phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020  theo Quyết định số 582/QĐ – TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, nhận thức của các tầng lớp nhân dân từng bước được nâng lên.

Nhưng người dân vẫn khó tiếp cận

Thế nhưng, trên thực tế, việc triển khai thực hiện đề án mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền. Điều đáng nói ở đây là đa phần người dân nhận thức được tác hại của túi ni lông khó phân hủy và muốn chuyển sang sử dụng túi sinh học dễ phân hủy nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị nào cung cấp, kinh doanh mặt hàng này. Chị Hoàng Thị Liên, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Vừa qua, tôi có tìm mua túi ni lông sinh học dễ phân hủy tại các chợ và siêu thị trong thành phố nhưng không nơi nào có bán. Tại một số siêu thị, tôi có thể tìm thấy găng tay, màng bọc thực phẩm và túi đựng thực phẩm sinh học dễ phân hủy, nhưng túi đựng chỉ có 1, 2 loại, trong khi đây là đồ được dùng nhiều nhất, vì vậy, tạm thời gia đình vẫn sử dụng túi ni lông thông thường.

Ông Chu Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết: Tuy chưa có tính toán cụ thể song trên địa bàn tỉnh có đến 50% rác thải sinh hoạt là túi ni lông. Hiện nay, các giải pháp về công nghệ để tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy thành sản phẩm hữu ích trên địa bàn tỉnh là chưa thực hiện được do chưa có doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Mặt khác, người dân trên địa bàn tỉnh chưa có thói quen tự phân loại rác tại nguồn nên việc chọn lọc rác thải là túi ni lông để tái chế gặp khó khăn. Một nguyên nhân khiến người dân khó tiếp cận là nếu không được trợ giá thì túi ni lông sinh học dễ phân hủy có giá thành cao hơn túi ni lông thông thường khoảng 30% nên việc đưa loại túi này vào sử dụng đại trà là khó khăn. Cùng đó, nguồn hỗ trợ của tỉnh đối với hoạt động này chưa nhiều, vì vậy, hiện mới chỉ có một số siêu thị lớn sử dụng túi tự phân hủy, còn các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, chợ dân sinh chưa sử dụng túi này.

Như chúng ta đã biết, túi ni lông đang được sử dụng hiện nay được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm mới phân hủy hoàn toàn. Sự tồn tại của nó không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất, nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Để hạn chế những tác hại mà túi ni lông khó phân hủy gây ra, bên cạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, chính quyền, ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý túi ni lông khó phân hủy và cung cấp túi ni lông sinh học dễ phân hủy cho người dân với giá thành tương đương các loại túi ni lông hiện hành.

THỤC QUYÊN